Có nên uống Aspirin mỗi ngày để phòng tránh nhồi máu cơ tim?

QN (theo healthline)
18/10/2021 - 15:03
Có nên uống Aspirin mỗi ngày để phòng tránh nhồi máu cơ tim?
Hiện nay, Aspirin được dùng khá phổ biến trong phòng tránh nhồi máu cơ tim ở người có yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Tuy nhiên trong báo cáo mới đây của USPSTF, Aspirin liều thấp hằng ngày không được được khuyến cáo sử dụng cho những người không có tiền sử tim mạch trước đó.

Aspirin là loại thuốc được dùng phổ biến trong các bệnh lý tim mạch. Nhiều người đang sử dụng Aspirin mỗi ngày với mục đích phòng tránh nhồi máu cơ tim, đột quỵ, cũng như một số bệnh tim mạch khác.

Nhưng mới đây, Lực lượng chuyên trách các dịch vụ dự phòng Hoa Kỳ (USPSTF) đã đưa ra khuyến cáo mới về vấn đề sử dụng Aspinrin. Theo đó, Aspirin không còn được khuyến cáo sử dụng mỗi ngày để phòng tránh nhồi máu cơ tim hay đột quỵ ở một số nhóm đối tượng. Đã có những bằng chứng cho thấy, dùng Aspirin mỗi ngày gây ra nhiều nguy cơ biến chứng hơn là lợi ích mà nó mang lại.

Có nên uống Aspirin mỗi ngày để phòng tránh nhồi máu cơ tim? - Ảnh 1.

USPSTF không còn khuyến cáo sử dụng Aspirin liều thấp hằng ngày để phòng tránh nhồi máu cơ tim cho bệnh nhân không có bệnh lý tim mạch (Ảnh: Internet)

Hướng dẫn mới về sử dụng Aspirin để phòng tránh nhồi máu cơ tim

Trong khuyến cáo mới của USPSTF, các lợi ích từ việc sử dụng đại trà Aspirin mỗi ngày là rất nhỏ. Những người từ 40 đến 59 tuổi có yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch chỉ nhận được một số lợi ích hạn chế từ việc dùng Aspirin hằng ngày. Trong khi đó, đối với những người trên 60 tuổi thì sử dụng Aspirin gần như không đem lại hiệu quả.

Do vậy, sử dụng rộng rãi Aspirin hằng ngày để phòng tránh nhồi máu cơ tim và đột quỵ không còn được USPSTF tiếp tục khuyến cáo. Tuy nhiên, vẫn có một số nhóm đối tượng đặc biệt cần phải được tiếp tục sử dụng Aspirin.

Theo Tiến sĩ Donald M. Lloyd-Jones đến từ Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), khuyến cáo mới của USPSTF không áp dụng cho các bệnh nhân từng có tiền sử nhồi máu cơ tim hay đột quỵ trước đó. Những bệnh nhân này vẫn cần tiếp tục sử dụng Aspirin theo đúng chỉ định mà bác sĩ yêu cầu. Còn với những người không có tiền sử bệnh tim mạch, việc kê đơn và sử dụng Aspirin cần phải được cân nhắc thận trọng.

Đặc biệt, Aspirin không được khuyến cáo sử dụng cho các bệnh nhân có nguy cơ xuất huyết cao để tránh nguy cơ biến chứng.

Tiến sĩ Robert Glatter - Bác sĩ tại Bệnh viện Lenox Hill nói rằng, những bệnh nhân trên 60 tuổi có nguy cơ bệnh tim mạch cần phải được quan tâm đến nguy cơ xuất huyết ngay khi họ bắt đầu sử dụng Aspirin liều thấp hằng ngày. Aspirin liều thấp hằng ngày có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết não ở người cao tuổi khi bị té ngã.

Có nên uống Aspirin mỗi ngày để phòng tránh nhồi máu cơ tim? - Ảnh 2.

Sử dụng Aspirin liều thấp hằng ngày ở người có nguy cơ xuất huyết cao dễ gây xuất huyết não khi té ngã (Ảnh: Interenet)

Không thể phủ nhận lợi ích của Aspirin

Tuy rằng USPSTF không còn khuyến cáo sử dụng Aspirin liều thấp hằng ngày để phòng tránh nhồi máu cơ tim hay một số bệnh lý tim mạch khác. Nhưng những lợi ích của Asprin vẫn là điều không thể phủ nhận.

Tiến sĩ Guy L. Mintz - Bệnh viện tim Sandra Bass cho rằng, Aspirin chắc chắn có vai trò quan trọng với các bệnh lý tim mạch. Nó có thể đem tới lợi ích cho các bệnh nhân đặc biệt như người có tiền sử bệnh tim, từng đặt Stent mạch vành, đột quỵ,... Vì thế, những người đang sử dụng Aspirin cần phải xin ý kiến của bác sĩ trước khi ngừng thuốc.

Ông nói thêm, một nghiên cứu từ năm 1988 đã chỉ ra hiệu quả làm giảm nguy cơ đau tim khi sử dụng Aspirin. Đồng thời các thống kê cũng cho thấy sử dụng Aspirin có thể làm giảm nồng độ CRP (protein phản ứng C - một chỉ dấu của tình trạng viêm).

Những lựa chọn thay thế Aspirin để phòng tránh nhồi máu cơ tim

Theo Tiến sĩ Mintz, dù khuyến cáo mới của USPSTF cho rằng sử dụng Aspirin trong phòng tránh nhồi máu cơ tim liên quan đến tăng nguy cơ xuất huyết cao. Nhưng điều này không có nghĩa là không có biện pháp nào khác để lựa chọn. Trái lại, bệnh nhân có thể được hướng dẫn sử dụng một số phương pháp khác cũng có hiệu quả cao trong phòng tránh nhồi máu cơ tim.

Các biện pháp này bao gồm:

- Sử dụng các loại kiểm soát cholesterol máu.

- Sử dụng các loại thuốc hạ huyết áp để đạt được huyết áp mục tiêu thích hợp.

- Áp dụng các biện pháp quản lý béo phì và đái tháo đường để ngăn chặn phản ứng viêm và nguy cơ tim mạch cho người bệnh.

Điều quan trọng ở đây là phải xác định được yếu tố nguy cơ tim mạch ở người bệnh. Đó có thể là hút thuốc, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp,... Bệnh nhân cần cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan cho bác sĩ điều trị của mình.

Có nên uống Aspirin mỗi ngày để phòng tránh nhồi máu cơ tim? - Ảnh 3.

Bệnh nhân cần tham khảo ý kiến bác sĩ để lựa chọn phương pháp phòng tránh nhồi máu cơ tim phù hợp nhất với bản thân (Ảnh: Internet)

Thông qua các thông tin này, mô hình tính toán nguy cơ tim mạch của ACC/AHA sẽ được sử dụng để dự báo khả năng mắc bệnh của bệnh nhân trong 10 năm tới. Từ đó giúp bác sĩ có thể đưa ra lộ trình thích hợp để điều trị, phòng tránh nhồi máu cơ tim và các bệnh lý tim mạch khác.

Cuối cùng USPSTF cho rằng, không nên sử dụng Aspirin liều thấp hằng ngày ở người trên 60 tuổi vì làm tăng nguy cơ xuất huyết. Aspirin liều thấp có thể mang lại lợi ích cho người từ 40 đến 59 tuổi trong phòng tránh nhồi máu cơ tim và một số bệnh lý tim mạch, nhưng cần tham khảo kỹ ý kiến của bác sĩ trước khi dùng thuốc.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm