Cơ hội khỏi hoàn toàn khi đốt u tuyến giáp bằng sóng cao tần

30/10/2016 - 11:44
Bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo và giao tiếp thường xuyên với bác sĩ làm can thiệp u tuyến giáp trong lúc đốt u bằng sóng cao tần. Với lợi ích như thời gian phục hồi nhanh, chi phí phù hợp... kỹ thuật này đang đem lại hy vọng lớn cho chị em mắc bệnh.
Kỹ thuật điều trị đốt u bằng sóng cao tần còn mở ra cơ hội chữa bệnh cho nhiều chị em bởi có đến 90% bệnh nhân mắc u tuyến giáp là phụ nữ.

Hiện BV Bạch Mai đã sử dụng phương pháp trị u tuyến giáp lành tính bằng sóng cao tần điều trị cho 15 bệnh nhân với kết quả tốt.

Chị Nguyễn Thị Kim Liên, 54 tuổi (tổ 8 phường Đông Quang, Thái Nguyên), bị u tuyến giáp đa nhân từ cách đây hơn 10 năm. Đi khám ở đâu bác sĩ cũng chỉ định cho chị mổ mở. Nhưng chị bị cơ địa sẹo lồi, mổ xong sẹo lồi sẽ chắn ngang cổ, chị làm giáo viên nên điều này rất bất tiện. Vì thế, chị cứ lần lữa không phẫu thuật.

Cuối cùng chị năm 2015, chị được các bác sĩ Bệnh viện (BV) Bạch Mai đưa sang Hàn Quốc điều trị bằng sóng cao tần. Do khối u của chị ở hai bên to nên khi đoàn chuyên gia Hàn Quốc sang chuyển giao công nghệ cho BV Bạch Mai, chị tiếp tục được đốt lần 2. Hiện nay sau 6 tháng, u của chị đã tiêu gần hết không còn nhìn thấy bằng mắt thường.
nhung-dieu-ban-can-biet-ve-u-tuyen-giap.jpg
 U tuyến giáp khiến bệnh nhân khó thở, khó nuốt
Bác sĩ Ngô Lê Lâm, khoa Chẩn đoán hình ảnh, BV Bạch Mai cho biết, trước đây, khi Việt Nam chưa áp dụng phương pháp này, một số bệnh nhân có nhu cầu điều trị phải ra nước ngoài. BV Bạch Mai là BV duy nhất tại Việt Nam đưa phương pháp này vào điều trị từ tháng 7/2016.

Theo GS.TS Phạm Minh Thông, Phó Giám đốc, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, BV Bạch Mai, u tuyến giáp là một bệnh phổ biến, đa phần lành tính, chỉ 4-7% là ung thư. Tuy nhiên, dù lành tính cũng đem lại nhiều phiền toái cho bệnh nhân. Nếu u to ra sẽ khiến cổ bị phù, đồng thời có khả năng chèn ép lên khí quản, thực quản, làm người bệnh khàn tiếng, khó thở, khó nuốt hoặc gây ra các biến chứng như ung thư hóa, viêm giáp, cường giáp trạng, suy giáp trạng, chảy máu, ảnh hưởng tới tim mạch, nội tiết.

Cũng theo GS Thông, phẫu thuật nội soi hoặc mổ mở đang là phương pháp điều trị tuyến giáp phổ biến hiện nay. Mổ mở để lại sẹo xấu trên cổ bệnh nhân. Nội soi thì sẹo nhỏ nhưng bắt buộc phải cắt ½ tuyến giáp dễ khiến bệnh nhân bị suy giáp…
nguyen-nhan-ung-thu-tuyen-giap-1.jpg
Siêu âm phát hiện bệnh về tuyến giáp
Bác sĩ Lâm cho biết, điều trị u tuyến giáp lành tính bằng sóng cao tần mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân. Bởi thủ thuật nhẹ nhàng, chỉ cần gây tê quanh tuyến giáp. Bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo và giao tiếp thường xuyên với bác sĩ làm can thiệp trong lúc đốt sóng cao tần. Đây cũng là quy trình bắt buộc trong quá trình làm vì giao tiếp với bệnh nhân để biết là không ảnh hưởng tới dây thần kinh (ưu điểm hơn so với phẫu thuật vì phẫu thuật phải gây mê nên phẫu thuật viên không thể biết được có ảnh hưởng tới giọng nói người bệnh hay không).

Khi can thiệp, bác sĩ chỉ chọc vào khối u bằng kim có kích thước như kim tiêm nên bệnh nhân không bị sẹo giống như phẫu thuật. Sau can thiệp, thường chỉ theo dõi thời gian ngắn (1-2 tiếng) nếu không có biến chứng nào nghiêm trọng, bệnh nhân có thể về nhà, giảm nhiều chi phí điều trị nằm viện cho bệnh nhân. Đặc biệt, kỹ thuật được áp dụng cả cho các bệnh nhân già yếu, khó khăn hoặc chống chỉ định gây mê cho phẫu thuật.

Theo bác sĩ Lâm, sau điều trị u tuyến giáp bằng kỹ thuật này, kích thước khối u sẽ giảm dần dần. Tốc độ giảm nhanh nhất trong tháng đầu tiên. Trong 6 tháng và sau 1 đến 4 năm, kích thước khối u giảm 90% thể tích ban đầu. Tùy theo kích thước u mà chỉ định số lần điều trị khác nhau. Đối với khối u có đường kính dưới 3cm, thường điều trị hiệu quả sau 1 lần điều trị. Với khối u kích thước trên 3 cm, thường phải điều trị từng phần nên có thể điều trị 2-3 lần. Chi phí điều trị khoảng 15-20 triệu đồng/ca, khi bảo hiểm y tế chi trả thì bệnh nhân mất ít tiền nếu có bảo hiểm y tế.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm