Sáng 5/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, trong đó vấn nạn ma túy hoành hành tiếp tục được nhiều ĐBQH quan tâm. Lo ngại hơn cả chính là tình trạng ma túy được sử dụng, thậm chí mua bán ngay trong trường học – nơi tưởng chừng là an toàn nhất đối với học sinh, theo lời của đại biểu Hồ Thị Kim Ngân – Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bắc Kạn.
Theo đại biểu, nhiều vụ án liên quan đến ma túy gây đau lòng dư luận bởi có bị can vẫn ngồi trên ghế nhà trường. Điển hình như vụ mua bán trái phép chất ma túy tại Lạng Sơn vào tháng 3/2019 có 6 bị can khởi tố thì 5 đối tượng là học sinh. Tại Cần Thơ vào năm 2018, có 24 học sinh bị phát hiện nghiện ma túy, sử dụng ma túy, sisha… trong đó có 8 em bị khởi tố. Những vụ án ma túy có liên quan đến học sinh sinh viên, theo bà Ngân là còn rất nhiều.
Phân tích nguyên nhân, nữ đại biểu cho rằng ngoài lý do gia đình như bố mẹ ly hôn, bố mẹ nghiện ma túy, nuông chiều con cái, còn xuất phát từ suy nghĩ và nhận thức của lứa tuổi thanh thiếu niên. “Độ tuổi này, các em dễ bị dụ dỗ, nhạy cảm với cái mới, thích thể hiện bản thân, nhận thức chưa đầy đủ về tác hại của ma túy” – bà nhận định.
Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân nêu thực trạng về sử dụng, mua bán ma túy trong học đường hiện nay với nhiều hình thức tinh vi. Không chỉ sử dụng, học sinh còn mua bán trao đổi ma túy cho nhau, bán ở mọi nơi, điển hình như bán trong nhà vệ sinh trường học, có khi còn bán ngay trong lớp học (như vụ học sinh bán ma túy cho các bạn ở một trường cấp 3 thuộc huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn mới đây).
“Mua bán ma túy không chỉ diễn ra trên mạng xã hội mà còn theo hình thức mua bán đa cấp trong học sinh, mua 10 viên được miễn phí 3 – 4 viên. Nếu bán được tiếp cho người khác thì tiếp tục có lợi” – bà Ngân nêu thực tế.
Theo bà, để ngăn chặn tình trạng này, các ngành Công an, Giáo dục, LĐTBXH mặc dù có nhiều biện pháp như ban hành thông tư về phòng chống tệ nạn ma túy tại các cơ sở, xây dựng đề an tăng cường năng lực phòng chống ma túy trong trường học, ký kết các chương trình dự phòng nghiện ma túy, thực hiện tháng hành động… cho học sinh sinh viên, tuy nhiên chưa phát huy hiệu quả, mạnh ngành nào ngành đó làm. Việc phối hợp ở mức độ chừng mực, chưa rõ trách nhiệm của từng ngành. Và vì thế, bằng nhiều cách thức, ma túy và các chất hướng thần vẫn len lỏi vào trường học – nơi vốn được cho là an toàn nhất đối với học sinh.
Trước thực trạng ma túy xâm nhập học đường, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bắc Kạn kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành tổng kết các đề án, chương trình để từ đó có cách thức đấu tranh tội phạm ma túy phù hợp với tình hình phức tạp hiện nay, trong đó có yếu tố mới như người nước ngoài lợi dụng chính sách mở cửa hội nhập vào Việt Nam với danh nghĩa du lịch thăm thân, kinh doanh, móc nối với các đối tượng trong nước thành lập công ty bình phong để sản xuất tại chỗ và vận chuyển sang nước thứ ba.
Theo bà Hồ Thị Kim Ngân, truyền thông ma túy học đường vẫn là cách thức tuyên truyền hữu hiệu, tuy nhiên đề nghị phát huy bằng cách đổi mới phương pháp, nội dung phù hợp từng địa bàn. Ngành giáo dục cần dành thời gian quan tâm thỏa đáng, nếu chỉ dành 15 phút truyền thông thì không đảm bảo nội dung và thu hút sự chú ý của học sinh. Nhà trường cần được đào tạo kỹ năng nhận diện và xử lý khi nghi ngờ học sinh có dấu hiệu sử dụng ma túy hoặc mua bán ma túy nhiều lần.
“Đồng thời, để có cái nhìn toàn diện, tôi đề nghị Chính phủ đưa nội dung này để báo cáo hàng năm trước Quốc hội” – nữ đại biểu kiến nghị.
Cùng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (đoàn Bình Thuận) kiến nghị Quốc hội cần xem xét sửa đổi, thống nhất độ tuổi của người nghiện ma túy bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là từ đủ 12 tuổi trở lên để phù hợp tương xứng với các đối tượng vi phạm và phạm tội ngày càng trẻ hóa như hiện nay.
Bên cạnh đó, cần có văn bản quy định rõ việc đưa người nghiện đi xác định tình trạng nghiện đối với đối tượng không cộng tác và việc giữ người trong trường hợp theo dõi các triệu chứng của trạng thái cai nghiện để xác định tình trạng nghiện.
Cũng liên quan đến việc cai nghiện, đại biểu Phúc đề nghị các bộ, ngành liên quan sớm có hướng dẫn quy định cụ thể, thống nhất về việc xác định nơi cư trú ổn định, quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng khi tiếp nhận yêu cầu xác minh nơi cư trú của người nghiện.
“Trường hợp đã gửi yêu cầu xác minh nhưng hết thời hạn mà không có văn bản trả lời thì giải quyết ra sao? Có được xem xét là trường hợp không có nơi cư trú ổn định hay không? Do đó cần phải được quy định cụ thể” – bà Phúc đề xuất