Có những dấu hiệu này, bạn dễ mắc bệnh khiến gần 12.000 người Việt tử vong mỗi năm

Tú Anh
29/12/2020 - 19:00
Có những dấu hiệu này, bạn dễ mắc bệnh khiến gần 12.000 người Việt tử vong mỗi năm

Dấu hiệu điển hình của lao bao gồm ho kéo dài trong ít nhất 3 tuần. Ảnh minh họa

Dấu hiệu điển hình của lao bao gồm ho kéo dài trong ít nhất 3 tuần, ho kèm theo đờm hoặc máu, đau ngực, sốt, đổ mồ hôi đêm, sụt cân, ăn không ngon miệng, mệt mỏi và yếu ớt.

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia, các vi khuẩn lao xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp và phát triển lây bệnh, làm tổn thương đến phổi, hệ hô hấp gây nguy hiểm cho người bệnh, đặc biệt là trẻ nhỏ.

Khi mắc lao, người bệnh thường có triệu chứng điển hình là ho trên 3 tuần, dù đã dùng thuốc điều trị nhưng không thuyên giảm. Ngoài ra, ho khạc đờm là triệu chứng bệnh lao phổi thường gặp. Nguyên nhân do tình trạng tăng xuất tiết do phổi phế quản bị kích thích hoặc do có tổn thương tại phế quản phổi.

Ho ra máu là triệu chứng bệnh lao phổi có thể gặp ở 60% người mắc bệnh, xuất hiện khi có tổn thương, chảy máu trong đường hô hấp. Cùng với đau ngực, khó thở; gầy sụt cân, người mắc lao còn có biểu hiện là hay sốt về chiều.

"Nếu có các biểu hiện trên, người trong cuộc cần đi khám để được tư vấn, điều trị. Hiện Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp tiên tiến trong phát hiện và điều trị bệnh lao, kể cả lao kháng thuốc. Thuốc điều trị lao nói chung và lao kháng thuốc được Chương trình Chống lao Quốc Gia cung cấp miễn phí theo hệ thống tới tận địa phương", TS Nguyễn Viết Nhung cho biết.

Trên 90% người mắc bệnh lao được điều trị khỏi

Theo các báo cáo, hằng năm cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Điều đáng mừng là tỷ lệ khỏi bệnh được duy trì ở mức cao, trên 90% với bệnh nhân lao mới, 75% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn và 80% với bệnh nhân đa kháng thuốc sử dụng phác đồ ngắn hạn.

Có những dấu hiệu này, bạn dễ mắc bệnh khiến gần 12.000 người Việt tử vong mỗi năm - Ảnh 1.

Bác sĩ tư vấn cho bệnh nhân lao. Anh ST

Mỗi năm nước ta có khoảng 12.000 người tử vong do bệnh lao. Trong khi đó, năm 2019, cả nước có hơn 7.600 người tử vong do tai nạn giao thông. Tính trung bình, mỗi ngày nước ta có gần 33 người tử vong do lao. So với thế giới, Việt Nam xếp thứ 16 trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao cao.

Mặc dù công tác phòng chống lao ở nước ta đạt nhiều kết quả nhưng vẫn có không ít thách thức, đòi hỏi sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội, nhất là phụ nữ. Vì thế, theo TS Nguyễn Viết Nhung, các cấp Hội phụ nữ cần tích cực vận động tất cả hội viên, phụ nữ tham gia vào cuộc chiến chấm dứt bệnh lao; cùng hành động để bảo vệ cho mình và gia đình mình khỏi bị mắc lao; tuyên truyền giáo dục cho mọi hội viên, phụ nữ hiểu biết kiến thức và thực hành phòng chống lao thông qua lồng ghép vào nội dung sinh hoạt hội, chi hội các cấp…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm