pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cô gái vàng điền kinh Nguyễn Thị Oanh: Vì đường chạy là đường đời
VĐV Nguyễn Thị Oanh
Vực thẳm năm 19 tuổi và nghị lực của một cô gái nặng 40kg
Nguyễn Thị Oanh sinh năm 1995 trong một gia đình có 8 người con ở Bắc Giang. 15 tuổi, Oanh cao 1m53, nặng chưa đến 40 kg. Nhưng vì phải lao động chân tay từ nhỏ, Oanh có một sức khỏe dẻo dai lạ lùng. Đó cũng là lý do mà cô trúng tuyển vào đội điền kinh của tỉnh. 15 tuổi, Oanh theo thể thao chuyên nghiệp vì giấc mơ chạy của một cô bé thi đâu thắng đấy, không biết về những vất vả, gian truân đến khắc nghiệt của nó.
Thời gian ở đội tuyển điền kinh Bắc Giang, Oanh khiến các thầy của mình phải khâm phục vì luôn thích chọn thứ khó và làm cho bằng được. Cô chọn nội dung chạy cự ly 3.000m vượt chướng ngại vật - nội dung chỉ dành cho những người có lợi thế cơ thể đặc biệt. Biết cơ thể mình nhiều khuyết điểm, Oanh đã cố gắng tập luyện và khắc phục những khuyết điểm đó. Có những buổi tập đến kiệt sức, ăn vào là nôn ra nhưng nghỉ ngơi 1-2 ngày là cô trở lại đường chạy, không chờ thầy phải gọi. Ba năm miệt mài như thế, Oanh lên tuyển quốc gia, giành tấm Huy chương Bạc nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật tại đấu trường thể thao lớn nhất Đông Nam Á - SEA Games 2013. Nhưng chỉ 1 năm sau đó, tương lai như đóng sập trước Oanh.
Ngay sau Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc 2014, Oanh đột ngột tăng 6kg trong 1 tuần, cơ thể phù thũng, teo cơ. Bác sĩ kết luận Oanh bị viêm cầu thận. Khi nghe bác sĩ báo tin đó, cả Oanh lẫn đồng nghiệp, thầy cô đều sốc. Viêm cầu thận tức là phải chia tay vĩnh viễn với thể thao. Căn bệnh vốn dĩ không cho phép người bệnh vận động mạnh, thuốc điều trị còn có tác dụng phụ là làm loãng xương và teo cơ. Những tháng điều trị đầu tiên với Oanh như địa ngục trần gian. Đau đớn cơ thể bảy phần, đau đớn vì phải từ bỏ sự nghiệp mười phần. Cô gái Nguyễn Thị Oanh khi ấy không chấp nhận được tất cả đóng lại với mình ở tuổi 19.
Và vì không thể chấp nhận, Oanh đã đứng lên quay lại đường chạy.
Oanh từng chia sẻ, lúc lên quyết tâm chạy lại, cô nghĩ đến các vận động viên khuyết tật. Điền kinh là cuộc sống của cô, nếu cô còn chạy tức là cô vẫn còn được sống tiếp. Trở lại tập luyện trong tình trạng bệnh tật khiến Oanh có lúc tưởng không vượt qua được. Nhưng nhờ thầy cô và bạn bè động viên, Oanh tăng mục tiêu dần dần. Để 3 năm sau, từ đống tro tàn, Oanh giành 2 tấm Huy chương Vàng SEA Games 29. Đáng nói là, 2 nội dung mà cô thi đấu là 1.500m và 5.000m đều không phải nội dung sở trường. Chỉ vì Ban tổ chức bỏ đi nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật mà ban huấn luyện phải đăng ký nội dung khác cho cô.
Thành tích đó có được là vì Oanh không chỉ tập luyện và chạy. Oanh sống trên đường chạy của mình.
Không bỏ cuộc
Thành tích của Nguyễn Thị Oanh tại SEA Games 29 được giới điền kinh xem như một kỳ tích. Bởi một cô gái vừa mới thoát khỏi bệnh tật chưa lâu có thể trở lại với thể thao đỉnh cao mà đoạt giải là hiếm, đoạt Huy chương Vàng càng hiếm, đoạt Huy chương Vàng ở 2 nội dung không sở trường thì chưa có tiền lệ. Nhưng Oanh đã làm được điều đó.
Hai năm sau, tại SEA Games 30, Nguyễn Thị Oanh giành cú "hattrick": 3 chiếc Huy chương Vàng ở cả 3 nội dung: 1.500m, 5.000m và 3.000m vượt chướng ngại vật. Riêng nội dung 3.000m sở trường, Oanh đã tạo ra kỷ lục SEA Games mới với thành tích 10 phút 00 giây 02. Từ đây, Oanh được người hâm mộ vinh danh là "nữ hoàng đường chạy".
Lại 2 năm sau nữa, tại SEA Games 31 trên sân nhà, Oanh tiếp tục lập "hattrick", đồng thời phá kỷ lục của chính mình ở nội dung 3.000m với thành tích 9 phút 52 giây 46, được bầu chọn là 1 trong 4 vận động viên xuất sắc nhất Đại hội Thể thao Đông Nam Á. Cô gái 1m53 cũng chưa có ý định dừng lại ở thành tích này. Oanh là thế, không bao giờ bỏ cuộc. Với cô, niềm vui lớn nhất là niềm vui vượt qua chính bản thân mình.
Nguyễn Thị Oanh đã bước sang tuổi 28, tuổi "sang chiều" của một vận động viên. Nhưng nếu bệnh tật không khuất phục được Oanh thì tuổi tác càng không thể. Oanh của tuổi 28 vẫn quyết sống trọn vẹn với đường chạy của mình mỗi ngày, dù mưa hay nắng.