Cô giáo một mình phá hơn 60 vụ trộm cướp

05/09/2019 - 15:20
Là giáo viên, nhưng chị Nguyễn Thị Loan lại là khắc tinh của tội phạm. Bởi trong những năm qua, cô giáo Loan đã một mình triệt phá hơn 60 vụ trộm, cướp và được xem là khắc tinh của tội phạm.

13 tuổi, một mình phục kích bắt trộm

Chúng tôi về Tam Điệp (Ninh Bình) khi trời đã xế trưa. Khi thấy chúng tôi hỏi nhà cô giáo Nguyễn Thị Loan (51 tuổi, giáo viên trường THCS Yên Thắng, huyện Yên Mô, Ninh Bình) không ai không biết. “Cô giáo Loan giỏi lắm. Một mình mà bắt được mấy chục vụ trộm cướp, ai cũng phục. Chúng tôi thường lấy cô giáo Loan làm hình mẫu để dạy con”, bà Minh, một người dân chia sẻ.

Nói rồi, bà Minh tình nguyện dẫn chúng tôi tới nhà cô giáo Loan. Lúc này, cô giáo Loan đang chuẩn bị cơm trưa cho gia đình. Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu câu chuyện của mình, cô giáo Loan cười, bảo: “Chuyện của tôi có gì đâu chú. Mình chỉ làm theo những gì pháp luật cho phép để bảo đảm an ninh trật tự cho mọi người thôi”.

Sinh ra trong một gia đình có 8 anh chị em nên từ nhỏ, cuộc sống của cô giáo Loan rất vất vả. Từ nhỏ chị đã giúp bố mẹ dọn nhà, nấu cơm rồi chăn trâu, cắt cỏ. Có lẽ cũng vì làm nhiều mà chị đen nhẻm, nhỏ thó so với những đứa trẻ cùng tuổi.

_mg_1091.JPG
Cô giáo Nguyễn Thị Loan, người một mình phá hơn 60 vụ trộm cướp

Thời điểm đó, ông nội chị là võ sư môn phái Bình Định và thường dạy võ cho các môn sinh. Chị hay đứng ở hàng rào để nhìn ông dạy võ. Chị học lén các thế võ ông dạy rồi tự tập. Khi ông phát hiện ra đã rất tận tình dạy võ cho cháu. Thấy cháu có năng khiếu nên ông đem hết bí kíp truyền dạy cho. Và vì thế, dù chị mảnh khảnh, nhỏ thó so với đám trẻ cùng trang lứa, nhưng chẳng ai dám đụng đến chị. Trái lại, chị còn được tôn là “đại ca”.

Chị đến với “nghiệp” bắt trộm cướp từ năm… 13 tuổi. Thời điểm đó, trong làng chị thường xuyên xảy ra trộm và nhà chị rất hay bị mất. Lúc thì con gà, khi thì cái xoong, nồi hoặc buồng chuối. Có đàn gà, mẹ nuôi lớn đã lên kế hoạch bán để mua quần áo, sách vở cho con rồi thịt một con để cho cả nhà cùng thưởng thức. Tính toán là thế, nhưng gà chưa kịp bán, nhà chưa kịp ăn thì trộm lẻn vào khoắng mất hơn nửa đàn. Mẹ nhìn chuồng gà mà nước mắt giàn giụa. Chị bực lắm, thề có ngày sẽ bắt hết bọn trộm.

Chị dự tính, trong chuồng vẫn còn vài con gà. Nếu nhà mình không bán, kiểu gì vài hôm trộm cũng sẽ quay lại bắt nốt. Vì thế, chị lên kế hoạch bắt trộm. Sau khi quan sát địa hình quanh nhà, thấy đống rơm gần chuồng gà là nơi trú ẩn tốt nhất. Vì vậy, chị quyết định một mình tập kích “bắt trộm”.

