Cổ phần hóa Hapro: Đã có 80 lao động nghỉ việc

30/03/2018 - 16:49
Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết tại thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, đã có 80 lao động nghỉ việc và được hưởng chế độ trợ cấp theo quy định.

Hôm nay 30/3, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) bán cổ phần lần đầu (IPO) trong quá trình cổ phần hóa, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp lớn của Thủ đô. Trong quá trình cổ phần hóa, phương án, kế hoạch sắp xếp lại lao động được đặc biệt quan tâm, bởi quá trình này sẽ tác động tới từng cán bộ, nhân viên, người lao động của Tổng công ty.

Ông Vũ Thanh Sơn, Tổng giám đốc Hapro, cho biết: Số lao động, công nhân viên của Tổng công ty và các công ty thành viên có hơn 6.000 người. Trong đó, riêng Tổng công ty có hơn 600 lao động. Về phương án sắp xếp lại lao động tại Tổng công ty tuân thủ theo Nghị định 59 về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và các quy định liên quan. Đây là vấn đề quan trọng, có sự tác động lớn tới tất cả cán bộ, công nhân viên. Vì vậy tinh thần chung là xây dựng, trao đổi bàn bạc với người lao động trên cơ sở minh bạch, công khai về phương án kinh doanh của công ty sau cổ phần hóa.

ong-vu-thanh-son-hapro.jpg
Ông Vũ Thanh Sơn - Tổng giám đốc Hapro (phải)

 


Qua đó, người lao động có thể chủ động lựa chọn phương án: Nếu người lao động đủ tiêu chuẩn về trình độ, sức khỏe, năng lực và có mong muốn tiếp tục ở lại đóng góp công sức với công ty cổ phần, công ty vẫn thu xếp theo nguyện vọng. Nếu người lao động vì điều kiện sức khỏe, tuổi tác, hoặc có nguyện vọng nghỉ thì doanh nghiệp giải quyết theo chế độ nghỉ dôi dư có chế độ ưu đãi theo quy định.

Ông Sơn cho biết thêm, phương án sắp xếp lao động của Tổng công ty được đưa ra hội nghị toàn thể người lao động xem xét và đã được thông qua. Người nghỉ theo chế độ dôi dư được hưởng bằng tiền mặt; được quyền mua cổ phần ưu đãi giảm giá 40% cổ phần so với giá đấu thành công theo quy định.

Tại thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp, Tổng công ty có 80 lao động nghỉ việc. Tổng số tiền trợ cấp cho lao động dôi dư là 3,3 tỷ đồng. Số tiền này sẽ được lấy từ nguồn thu bán cổ phần để chi trả người lao động theo quy định.

Sau cổ phần hóa, Hapro định hướng tập trung vào làm thương mại dịch vụ, trong đó quan trọng nhất là xuất khẩu. Hapro phấn đấu đến năm 2020 trở thành một trong 5 đơn vị xuất khẩu lớn nhất cả nước với 5 mặt hàng chiến lược: gạo, hạt tiêu, hạt điều, cà phê và thủ công mỹ nghệ và đưa hàng hóa của Tổng công ty có mặt ở 80 quốc gia (hiện tại là hơn 70 quốc gia). 

thuong-mai-hn.JPG
Phiên chợ Tết do Tổng công ty thương mại Hà Nội tổ chức - ảnh H. Hòa

 


Tại hội nghị giao ban Ban Chỉ đạo về tình hình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và phát triển DN năm 2017 mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, nêu rõ: Năm 2018 là năm cao điểm về cổ phần hoá, sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Ngay từ quý 1 đã diễn ra hàng loạt cuộc IPO (phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu) của các doanh nghiệp nhà nước quy mô rất lớn, thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong quá trình cổ phần hoá, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc cổ phần hoá phải gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán và việc niêm yết phải công khai, minh bạch, để thị trường sẽ định giá cổ phiếu. 

Người lao động hưởng quyền lợi gì khi doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa?

Theo Nghị định số 126/2017/NĐ-CP quy định người lao động được mua cổ phần với giá ưu đãi khi doanh nghiệp cổ phần hóa, cụ thể: Được mua tối đa 100 cổ phần cho mỗi năm thực tế làm việc tại khu vực nhà nước với giá bán bằng 60% giá trị 01 cổ phần tính theo mệnh giá (10.000 đồng/cổ phần).

Đối với người lao động đại diện cho hộ gia đình nhận khoán (mỗi hộ gia đình nhận khoán cử một người lao động đại diện) tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa có hợp đồng nhận khoán ổn định lâu dài với công ty nông, lâm nghiệp khi chuyển sang công ty cổ phần được mua tối đa 100 cổ phần cho mỗi năm thực tế đã nhận khoán với công ty với giá bán bằng 60% giá trị 01 cổ phần tính theo mệnh giá (10.000 đồng/cổ phần).

Số cổ phần bán với giá ưu đãi theo quy định trên, người lao động phải nắm giữ và không được chuyển nhượng trong vòng 03 năm kể từ thời điểm nộp tiền mua cổ phần ưu đãi.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm