pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cô giáo dạy Lịch sử hơn 30 năm nhận giải thưởng Võ Trường Toản 2020
Cô giáo Thái Thị Thu Nga tại buổi lễ nhận giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 23 năm 2020.
Quả ngọt từ gian khó
Vì yêu thích nghề giáo nên cô Thái Thị Thu Nga đã “nuôi” ý chí đi theo sự nghiệp trồng người từ rất sớm. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm chuyên ngành Lịch sử, từ năm 1986 đến năm 2003 cô Nga giảng dạy tại Trường THCS Qui Đức (Bình Chánh, TPHCM). Từ năm 2003 đến nay, cô được phân công về dạy bộ môn Lịch sử, Giáo dục công dân và là Tổ trưởng chuyên môn Tổ Lịch sử tại Trường THCS Nguyễn Thái Bình (Bình Hưng, Bình Chánh, TPHCM). Đến nay, cô đã gắn bó với nghề được 34 năm và đã “đưa đò” cho hàng chục thế hệ học sinh cập bến tương lai.
Trong 34 năm gắn bó với bục giảng, có lẽ đây là một năm học đầy ý nghĩa với cô Thái Thị Thu Nga khi những “hạt giống” cô gieo không những đã nở hoa trên giải thưởng của học trò mà còn giúp cô vinh dự là 1 trong 50 cán bộ quản lý, giáo viên được nhận giải thưởng cao quý Võ Trường Toản của TPHCM năm 2020.
“Mỗi ngày đi dạy tôi luôn nghĩ rèn luyện một lớp trẻ tiếp nối tinh thần yêu nước tức là cống hiến cho Tổ quốc. Với một người giáo viên đứng trên bục giảng, tôi luôn nghĩ bộ môn của mình rất quan trọng và tự đặt cho bản thân nhiệm vụ giảng dạy sao cho học sinh hiểu. Như Bác Hồ đã từng dạy “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”, trách nhiệm trên vai của mình là phải cho học sinh biết được quá trình lịch sử của dân tộc để tự hào. Nếu được chọn lại tôi vẫn chọn làm nghề giáo. Giải thưởng lần này một lần nữa khẳng định tôi đã lựa chọn đúng nghề”, cô Nga tâm sự.
Người ươm mần trên đất khó
Bằng tình yêu nghề mến trẻ, cô Nga luôn muốn mở rộng thêm kiến thức cho học sinh, các phương pháp của cô đều tập trung khơi gợi sự sáng tạo, giúp các em phát triển toàn diện về cả năng lực và phẩm chất. Đối với môn Lịch sử, để thu hút học sinh quan tâm, cô Nga đã đưa ra nhiều sáng kiến về phương pháp giảng dạy thông qua việc ứng dụng công nghệ trong giảng dạy. Ví dụ như sử dụng phim tư liệu lịch sử, sử dụng phương pháp trực quan. Từ đó giúp học sinh có thể hình dung được những gì diễn ra trong quá khứ. Hoặc tổ chức các giờ học ngoại khóa về khu di tích lịch sử…
Đặc biệt, với nhiều học sinh, môn Lịch sử thường là môn học “ám ảnh” mỗi khi đến giờ kiểm tra bài cũ. Thế nhưng, đối với giờ học của cô Nga, các tiết kiểm tra hoặc trả bài trở nên nhẹ nhàng và thú vị. Học sinh có thể xung phong thuyết trình theo phương pháp “nộp sản phẩm” hoặc trả lời câu hỏi vấn đáp, đóng vai các tình huống liên quan nội dung bài học và rút ra bài học thực tiễn.
Cô Nga còn có “mát tay” trong công tác bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi Lịch sử và Giáo dục công dân. Gần đây, năm học 2019-2020, cô bồi dưỡng 2 học sinh đạt giải Nhất môn Lịch sử cấp Thành phố.
Cô Nguyễn Thị Ngọc Linh, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Thái Bình (Bình Hưng, Bình Chánh, TPHCM), cho biết: “Cô Nga luôn là người tiên phong tiếp cận những phương pháp, kỹ năng, hoạt động mới với mục đích làm sao để thu hút học sinh tiếp thu bài tốt hơn. Bằng chứng là học sinh rất thích được học với cô Nga và tạo ra những hiệu quả rất tích cực”.
Với sự nỗ lực và phấn đấu không ngừng, cô Thái Thị Thu Nga đã đạt rất nhiều danh hiệu cao quý như: 5 năm liền dạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, Giáo viên dạy môn Lịch sử cấp huyện; Giáo viên tiêu biểu trong phong trào thi đua “Lao động giỏi lao động sáng tạo”; gương điển hình tiên tiến huyện Bình Chánh giai đoạn 2015-2019; Giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 23 năm 2020.