pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cô giáo không tay dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em nghèo
Lê Thị Thắm mơ ước trở thành cô giáo từ khi còn đi học
Lê Thị Thắm sinh năm 1998 ở thôn Đoàn Kết, xã Đông Thịnh, Đông Sơn, Thanh Hóa. Mặc dù đã 24 tuổi nhưng Thắm nhỏ nhắn như một học sinh cấp 2, chỉ cao hơn 1 mét, dáng đi tập tễnh. Do tập viết bằng chân trái nên chân này của Thắm dài hơn chân kia 10cm. Mặc dù đi lại khó khăn những cô gái 9X luôn nở nụ cười tươi với gương mặt dễ thương và đôi mắt sáng.
Mẹ của Thắm là chị Nguyễn Thị Tình cho biết, từ khi sinh ra, Thắm đã không có hai tay. Lúc mới sinh, nhìn thấy con như vậy, chị Tình đã ngất lịm đi vì đau đớn và thương con. Mỗi lần ôm con, chị lại khóc thầm vì lo cho tương lai của con sau này. Không có đôi tay, đến năm 4 tuổi Thắm mới có thể đứng được, nhưng lớn lên cô gái 9X lại có thể dùng đôi chân khéo léo của mình để giúp mẹ việc nhà.
Năm 2004 là thời điểm vô cùng quan trọng với Thắm, vì đó là năm Thắm vào lớp 1, được đến trường cùng các bạn. Bị bạn bè trêu chọc nên ngay từ nhỏ Thắm đã tự nhủ bản thân phải học thật giỏi. Dù cơ thể không hoàn hảo, cầm bút bằng chân nhưng Thắm lại viết chữ rất đẹp. Thậm chí cô còn được cử đi thi viết chữ đẹp và đạt giải Nhất. Dù thiệt thòi hơn các bạn vì không có tay nhưng Thắm luôn có mẹ đồng hành bên cạnh và hết mực yêu thương.
Với ý chí và nghị lực vượt lên số phận, Thắm đã khổ luyện bằng chính đôi chân của mình để được sống, học tập như bao người khác. Không chỉ viết chữ đẹp, đôi chân Thắm còn dùng thành thạo máy tính, cầm lược chải đầu, tự xâu kim, vẽ và thêu tranh.
Ngày nghe tin con gái muốn học Đại học, chị Tình nửa mừng nửa lo. Ngoài khó khăn của bản thân Thắm, thì còn cả nỗi lo cơm áo gạo tiền của một gia đình nông dân nghèo khó. Biết được nghị lực và sự cố gắng của nữ sinh không tay Lê Thị Thắm, hiệu trưởng trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) đã xét duyệt thẳng cho Thắm vào ngành Sư phạm tiếng Anh hệ chính quy. Không chỉ vậy, nhà trường còn tạo điều kiện cho Thắm và mẹ được ở trong ký túc xá, bố trí bàn học riêng cho cô ngồi học, còn tìm việc làm phù hợp cho mẹ của Thắm, để mẹ cô có thêm thu nhập và có thời gian đưa đón Thắm đến lớp.
Kể từ năm nhất, mỗi dịp nghỉ hè về nhà, Thắm đều xin gia đình mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho mấy đứa trẻ trong xóm. Thắm kể, ban đầu lớp học mở ra cũng chỉ có 5 - 6 em nhỏ theo học. Sau đó, nhiều người biết đến lớp của Thắm và đưa các cháu đến nhờ dạy. "Gọi là lớp học cho vui thôi chứ thực chất các em đến không có bàn ghế nên ngồi học ngay tại chiếc giường của cô".
Thắm tâm sự: "Ngày trước đi học, em được cô giáo chủ nhiệm giúp đỡ rất nhiều. Cô chính là hình mẫu lý tưởng để em học tập theo. Em luôn cố gắng học thật tốt để sau này trở thành một cô giáo không chỉ giỏi chuyên môn mà còn tốt bụng như cô giáo của em".
Năm 2020, sau khi tốt nghiệp khoa Sư phạm tiếng Anh trường Đại học Hồng Đức, Lê Thị Thắm chính thức trở thành cô giáo trẻ, dạy học ngay tại quê nhà. Cũng năm đó, cô được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam tuyên dương trong chương trình "Tỏa sáng nghị lực Việt".
Ngoài việc luôn mong mẹ khỏe mạnh để có thể đồng hành cùng mình trên mọi nẻo đường, Thắm bật mí ước mơ lớn nhất của cô là đi du học, trở thành thạc sĩ, sau đó trở về dạy chữ cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn ở chính quê hương mình.