Bùi Thị Hải, ở Q. Tân Bình, TP Hồ Chí Minh tâm sự: “Em là người Nam, bố mẹ chồng em người Bắc. Năm trước mới cưới, nên em đón giao thừa ở nhà chồng, 2 nhà cách nhau 20 km, nhưng phải đến mồng 3 Tết em mới được chồng đưa về chúc Tết ba mẹ vợ”.
Năm trước, con gái đi lấy chồng không được về đón Tết ở nhà, vì mới làm dâu nhà chồng, nên ba mẹ em gọi facetime để nhìn thấy con gái. Chào hỏi bố mẹ mà giọng cứ nghẹn lại, vì ba mẹ buồn, nhớ con mà không dám nói.
Năm nay, em xin phép bố mẹ chồng cúng giao thừa xong thì về đón giao thừa với ba mẹ đẻ, em xin phép về 1 mình thôi, chồng vẫn ở lại họp mặt với cả nhà.
Bùi Thị Hải cho biết: “Em xin phép bố mẹ chồng mà phải nói trong nước mắt, vì thương ba mẹ ở nhà, vậy mà bố mẹ chồng nói: "Lấy chồng phải theo chồng, không nói là dành tình cảm cho ai ít, ai nhiều, mà đó là bổn phận con dâu. Nếu ba mẹ con gả con đi rồi, thì phải khuyên dạy con gái theo nhà chồng, kiểu “xuất giá tòng phu”. Bố mẹ không ép con, nhưng bố mẹ nói cho con hiểu lễ nghĩa, phép tắc gia đình như vậy".
Em thưa: Con không biết có thể đón giao thừa với ba mẹ mình được mấy lần nữa, ba mẹ con già yếu rồi, con hứa cúng xong ở đây thì con mới về nhà con. Năm trước con đón giao thừa ở nhà mình rồi. Thật sự rất vui, nhưng con có cảm giác trống vắng lắm. Bố mẹ và ba mẹ con đều là những người con thương yêu nhất, nên con muốn chia thời gian ra để có thể chăm sóc tinh thần tốt nhất cho cả 2 bên nội, ngoại. Dù gì, thời gian hàng ngày con đã dành cho nhà chồng là chủ yếu rồi, con chỉ muốn xin về với ba mẹ con đón giao thừa năm nay.
Mẹ chồng vẫn kiên quyết: “Con là dâu, phải có trách nhiệm với nhà chồng chứ, không phải nói dành thời gian cho nhà chồng quá nhiều vì hàng ngày sống ở đây được”.
Em rất muốn về nhà với ba mẹ đón giao thừa, em phải làm sao đây? Em có nên bỏ mặc lời khuyên can của bố mẹ chồng, cứ về nhà mình không? Hay cứ phải nín nhịn ở lại, để làm đẹp lòng nhà chồng trong nỗi ấm ức?