Đêm ngày thứ 5 kể từ khi trộm vào bắt gà, chị cho rằng nhất định trộm sẽ quay lại nên quyết định phục kích. Khoảng gần 0h, khi cả nhà đã lên giường ngủ, chị rón rén chui vào đống rơm rồi lấy chiếc rổ lớn che lại. Từ bên trong, chị có thể dễ dàng quan sát bên ngoài. Đúng như chị dự đoán, chỉ sau gần nửa tiếng phục trong đống rơm, hai bóng đen lách qua hàng rào nhằm thẳng hướng chuồng gà đi tới. Khi cả hai đang lúi húi thò tay bắt gà, chị rón lén lại đằng sau. Nhanh như cắt, chị đạp một tên lăn xuống ao rồi hô trộm, trộm. Một tên thấy vậy nhanh chóng biến mất vào màn đêm. Người nhà nghe tiếng hô lao ra, bắt được tên trộm. Thấy con một mình bắt trộm, mẹ chị hốt hoảng. “Sau lúc đó, mẹ mắng tôi, sao không báo cho cả nhà mà tự mình bắt trộm, nhỡ hiểm nguy đến tính mạng thì sao. Tôi chỉ cười, bởi lúc đó, tôi chẳng sợ gì. Chỉ nghĩ sao bắt được tên trộm để nhà mình bớt khổ. Sau đợt đó, nhà tôi không còn bị trộm vặt ghé thăm nữa”, chị kể lại.

_mg_1052.JPG
Vườn rau nhỏ do cô giáo Loan chăm sóc giúp gia đình tự túc thực phẩm

 Một mình đánh gục 3 tên cướp xe khách

Trong số những vụ trộm cướp mà mình đã phá, chị Loan nhớ nhất lần một mình chống lại 3 tên cướp xe khách giữa đường. Chị kể: Khoảng giữa trưa một ngày giữa tháng 10/2006, chị cùng với nhiều người đi từ huyện Mỹ Đức (Hà Nội) về Hà Đông (Hà Nội). Trên xe lúc này có 26 người, trong đó 22 nam và 4 nữ. Khi xe đi qua cánh đồng vắng, bất ngờ có 3 thanh niên đi xe máy ép xe khách dừng lại. Khi phụ và lái xe vừa xuống thì bị 3 thanh niên cầm dao uy hiếp, rồi đánh chảy máu miệng, máu mũi. Một tên liền lên xe bắt mọi người đưa hết tiền, vàng, điện thoại trong người ra. Trên xe không ai nói gì, một số người đã bỏ tiền cho tên cướp.

Chị liền đứng dậy, bảo tại sao lại đánh lái, phụ xe. Sao lại cướp của chúng tôi rồi nhanh như cắt, chị túm cổ áo và gạt một tên ngã xuống xe. Chị kêu gọi mọi người cùng chung sức chống lại bọn cướp vì chúng chỉ có 3 tên, trong khi trên xe có 22 nam giới. Tuy nhiên, chẳng ai hưởng ứng, có người còn bảo: Bà muốn chết thì bà cứ chết, chúng tôi còn có vợ, có con, có bố, có mẹ, có anh, có em, chúng tôi không muốn chết.

Không thuyết phục được mọi người chống cướp, một mình chị nhảy xuống xe. Lúc này, 2 tên cướp vẫn đánh lái phụ xe, trong đó một tên cầm theo dao nhọn. Thấy chị xuống, hai tên tiến lại phía chị. Nhanh như cắt, chị bắt lấy khuỷu tay của bọn chúng và lấy tay kia chặn cổ tay làm cho dao rơi xuống và xoay một vòng rồi đá vào chỗ nguy hiểm nhất cho tên cướp kia gục hẳn. Tên còn lại cũng nhanh chóng bị hạ. Chỉ trong nháy mắt, 3 tên cướp có vũ khí đã bị hạ gục trước ánh mắt thán phục của mọi người.

_mg_1101.JPG
Sau giờ lên lớp, cô giáo Loan lại đi bán dứa để có thêm thu nhập

Sau khi đánh gục 3 tên cướp, chị sơ cứu cho lái phụ xe rồi lập biên bản cho mọi người trên xe cùng ký biên bản để dẫn giải chúng về Công an tỉnh Hà Tây cũ (nay là Hà Nội). Sau sự việc đó, chị được công an tỉnh Hà Tây tặng bằng khen và bến xe khách Hà Đông tặng thưởng 500.000 đồng. “Lúc đó, tôi chẳng nghĩ đến an toàn của mình mà cho rằng bắt cướp là trách nhiệm của mọi công dân. Nếu phải hi sinh, thì thà mình chết vinh còn hơn sống nhục. Tuy nhiên, tôi cũng tự tin mình sẽ đánh gục bọn cướp”, chị chia sẻ.

Với chị Loan, nếu giữa đường thấy cảnh bất bình, gặp trộm cướp thì chị chẳng thể nhắm mắt làm ngơ mà sẵn sàng tìm cách đưa chúng ra pháp luật dù mình đang bụng mang dạ chửa. Ví như tháng 10/2006, sau khi tan lớp, chị về qua đường Đồi Dù (xã Yên Thắng, huyện Yên Mô) thì thấy 2 thanh niên đang dắt một chiếc xe máy trong ngõ ra ngoài. Thấy chúng dắt bộ, mắt luôn nhìn trước nhìn sau, chị đoán là xe chúng ăn trộm nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Bất ngờ, chị hô cướp cướp để thử. Ai dè đúng là bọn trộm thật, bởi nghe chị hô, 2 tên bèn vứt xe máy lại rồi chạy lên núi trốn.

Dù đang “bụng mang dạ chửa” chị khóa cổ xe máy của mình rồi đuổi theo lên núi. Lên đến lưng chừng núi, chị đã áp sát được hai tên trộm rồi tung đòn hạ gục cả hai tên. Lúc bị bắt, hai tên còn khai trước đó đã trộm tài sản là chiếc tivi của hộ dân gần đó, hiện đang cất trên núi. Chị dẫn chúng lên hang núi thì thấy đúng là có chiếc tivi ở đó chưa kịp tiêu thụ.  Sau đó, chị gọi điện cho công an địa phương đến hỗ trợ và áp giải các đối tượng vi phạm về đồn. Gia đình người mất xe máy và tivi rối rít cảm ơn chị.

Bí quyết bắt trộm cướp

Với chị, bắt tội phạm như là cái duyên. Tính đến nay, chị đã trực tiếp phá được hơn 60 vụ trộm, cướp. Chị bắt tội phạm trong mọi tình huống, mọi thời điểm, như vụ một thanh niên đến ăn cưới rồi trộm luôn điện thoại của khách chị đã khám phá ra; vụ trộm gạch men ở cửa hàng gần nhà; bắt được tên cướp thực hiện hành vi cướp điện thoại của một cửa hàng  phường Nam Sơn (thị xã Tam Điệp) hay như vừa sinh con được 2 tháng chị cũng bắt được tên trộm đồ ở nhà bên cạnh…

Cô giáo Loan chia sẻ suy nghĩ của mình

Đối mặt với những kẻ mà nếu bị bắt sẽ đối diện với án tù nên chúng sẽ chống trả quyết liệt. Dù vậy, chị khẳng định trong số những đụng độ với trộm, cướp, chị chưa từng thua chúng, dù có lúc bản thân cũng bị ngã, xây xát nhẹ. Chị khẳng định: Trước khi bắt cướp, tôi xác định làm được thì ra tay ngay, nếu khó khăn thì gọi cho công an, chứ không thể để cho mình ở trong tình huống nguy hiểm. 

Hơn nữa, để bắt được chúng thì phải có bí quyết. Theo chị Loan, khi đối mặt với những tên trộm cướp hung hãn, mình phải bình tĩnh, thận trọng và ra những đòn quyết định. Khi đụng độ với nhóm cướp có đông người vây quanh, chị quan sát xem tên nào chú ý, tên nào không chú ý đến mình. Chị Loan sẽ tấn công tên chú ý mình trước. Chỉ cần mình đánh gục được một tên, thì những tên sau sẽ sợ hơn. Còn nếu mình đánh tất cả bọn chúng thì mình không đánh lại được. Hơn nữa, mình là phụ nữ nên có lợi thế hơn bởi những tên trộm cướp không nghĩ rằng, một phụ nữ lại dám chống lại đông người. Ngoài ra, khi ra đòn phải nhanh chóng, dứt khoát rồi điểm huyệt để những tên đối mặt không kịp trở tay và giơ tay chịu trói.

Gia đình là chỗ dựa

Công việc của chồng thường xuyên vắng nhà, ông bà nội cũng không nhờ vả được nhiều nên từ việc chăm sóc, nuôi dạy con rồi đối nội, đối ngoại đều một tay chị gánh vác. Chị dạy cho các con từ khi mới 1-2 tuổi. “Tôi mua những tấm ghép có hình chữ cái, các con số cho con chơi rồi chỉ cho con. Cô con gái đầu của tôi biết đọc, biết nhận các mặt chữ từ năm 2 tuổi. Khi bé sang nhà hàng xóm chơi, con đọc chữ mà mọi người cứ tròn mắt ngạc nhiên. Lớn lên, các con nỗ lực học tập. Hết giờ học, các con lại giúp mẹ việc, chị chăm em. Cũng vì thế, các con học rất giỏi. Hiện con gái đầu đã tốt nghiệp Đại học với tấm bằng Giỏi, vừa thi đậu công chức vào Tổng Cục Hải Quan. Còn cô thứ hai năm nay học lớp 12 và đang ấp ủ giấc mơ vào Đại học Ngoại thương", chị khoe.

Ngoài ra, chị còn dạy các con tự lập từ bé. Vì thế, khi chị vắng nhà, các con có thể tự cơm nước, tắm giặt cho nhau. Chị kể: Có đợt tôi ốm nặng phải ra Hà Nội điều trị. Ở nhà, các con tự nấu cơm mang đến cho mẹ. Cậu út mới 6 tuổi bảo chị: Mẹ ốm rồi, nhà cũng không có tiền nữa. Mỗi bữa mình chỉ mua một lạng thịt thôi, rau thì ra vườn hái. Mỗi buổi sáng, chị em mình chỉ mua một ổ bánh mỳ (2.000 đồng), mỗi người một nửa để bố mẹ đỡ lo cho chúng mình. Khi nghe con lớn kể lại, tôi cũng rơi nước mắt vì thương con.

_mg_1094.JPG
Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an tặng cô giáo Nguyễn Thị Loan

Trong thành công của vợ không thể thiếu được sự động viên, chăm sóc an ủi của chồng. Khi biết vợ hay bắt trộm cướp, ban đầu anh Dĩnh (chồng chị Loan) cũng không ủng hộ. Anh bảo vợ: Thấy cướp thì kệ người ta, dính vào làm gì nhỡ may làm sao thì khổ con cái.

Nhưng rồi thấy đam mê của vợ, hơn nữa chị vẫn làm tốt việc cơ quan, việc nhà, anh cũng dần ủng hộ. Anh chỉ luôn nhắc chị, khi đối mặt với những tên trộm cướp hung hãn, phải thật bình tĩnh và thận trọng, bởi bọn tội phạm thường rất táo tợn, liều lĩnh và manh động.

Chị bảo, chồng rất tuyệt vời, hiểu và thông cảm cho vợ. Vợ chồng hiểu nhau nên chẳng bao giờ giận nhau quá 5 phút. “Mỗi khi về muộn, tôi đều gọi điện về trước để chồng biết. Khi về nhà, tôi đều nói lời xin lỗi và mong anh thông cảm rồi “thơm” yêu chồng. Hơn nữa, mình cũng phải luôn giữ cho không khí gia đình vui vẻ. Ngoài ra, để làm tròn thiên chức người vợ, người mẹ, mình phải chu toàn với gia đình, với bố mẹ hai bên, làng trên, xóm dưới”, chị chia sẻ.

dy-con.jpg
Chị Loan dạy con học

Tuy nhiên, cách đây 6 năm, chồng chị đột tử rồi qua đời. Chồng mất, mọi gánh nặng đè lên mình vai chị. Lúc đó, con gái đầu đang chuẩn bị vào đại học. Chi phí sinh hoạt của gia đình, rồi tiền trợ cấp cho con đi học đều một tay chị lo tất. Đồng lương giáo viên eo hẹp, cuộc sống gia đình ngày càng vất vả, vì vậy, hễ rảnh là chị lại tranh thủ đi bán dứa để có thêm thu nhập. Chị lấy hàng của người dân ở Tam Điệp rồi đưa ra Nam Định bán. Ngày đầu đi buôn, chị lấy một bao tải chở sang chợ Nam Định bán. Thấy bán được, lãi cũng ổn nên chị quyết định đi buôn từ đó đến nay. Tan giờ lên lớp, chị lại lấy xe chở dứa sang Nam Định bán. Hết hàng, chị lại mua rau củ ở Nam Định mang về Tam Điệp nhập cho các mối. Thấy làm ăn được, chị nâng dần số hàng lên, rồi thuê ô tô mua chở sang Nam Định. Số lãi thu được, một phần chị chi tiêu cho gia đình, một phần tiết kiệm để phòng lúc ốm đau.

Lời nhắn gửi đến giới trẻ

Là một giáo viên, chị luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn. Các em học sinh ở Trường THCS Yên Thắng cũng rất yêu cô giáo của mình, bởi ngoài dạy chuyên môn, cô giáo đã truyền dạy cho các em về lòng dũng cảm, tinh thần trách nhiệm với việc bài trừ cái xấu trong xã hội. Các em gọi cô giáo Loan là “anh hùng giữa đời thường”. Tuy nhiên, chị chỉ bảo, những việc làm tuy nhỏ bé so với nhiều người khác nhưng nó luôn là suy nghĩ là tâm huyết của mình. Lương tâm, đạo đức không cho phép mình vô cảm trước tội phạm, không chỉ vì bản thân, mà lớn hơn là trách nhiệm của mỗi người dân với xã hội, với cộng đồng quần chúng nhân dân, vì sự nghiệp an ninh trật tự.

Cô giáo Loan hướng dẫn người dân cách phòng, tránh trộm cướp

Qua thực tế các vụ trộm, cướp mà mình đã bắt, chị thấy rằng đa số những kẻ phạm tội còn rất trẻ, không được giáo dục đến nơi đến chốn, có đối tượng lang thang nay đây mai đó. Vì vậy, chị chỉ mong xã hội tạo thêm nhiều việc làm cho người dân. Khi có việc làm, vị thành niên, thanh niên mới không phạm tội.

Ngoài ra, để xảy ra việc phạm tội cũng một phần là do người dân lơ là, mất cảnh giác. Vì vậy, chị khuyên các bạn nam không nên để ví ở túi quần sau, các bạn nữ không nên đeo trang sức bằng vàng, không đeo túi xách ở vai,… bởi dễ bị những kẻ có ý định trộm, cướp chú ý. Hơn nữa, các bạn trẻ cần phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, xây dựng xã hội tốt đẹp bằng cách cùng chung tay đẩy lùi tệ nạn xã hội. Nếu phát hiện trộm, cướp nên hô hoán để người dân cùng tham gia. Nếu mình im lặng, bọn cướp sẽ càng được đà, nhưng mình lên tiếng thì xã hội ủng hộ. Đặc biệt, người dân cần tin vào sự nghiêm minh của pháp luật và mình làm như vậy là bảo vệ pháp luật và được pháp luật bảo vệ.

Với những thành tích xuất sắc đã đạt được trong công tác giữ gìn, bảo vệ an toàn trật tự xã hội, cô giáo Nguyễn Thị Loan đã vinh dự được nhận nhiều bằng khen của địa phương, của Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Giáo dục- Đào tạo và Hội LHPN Việt Nam.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm