Cổ phiếu bất động sản kéo VN-Index sát ngưỡng 1.170 điểm, nhìn thanh khoản, nhà đầu tư nghi ngại

Minh Anh
18/01/2024 - 18:21
Cổ phiếu bất động sản kéo VN-Index sát ngưỡng 1.170 điểm, nhìn thanh khoản, nhà đầu tư nghi ngại

Sau rung lắc, bất động sản kéo VN-Index "bay cao" với gần 1.170 điểm. Ảnh minh họa

Thị trường chứng khoán hôm nay kết phiên giao dịch với chỉ số VN-Index tăng lên mốc 1.169,06 điểm. Đây là mức điểm cao nhất kể từ lần điều chỉnh mạnh hồi cuối tháng 9 năm ngoái. dù vậy, lượng thanh khoản không mấy tích cực khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại.

Chứng khoán tăng 60 điểm sau 1 tháng

Như dự báo, VN-Index đón nhận phiên điều chỉnh nhẹ vào hôm qua (18/1), diễn biến giằng co vẫn tiếp diễn vào sáng nay nhưng tâm lý tích cực dần được phục hồi tại nhiều cổ phiếu giúp VN-Index khởi sắc trở lại.

Kết phiên, VN-Index tăng 6,5 điểm, cán mốc 1.169,06 điểm, số điểm cao nhất từ lần "rung lắc" 22/9/2023, tăng tích cực tới 60 điểm sau 1 tháng.

Thanh khoản khớp lệnh cải thiện tại khoảng 14.000 tỷ đồng, song, các nhà đầu tư và chuyên gia cho rằng, so với một phiên tăng tốt và các phiên trước đó, con số này là khá thấp, phần lớn đến từ tâm lý e ngại, thận trọng giao dịch của giới đầu tư sau phiên biến động hôm qua.

Cổ phiếu bất động sản kéo VN-Index sát ngưỡng 1.170 điểm, nhìn thanh khoản, nhà đầu tư nghi ngại- Ảnh 1.

VN-Index đạt đỉnh sau phiên điều chỉnh mạnh 22/9/2023 (Ảnh: SSI iBoard)

Nhóm VN30 trở thành trụ khi có 20 mã tăng, 5 mã giảm và 5 mã đi ngang. Lực mua cao xuất hiện tại các mã VHM (Vinhomes, HOSE), LPB (Ngân hàng LPBank, HOSE),...

Giao dịch không quá bùng nổ so với các tuần trước nhưng sự phục hồi kịp thời của các cổ phiếu trụ: nhóm blue-chips, nhóm ngân hàng và nhóm bất động sản đã thúc đẩy thị trường tăng trong phiên hôm nay.

Nhóm cổ phiếu họ "Vin" đóng góp thế nào?

Tâm điểm lực kéo đến từ cổ phiếu bất động sản thuộc "nhà Vin" – VHM (Vinhomes, HOSE) với biên độ tăng 3,1%, đạt thị giá 43.200 đồng/cp. VHM đóng góp cho thị trường 1,03 điểm, giữ vị trí dẫn đầu cho nhóm ảnh hưởng mạnh tới chỉ số ở chiều hướng tăng.

Cổ phiếu bất động sản kéo VN-Index sát ngưỡng 1.170 điểm, nhìn thanh khoản, nhà đầu tư nghi ngại- Ảnh 2.

Nhóm cổ phiếu thúc đẩy đà tăng áp đảo nhóm đà giảm phiên hôm nay (Ảnh: SSI iBoard)

Nối tiếp là 2 mã cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng và bán lẻ tăng tích cực, LPB (Ngân hàng LPBank, HOSE) và MWG (Thế giới di động, HOSE) lần lượt đóng góp gần 1 điểm và 0.67 điểm. Trong đó, Cổ phiếu LPB gần chạm mức đỉnh lịch sử (18.220 đồng/cp) sau khi tăng 3% chạm mốc 17.400 đồng/cp; còn MWG ghi nhận phiên tăng thứ 4 liên tiếp, tới 9,4%.

Còn lại, nhiều cổ phiếu trước đó thuộc nhóm tạo áp lực giảm điểm cũng dần thu hẹp đà giảm, thậm chí chuyển sang nhóm sắc xanh, thúc đẩy đà tăng.

Cổ phiếu HBC tăng kịch trần trước phiên trở lại giao dịch toàn thời gian

Cổ phiếu bất động sản kéo VN-Index sát ngưỡng 1.170 điểm, nhìn thanh khoản, nhà đầu tư nghi ngại- Ảnh 3.

HBC tăng "tím" sau tin vui "thoát nạn" bị hạn chế (Ảnh: SSI iBoard)

HBC (Xây dựng Hòa Bình, HOSE) trở thành cổ phiếu nổi bật trong phiên hôm nay khi bất ngờ tăng kịch trần ngay trước ngày được ra khỏi diện hạn chế giao dịch, sang diện bị kiểm soát.

Trước đó, vào cuối tháng 4/2023, cổ phiếu HBC nhận quyết định bị đưa vào diện cảnh báo do chậm nộp báo cáo tài chính (BCTC) 2022 kiểm toán. Ngày 10/5, công ty nhận tiếp thông báo, chuyển cổ phiếu HBC từ diện cảnh báo sang diện bị kiểm soát do chậm nộp BCTC 2022 kiểm toán quá 30 ngày.

Cuối tháng 5, HBC tiếp tục nhận "án" hạn chế giao dịch, chỉ được giao dịch vào phiên chiều của ngày do tiếp tục chậm nộp BCTC 2022 kiểm toán quá 45 ngày.

Như vậy, từ ngày mai (19/1), cổ phiếu HBC sẽ được giao dịch toàn thời gian.

Bất động sản có lẽ là nhóm ngành tiếp theo đón sóng sau ngân hàng và thép, toàn ngành tăng nhẹ khoảng 0,36%, trở thành nhóm dẫn dắt thị trường từ đầu phiên với VHM.

Nhìn chung, lượng cổ phiếu bất động sản tăng đã chiếm số lượng nhiều tại các "ông lớn", như: NLG (Đầu tư Nam Long, HOSE) tăng mạnh tới 5,24%, NVL (Novaland, HOSE) tăng 0,62%, KBC (Phát triển Đô thị Kinh Bắc, HOSE) tăng 1,45%, PDR (Bất động sản Phát Đạt, HOSE) tăng 1,27%,...

Nhóm ngân hàng bắt đầu phân hóa, dù lượng cổ phiếu tăng giá vẫn nhiều hơn lượng đi ngang và giảm giá, nhưng tính riêng "anh lớn" VCB (Ngân hàng Vietcombank, HOSE) đứng yên đã kéo đà tăng của ngành dừng lại mức 0,18%. Các cổ phiếu còn lại thúc đẩy nhóm đến từ VPB (Ngân hàng VPBank, HOSE), TCB (Ngân hàng Techcombank, HOSE), MBB (Ngân hàng Quân đội, HOSE) và ACB (Ngân hàng Á Châu, HOSE).

Ngoài ra, một số nhóm ngành gồm: xây dựng, nhựa - hóa chất, khai khoáng, thủy sản,... vẫn chưa có cơ hội "đón sóng", giảm điểm.

Sau diễn biến hôm nay, giới phân tích cho rằng, dòng tiền vẫn lan tỏa tốt tại các nhóm ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, thép và đầu tư công. Trong đó, nhóm thép, chứng khoán và bất động sản đang thay nhau có những nhịp tăng mạnh; thời điểm trước Tết, 3 nhóm này có khả năng sẽ luân phiên nhau dần dắt thị trường.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm