Có thể nâng tuổi nghỉ hưu của nữ lên 60 từ năm 2021

24/04/2017 - 17:12
2 phương án được đưa ra về tuổi nghỉ hưu, trong đó có thể tăng tuổi nghỉ hưu của nam lên 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi từ năm 2021, theo dự thảo lần 2 Bộ luật Lao động sửa đổi.

Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa công bố dự thảo lần 2 Bộ luật Lao động sửa đổi để lấy ý kiến. Về tuổi nghỉ hưu, Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục đưa ra 2 phương án, trong đó 1 phương án là tiếp tục giữ nguyên tuổi nghỉ hưu hiện nay (nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi) như quy định hiện hành.

t8-nu1.jpg
  Người cao tuổi còn sức khỏe có thể tiếp tục lao động. Ảnh minh họa

Phương án 2, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường là nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi. Từ 1/1/2021 cứ mỗi năm tăng thêm 6 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Dự thảo lần này cũng nêu, lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 năm so với quy định trên, cụ thể nam có thể làm việc tới 67 tuổi, nữ tới 65 tuổi mới nghỉ hưu.

Vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu đã được đặt ra nhiều năm nay nhưng Quốc hội chưa thông qua. Theo lý giải của Bộ LĐ-TB&XH, dự thảo Bộ luật Lao động lần này tiếp tục đề xuất nâng dần tuổi nghỉ hưu bởi tuổi thọ của người Việt ngày một tăng hơn so với giai đoạn trước; đồng thời tận dụng được lực lượng lao động trong giai đoạn dân số vàng đang chuyển sang giai đoạn già hóa; cũng như bản thân người đã nghỉ hưu vẫn tiếp tục lao động, cống hiến và có đủ sức khỏe để tiếp tục lao động....

Trao đổi với PV Báo PNVN mới đây, ông Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Viện khoa học Lao động xã hội, nêu quan điểm: “Trong thời gian tới, nên kéo dài tuổi nghỉ hưu tới 62 tuổi với cả nam và nữ, luật hóa là phải bình đẳng”, kèm theo lộ trình tăng hợp lý. Đồng thời, “Quy định trong luật không nên quá cứng nhắc”, mà có sự linh hoạt để người lao động có quyền được lựa chọn. Ông nêu ví dụ: nam nữ đến 60 tuổi nghỉ hưu, nhưng có cho phép ở khung độ tuổi từ 55 trở đi, người lao động có quyền lựa chọn nghỉ hoặc tiếp tục lao động. Như vậy sẽ giải quyết được vấn đề về “quyền của người lao động” và giải quyết được các vấn đề thực tiễn khác đang diễn ra.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm