Thai phụ bị bệnh tuyến giáp, con dễ bị sinh non, đần độn

20/04/2016 - 00:00
Bệnh tuyến giáp nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời trong thai kỳ, có thể dẫn đến nhiều nguy cơ về sức khỏe cho bà mẹ và thai nhi như sinh non, tiền sản giật, sảy thai, thậm chí tử vong...
Bác sĩ Nguyễn Trần Kiên, khoa Nội-Tim mạch chuyển hóa, BV Tim Hà Nội cho biết: Nhìn chung, trên thế giới có khoảng 4% thai phụ ở các nước phát triển bị rối loạn chức năng tuyến giáp. Ở Việt Nam, tuy chưa có số liệu thống kê chính thức, song do nằm trong vùng bị thiếu i ốt nên tỷ lệ thai phụ rối loạn chức năng tuyến giáp có thể sẽ cao hơn.

Thực tế hiện nay, vấn đề tầm soát để phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh lý về tuyến giáp ở Việt Nam vẫn chưa được nhiều người chú ý. Nhiều thai phụ, thậm chí còn chưa từng nghe đến những cụm từ như "suy giáp", "cường giáp"... trong khi đây là căn bệnh có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của họ và thai nhi.
tuyen-gip-1.jpg
Khám tuyến giáp trước khi mang thai để tránh nguy cơ bệnh tật cho cả mẹ và thai nhi
Tuyến giáp là một cơ quan nằm ở phía trước cổ, tiết ra hormone để điều tiết quá trình chuyển hóa trong cơ thể, hoạt động của tim và hệ thống thần kinh, trọng lượng, nhiệt độ và nhiều quá trình sinh hóa khác.
Rối loạn chức năng tuyến giáp được chia làm hai loại: Cường giáp và suy giáp. Cả hai bệnh lý này diễn ra trong lúc mang thai đều không có lợi cho bà mẹ và thai nhi. Bởi vì, trong 10-12 tuần đầu tiên của thai kỳ, do tuyến giáp của thai nhi chưa hoạt động nên em bé hoàn toàn phụ thuộc hormone tuyến giáp của mẹ.

Nếu mẹ bị suy giáp trong vòng 12 tuần đầu tiên của thai kỳ, sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hormone tuyến giáp ở thai nhi. Đây là một loại hormone có vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự phân chia, phát triển của các tế bào, các tổ chức, cơ quan… cũng như sự phát triển của não bộ. Những trẻ bị suy giáp bẩm sinh sẽ có những bất thường về thể lực, trí tuệ (chậm lớn, kém hoạt động, đần độn)...

Bên cạnh đó, người mẹ bị suy giáp khi mang thai có thể gây ra thiếu máu, tiền sản giật, sinh non, nhau bong non, thai nhi chậm phát triển trong tử cung, suy dinh dưỡng bào thai...

Ngược lại, nếu mẹ bị cường giáp, cũng có thể bị biến chứng như suy tim, loạn nhịp tim, lồi mắt... Nếu không được điều trị tốt thì các thai phụ mắc bệnh cường giáp có thể bị sảy thai sớm hoặc các biến chứng nặng khác như nhiễm độc thai nghén, sản giật. Ngoài ra, những phụ nữ có thai mà cường giáp vẫn đang tiến triển nặng thì có nguy cơ rất cao bị cơn cường giáp cấp với tỷ lệ tử vong cao. Thai nhi ở các bà mẹ bị bệnh cường giáp có thể bị ảnh hưởng: Làm tăng nhịp tim thai, thai nhi nhẹ cân so với tuổi, đẻ non, thai chết lưu...

Đáng lưu ý, phụ nữ là đối tượng rất dễ gặp vấn đề với tuyến giáp. Do đó, trước khi mang thai, chị em cần kiểm tra về tuyến giáp, đặc biệt trong trường hợp trong gia đình có người bị bệnh về tuyến giáp, từng được chẩn đoán trước đó các bệnh như Basedow, suy giáp, bướu cổ đơn thuần, bướu nhân tuyến giáp…

Để xác định có gặp vấn đề về tuyến giáp hay không, chị em sẽ được các bác sĩ khám lâm sàng, làm xét nghiệm máu và siêu âm tuyến giáp… Ngay khi được chẩn đoán có bệnh về tuyến giáp, bác sĩ sẽ cân nhắc để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, nhằm đưa nồng độ hormone tuyến giáp về mức bình thường.
 
 
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm