“Cô Ngát thảo mộc” khởi nghiệp vì học sinh khuyết tật

Song Nghi
27/06/2023 - 19:50
“Cô Ngát thảo mộc” khởi nghiệp vì học sinh khuyết tật

Chị Hoàng Thị Ngát (trái) - chủ thương hiệu Trà thảo mộc Cô Ngát Natural

Với mong muốn tạo việc làm cho người khuyết tật, chia sẻ lợi nhuận với người nghèo, chị Hoàng Thị Ngát - giáo viên giáo dục đặc biệt đã khởi nghiệp thành công với thương hiệu Trà thảo mộc Cô Ngát Natural.

Nâng niu những hộp trà được đóng gói đẹp mắt, chị Hoàng Thị Ngát (SN 1977, giáo viên Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Đắk Lắk, chủ nhân thương hiệu Trà thảo mộc Cô Ngát Natural) kể câu chuyện khởi nghiệp rất tình cờ nhưng như một cơ duyên của cuộc đời mình.

Năm 2014, sau biến cố về sức khoẻ, chị Hoàng Thị Ngát (phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) may mắn được một dược sĩ hướng dẫn cách làm trà thảo mộc để tăng cường sức khỏe, với thành phần chủ yếu là cây đinh lăng, tim sen, nụ tam thất, lá vằn, cỏ ngọt… có sẵn trong vườn nhà. Sau 4 tháng sử dùng đều đặn, nhận thấy sức khỏe của bản thân được cải thiện rõ rệt, chị Ngát tự làm thêm lượng trà nhiều hơn để biếu người thân, bạn bè. Nhiều người dùng thấy thích, "đặt hàng" chị Ngát làm để uống thường xuyên. Từ những "đơn hàng" ấy, chị Ngát nảy ra ý tưởng trồng các loại thảo mộc để làm trà, vừa phục vụ nhu cầu của mình, vừa cung cấp cho những người có nhu cầu.

“Cô Ngát thảo mộc” khởi nghiệp vì học sinh khuyết tật - Ảnh 1.

Chị Hoàng Thị Ngát dạy học sinh khuyết tật làm trà

"Bản thân tôi là cô giáo dạy trẻ khuyết tật, chưa hề kinh doanh, kinh nghiệm thị trường vô cùng hạn chế. Thế nên, khi nảy ra ý tưởng làm trà thảo mộc, tôi phải mày mò tự lên kế hoạch sản xuất, đưa ra các tình huống giả định gặp phải để tìm cách giải quyết. Thực sự, khởi nghiệp chưa bao giờ là dễ với một giáo viên giáo dục đặc biệt, nhất là lại vào thời điểm cuối năm học với bao bộn bề", chị Ngát nhớ lại giai đoạn đầu sản xuất trà.

Biết là sẽ vô cùng vất vả nhưng chị Ngát nghĩ là làm. Sau nhiều ngày đêm trăn trở, năm 2016, chị dốc hết vốn mua đất, đăng ký kinh doanh, mở cơ sở sản xuất tại khu vực suối Đốc Học, đồng thời đăng ký thương hiệu sản phẩm "Trà thảo mộc Cô Ngát Natural". 

Thời gian đầu, với sự ủng hộ của gia đình, đồng nghiệp, người thân, chị Ngát gặp nhiều thuận lợi nhưng cũng phải đối diện với không ít khó khăn, nhất là khi thị trường tràn ngập các loại trà khác nhau. Sau 2 năm miệt mài nghiên cứu, chị Ngát đã sản xuất thành công hai loại Trà khổ qua rừng và Trà đinh lăng tim sen và được người tiêu dùng đón nhận.

“Cô Ngát thảo mộc” khởi nghiệp vì học sinh khuyết tật - Ảnh 2.

Chị Hoàng Thị Ngát giới thiệu các sản phẩm Trà thảo mộc Cô Ngát Natural tại hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Đắk Lắk

Chị Ngát chia sẻ, cũng có những lúc mệt mỏi nhưng nghĩ đến các học trò chuyên biệt của mình, chị lại có thêm động lực. "Khi bắt tay khởi nghiệp, một trong những tâm niệm lớn của tôi là có thể dạy nghề và tạo công ăn việc làm cho các học trò của mình sau khi ra trường. Các em sẽ làm gì khi không được đào tạo nghề? Ai sẽ nhận các em vào làm việc khi các bạn bình thường, có bằng cấp còn khó xin việc? Ai có thể dạy nghề cho các em khi mà không hiểu được ngôn ngữ của các em?... Những niềm trắc ẩn ấy càng thôi thúc tôi phải quyết tâm đi đến cùng", chị Ngát chia sẻ.

Thận trọng từng bước đi, với những thành công ban đầu, năm 2019, khi đã có kinh nghiệm và bắt nhịp với thị trường, chị Ngát mạnh dạn đầu tư mở mở rộng cơ sở sản xuất. Những nỗ lực của chị đã gặt hái được thành công khi các sản phẩm Trà thảo mộc Cô Ngát Natural đã được cấp chứng nhận chuẩn OCOP 3 sao, thường xuyên xuất hiện tại nhiều hội chợ, triển lãm… cũng như được bán tại một số siêu thị, cửa hàng trong cả nước.

“Cô Ngát thảo mộc” khởi nghiệp vì học sinh khuyết tật - Ảnh 3.

Một trong những tâm niệm lớn của chị Hoàng Thị Ngát là dạy nghề và tạo công ăn việc làm cho các học trò của mình sau khi ra trường

Cơ sở sản xuất trà thảo mộc của chị Ngát giờ đây không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình mà còn tạo thêm việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, là cơ sở hướng nghiệp, dạy nghề tin cậy của trẻ khuyết tật trên địa bàn. Thời gian qua, chị Ngát đã dạy nghề thành công và tạo việc làm ổn định cho 4 em khuyết tật, với thu nhập bình quân 4-5 triệu đồng/người/tháng. Chị Ngát bộc bạch, mỗi khi nghe mọi người gọi với cái tên giản dị "cô Ngát thảo mộc", lòng chị lại rộn lên niềm vui và hạnh phúc khó tả.

Trà thảo mộc Cô Ngát Natural đã được cấp chứng nhận chuẩn OCOP 3 sao, thường xuyên xuất hiện tại nhiều hội chợ, triển lãm và bán tại một số siêu thị, cửa hàng trong cả nước

Tại Chung kết cuộc thi "Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp, kinh doanh của phụ nữ Đắk Lắk" năm 2023, Trà thảo mộc Cô Ngát Natural đã đạt giải 3 trong hàng trăm sản phẩm khởi nghiệp tham dự.

Chị Hoàng Thị Ngát chia sẻ về một số chiến lược và kế hoạch tương lai trong hành trình khởi nghiệp:

- Hợp tác với các sàn thương mại điện tử;

- Tạo các kênh truyền thông và chạy quảng cáo như: Fanpage, Zalo OA, Website, Tiktok,..

- Mở rộng cơ sở, phát triển thị trường;

- Tung các ưu đãi, quà tặng trải nghiệm dành cho khách hàng mới sử dụng lần đầu;

- Mở rộng thị trường, các hệ thống bán lẻ và siêu thị trên toàn quốc;

- Xây dựng đội ngũ sales và cộng tác viên tìm kiếm các đối tác tiềm năng;

- Dạy nghề và tạo việc làm cho nhiều thanh niên khuyết tật;

- Mở rộng vùng nguyên liệu, giúp cho nông dân từng bước thoát nghèo;

- Chia sẻ lợi nhuận với những bệnh nhân nghèo.

Địa chỉ liên hệ: Trà thảo mộc Cô Ngát, 70 Lương Thế Vinh, phường Tân Tiến, TP. Buôn Mê Thuột.

Hotline 24/7 : 0988 075 879 Emai: thathaomoccongat@gmail.com.

SP bán tại: https://www.facebook.com/TraCoNgat/ hoặc https://trathaomoccongat.com

Giá một số sản phẩm:

Trà đinh lăng tim sen: 25.000đ - 175.000đ

Trà Khổ Qua Rừng: 25.000đ - 135.000đ

Trà Bí Xanh: 129.000đ

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm