Có nên tiêm vaccine phòng cúm khi đang bị ốm?

Châu Anh
18/02/2025 - 16:16
Có nên tiêm vaccine phòng cúm khi đang bị ốm?
Mùa cúm bắt đầu với tin tức về những ca nhiễm cúm biến chứng nặng phải thở máy, nằm ICU khiến nhiều người hoang mang cũng như e sợ khan hiếm vaccine mà dù đang bị ốm cũng muốn tiêm vaccine phòng cúm mùa ngay lập tức. Điều này có nên hay không?

Trước tiên, tiêm vaccine phòng cúm được xem là biện pháp bảo vệ tốt nhất giúp giảm 40 - 60% nguy cơ nhiễm cúm cũng như giảm tỷ lệ biến chứng nặng cần điều trị tại bệnh viện. Vaccine phòng cúm đặc biệt cần thiết với trẻ nhỏ có hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn thiện, người lớn tuổi có miễn dịch kém, người có các bệnh lý mãn tính như tim mạch, bệnh gan thận, bệnh rối loạn chuyển hóa, viêm xương khớp,...

Tại Việt Nam, bệnh cúm có thể xuất hiện ở bất cứ thời điểm nào trong năm. Bạn có thể thấy các trường hợp bị cúm mùa gia tăng khi giao mùa đông - xuân nhưng bạn cũng có thể bị cúm vào mùa hè, cúm mùa thu,...

Do vậy nhu cầu tiêm vaccine phòng cúm tăng cao nhưng không phải ai cũng biết các trường hợp sức khỏe nào nên tạm hoãn tiêm vaccine phòng cúm để tránh giảm hiệu quả của vaccine hoặc ảnh hưởng tới việc điều trị và phục hồi bệnh hay ai không nên tiêm phòng cúm.

Có nên tiêm vaccine phòng cúm khi đang bị ốm?- Ảnh 1.

Có nên tiêm vaccine phòng cúm khi đang bị ốm? Ảnh: ST

1. Có nên tiêm vaccine phòng cúm khi đang bị ốm?

Câu trả lời là tùy từng trường hợp bị ốm ở mức độ nào và người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ để cân nhắc giữa rủi ro và lợi ích nhận được nếu tiêm vaccine ngừa cúm khi đang bị ốm. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ có khuyến cáo rằng, một người có thể tiêm vaccine phòng cúm nếu bị cảm lạnh mức độ nhẹ, với các triệu chứng như sổ mũi, đau họng hoặc các tình trạng khác như tiêu chảy nhẹ, viêm tai nhẹ, sốt nhẹ không quá 38 độ C. Nhưng nếu bị ốm nặng hơn thì việc tiêm vaccine có thể tạm thời khiến hệ miễn dịch bị suy yếu, lúc này hệ miễn dịch cũng không "có đủ nguồn lực" để tạo ra phản ứng đáp ứng miễn dịch với vaccine ngừa cúm.

Ngoài ra, theo VeryWell, nếu tiêm vaccine phòng cúm khi bị bệnh có thể khiến quá trình phục hồi chậm hơn do hệ miễn dịch phải "phân chia lực lượng" để làm việc. Điều này đặc biệt cần tránh với người lớn tuổi có đáp ứng miễn dịch kém hơn khi tiêm vaccine cúm. Đây cũng chính là lý do tại sao vaccine cúm liều cao được khuyến nghị nên tiêm cho người trên 65 tuổi. Tương tự, những người từng trải qua hóa trị điều trị ung thư, dùng thuốc sức chế miễn dịch hoặc nhiễm HIV không được điều trị cũng có thể khiến phản ứng miễn dịch suy yếu, không đủ mạnh để cung cấp khả năng bảo vệ đầy đủ cho cơ thể.

Có nên tiêm vaccine phòng cúm khi đang bị ốm?- Ảnh 2.

Tùy từng trường hợp bị ốm ở mức độ nào và người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ để cân nhắc giữa rủi ro và lợi ích nhận được nếu tiêm vaccine ngừa cúm khi đang bị ốm (Ảnh: ST)

Cúm mùa thường bắt đầu vào tháng 10, tháng 11 dương lịch và kết thúc vào tháng 3 dương lịch; thường đạt đỉnh vào tháng 3 - 4 và tháng 9 - 10 dương lịch hàng năm. Tốt nhất, nên tiêm phòng cúm trước từ 2 tuần cho tới 1 tháng trước khi cúm vào mùa để đạt được hiệu quả phòng cúm tốt nhất. Một số nhóm có nguy cơ cao gặp phải các biến chứng cúm nên được tiêm vaccine gồm: Người trên 65 tuổi, người mắc bệnh hô hấp - tim mạch mãn tính, mắc tiểu đường, phụ nữ mang thai, trẻ dưới 5 tuổi - nhất là trẻ dưới 2 tuổi.

Lưu ý rằng, tiêm vaccine phòng cúm sẽ không khiến bạn bị cúm. Vaccine cúm được tạo thành từ các virus bất hoạt nên không thể gây bệnh cho người tiêm. Các triệu chứng tương tự như bị cúm, ví dụ như sốt nhẹ, đau mỏi cơ thể - là một vài tác dụng phụ phổ biến của vaccine ngừa cúm và sẽ biến mất trong 1 - 2 ngày sau khi tiêm. Nếu bị nhiễm cúm trước khi tiêm, bạn vẫn có thể bị bệnh như bình thường bởi vaccine chỉ có hiệu quả bảo vệ sau khi tiêm ít nhất 2 tuần.

2. Khi nào nên hoãn tiêm vaccine phòng cúm?

Như đã nói ở trên, nếu đang bị ốm ở mức độ từ trung bình tới nặng, có sốt hoặc không sốt thì bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tiêm bất kỳ loại vaccine nào, bao gồm cả vaccine ngừa cúm. Bác sĩ có thể chỉ định hoãn tiêm vaccine cúm để tránh dẫn tới tình trạng nhầm lẫn giữa các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh với tác dụng phụ của vaccine. Không có ranh giới rõ ràng giữa mức độ bệnh "nhẹ" hay "trung bình". Nếu không chắc chắn (hoặc cảm thấy các triệu chứng của mình có thể trở nên tồi tệ hơn), hãy thận trọng và trì hoãn tiêm vaccine cho đến khi cảm thấy khỏe hơn.

Có nên tiêm vaccine phòng cúm khi đang bị ốm?- Ảnh 3.

Khi nào nên hoãn tiêm vaccine phòng cúm? Ảnh: ST

Theo VeryWell, một trong những dấu hiệu chính cho thấy nên hoãn tiêm vaccine phòng cúm là sốt trên 38,9 độ C ở người trưởng thành hoặc các triệu chứng tiêu chảy nặng, nôn mửa liên tục, ho có đờm, mệt mỏi tựa như kiệt sức.

Giống như các loại vaccine khác thì tiêm vaccine phòng cúm cũng có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn từ nhẹ, trung bình tới nghiêm trọng. Các tác dụng phụ phổ biến gồm: Đau nhức, sưng tấy tại vị trí tiêm; đau đầu; sốt; buồn nôn; đau mỏi cơ bắp tại tay tiêm; mệt mỏi nói chung.

Sốc phản vệ là phản ứng nghiêm trọng khi tiêm phòng cúm có thể phát triển trong vòng vài phút tới vài giờ sau khi tiêm. Các triệu chứng gồm: Thở khò khè; phát ban mề đay toàn thân; khó thở; sưng nề mắt, môi, họng; da nhợt nhạt hơn; nhịp tim nhanh; co giật; ngất xỉu. Khi xuất hiện một trong bất kỳ triệu chứng kể trên sau khi tiêm vaccine phòng cúm cần nhanh chóng liên hệ với nhân viên y tế để được cấp cứu khẩn cấp.

Hầu hết mọi người sau khi tiêm vaccine cúm có thể tiếp tục hoạt động và sinh hoạt như bình thường. Nếu cảm thấy buồn nôn, hãy tránh một số thực phẩm có thể kích thích tiêu hóa chẳng hạn như các chất kích thích, rượu bia, thực phẩm dầu mỡ.

Đồng thời sau khi tiêm vaccine cúm bạn nên có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, ngủ đủ giấc, hoạt động thể chất nhẹ nhàng, tránh hoạt động quá sức ngay sau khi tiêm để tránh mệt mỏi. Các biện pháp phòng tránh cúm vẫn cần được thực hiện tốt, bao gồm vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn với người có các triệu chứng bệnh đường hô hấp,...

Vậy ai không nên tiêm vaccine phòng cúm?

Không phải ai cũng nên tiêm vaccine phòng cúm, theo CDC Hoa Kỳ, các trường hợp không nên tiêm vaccine cúm bao gồm:

- Trẻ dưới 6 tháng tuổi do hệ miễn dịch của trẻ quá non nớt, không thể đáp ứng phản ứng miễn dịch với vaccine ngừa cúm.

- Người có tiền sử phản ứng dị ứng nghiêm trọng với vaccine cúm hoặc một thành phần trong bất kỳ loại vaccine ngừa cúm nào. Đối với người từng dị ứng với vaccine khác ngoài vaccine cúm, cần nói chuyện với bác sĩ về tình trạng của bạn để cân nhắc phù hợp.

- Người có tiền sửu mắc Hội chứng Guillain-Barré (một rối loạn thần kinh hiếm gặp) cũng không nên tiêm vacicne cúm. Nếu đã từng bị hội chứng Guillain - Barré, hãy thông báo cho bác sĩ biết trước khi tiêm.

Nhìn chung, để xác định xem tình trạng sức khỏe có nên tiêm vaccine phòng cúm hay không, bạn cần trao đổi với bác sĩ để được tư vấn về rủi ro và lợi ích có thể nhận được khi tiêm vaccine cúm. Cuối cùng, cần nhớ rằng, tiêm vaccine cúm hàng năm rất quan trọng. Càng nhiều người tiêm phòng thì miễn dịch cộng đồng càng lớn, virus cúm ít có khả năng lây lan rộng hơn.

Nguồn: Medical News Today, Very Well
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm