Có một Hà Nội thời bao cấp rất khác trong “Những khung hình của phố”

Bảo Minh
24/12/2023 - 23:09
Có một Hà Nội thời bao cấp rất khác trong “Những khung hình của phố”

Tập tản văn "Những khung hình của phố"

Không phải những câu chuyện phủ một lớp màu bàng bạc của gian khó, thiếu thốn và nghèo đói thời bao cấp, “Những khung hình của phố” của tác giả Quách Thúy Quỳnh là những hoài niệm sống động, lấp lánh của những đứa trẻ sinh ra trong các gia đình tiểu thương ở Hà Nội một thời.

Nhân dịp Giáng sinh 2023, tác giả Quách Thúy Quỳnh đã có buổi ra mắt sách Những khung hình của phố tại Ikebana House (Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, 36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội). Dẫn dắt chương trình là nhà thơ Lữ Mai.

Chia sẻ trong buổi ra mắt sách, tác giả Quách Thúy Quỳnh cho biết, những dòng dầu tiên của cuốn sách được chị viết từ hơn 10 năm trước, thời chị còn đang du học ở Nhật, trong nỗi nhớ nhà quay quắt. Theo chị, cuốn sách không phải là một cuốn hồi ký hay một cuốn tản văn riêng về Hà Nội mà là những hoài niệm về thời thơ ấu nơi phố phường, đan xen với những suy tư hiện tại về những cảnh người ở phố. Mỗi bài viết giống như từng khung hình trong bộ phim về cuộc sống của một người đã sống cả đời ở phố…

Nhà thơ Lữ Mai (bên trái) và tác giả Quách Thúy Quỳnh trong buổi ra mắt sách "Những khung hình của phố"

Nhà thơ Lữ Mai (trái) và tác giả Quách Thúy Quỳnh trong buổi ra mắt sách "Những khung hình của phố"

Có thể nhận thấy, trong những tản văn hay cuốn sách viết về thời kỳ cuối bao cấp - đầu Đổi mới, đa phần các câu chuyện đều phủ một lớp màu bàng bạc của những gian khó, thiếu thốn và nghèo đói. "Điều này dễ khiến những người không sống qua thời kỳ đó nghĩ rằng khi ấy tất cả chúng tôi đều sống kham khổ, tằn tiện và chính đó là lý do để lại ấn tượng của thời ấy trở nên sâu đậm. Bởi khi no đủ, người ta hay hoài niệm về thời thiếu đói. Thế nhưng, điều đó lại thôi thúc tôi viết về thời thơ ấu của chính mình, một đứa trẻ lớn lên ở phố", Quách Thúy Quỳnh chia sẻ.

Theo tác giả, những đứa trẻ không phải sinh ra trong những gia đình có bố mẹ là cán bộ nhà nước mà là các gia đình tiểu thương, lao động tự do ở Thủ đô thời bao cấp như chị đã có một tuổi thơ lấp lánh, đủ đầy và nhiều mùi vị hạnh phúc. Về điều này, nhà thơ Lữ Mai cho rằng, cuộc sống của tiểu thương thời bao cấp là phần còn chưa được đề cập nhiều trong văn học và Những khung hình của phố đã góp thêm một góc nhìn quý về giai đoạn này.

Cũng theo nhà thơ Lữ Mai: "Đọc đi, đọc lại cuốn sách này, trong tôi vẫn thường trực một cảm giác nhẹ nhõm, bình yên, thấm thía và tiếc nhớ. Tiếc cả những điều mình chưa từng trải qua, nhớ cả những điều mình chưa từng biết đến.

Cái hay, cái đẹp đọng lại chính ở những điều mộc mạc mà không hề giản đơn ấy - khi tác giả Quách Thúy Quỳnh đã khắc họa nên một khung trời ký ức đầy rung cảm. Nhận mình chỉ là "người ở phố", cách định vị giản đơn mà khiêm nhường ấy của tác giả nhận được sự đồng cảm nhờ cách kể chuyện có duyên, dí dỏm mà chân thành, thể hiện tâm hồn nhạy cảm, tinh tế với những góc nhìn rất riêng".

Tác giả Quách Thúy Quỳnh sinh năm 1977, là cựu học sinh trường THPT Chu Văn An, tốt nghiệp tiến sĩ Luật Đại học Tổng hợp Kyushu Nhật Bản năm 2011. Chị từng là giảng viên Luật tại Học viện Tư pháp và Đại học RMIT Việt Nam. Hiện chị là luật sư Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội.
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm