Chiều tối ngày 25/6, cháu H.V.T (7 tuổi) cùng 2 bạn nhỏ trong xóm (thôn Tuân Lề, Tiên Dương, Đông Anh, Hà Nội) đi chơi. Nhìn thấy vũng nước sâu (rộng chừng 3m2, sâu 2m – PV) được đào để chứa nước tưới cây trong ruộng của 1 hộ dân trong làng, 3 cháu đã rủ nhau... câu cá. Trong lúc mải chơi, do trượt chân, cháu T. sa xuống hố. 2 bạn đi cùng thấy vậy hô hoán người dân ứng cứu. Tuy nhiên, lúc đưa được cháu T. lên bờ thì cháu đã tử vong. Bố mẹ cháu T. ly hôn, em gái ở với mẹ còn cháu ở với bố và bà nội. Nghe tin cháu tử vong, bà nội ngất lên ngất xuống. Bà không ngờ, chỉ trong tích tắc, cháu vừa ra khỏi nhà đi chơi, cháu đã đi mãi không trở về.
Cháu H.V.T chỉ là con số 1 trong số trên 2000 trẻ em Việt Nam tử vong do đuối nước mỗi năm (con số thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội). Còn theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu có tỉ lệ trẻ em do đuối nước, cao hơn các khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần so với các nước đang phát triển.
Dường như trên các phương tiện thông tin đại chúng, ngày nào chúng ta cũng thấy thông tin về các vụ đuối nước xảy ra đâu đó ở khắp các địa phương trên cả nước, thậm chí có ngày, ở cùng 1 địa phương xảy ra nhiều vụ đuối nước. Thực tế từ các vụ đuối nước cho thấy, nguyên nhân dấn đến tử vong do đuối nước chủ yếu là do nhận thức của gia đình, cộng đồng, xã hội về nguy cơ gây đuối nước trẻ em còn han chế; trẻ em thiếu sự giám sát, trông giữ của cha mẹ, người chăm sóc trẻ; trẻ em chưa biết bơi, thiếu kỹ năng an toàn trong môi trường nước; môi trường xung quanh còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây đuối nước ở trẻ em...
2,4 triệu đô la Mỹ hỗ trợ phòng, chống đuối nước cho trẻ em
Tại hội thảo “Triển khai chương trình hợp tác về phòng, chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam” diễn ra tại Hà Nội ngày 26/6, tiến sỹ Kelly Henning, Giám đốc Chương trình Y tế công cộng toàn cầu của Quỹ từ thiện Bloomberg đã công bố khoản hỗ trợ trị giá 2,4 triệu đô la Mỹ cho 2 năm đầu tiên của chương trình 5 năm (1/1/2018-2022). 8 tỉnh tham gia Chương trình gồm: Lào Cai, yên Bái, Ninh Bình, Quảng Bình, Thanh Hóa, Đăk Lawk, Đồng Tháp, Sóc Trăng.
Mục tiêu của chương trình phòng, chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam nhằm: Hỗ trợ các biện pháp đảm bảo trông giữ trẻ an toàn, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi tại gia đình, cộng đồng; Dạy bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em từ 6 tới 15 tuổi. Bên cạnh đó, chương trình cũng quan tâm tới việc nâng cao nhận thức về nguy cơ và các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em và trỗ trợ tăng cường năng lực quản lý, điều phối, phối hợp triển khai công tác phòng, chống đuối nước trẻ em tại Việt Nam.
Phân tích về số liệu trẻ em đuối nước ở Việt Nam, tiến sỹ Kidong Park, Trưởng đại diện của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh: “Tỷ lệ tử vong do đuối ở trẻ em Việt Nam đặc biệt cao nhưng vấn đề này hoàn toàn có thể phòng tránh được. Những gì chúng ta cần là sự tiếp cận liên ngành và tham gia mạnh mẽ của các cộng đồng liên quan đến trẻ em, cha mẹ và người chăm sóc trẻ em. Đây cũng chính là trọng tâm mà chương trình này hướng tới".
Nỗ lực phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nhấn mạnh rằng, đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em và người chưa thành niên do tai nạn thương tích tại Việt Nam. “Chỉ một phút bất cẩn, chỉ là sự thiếu kiến thức, kỹ năng, thiếu ý thức mà chúng ta có thể mất đi sinh mạng của các em đặc biệt do đuối nước”, bà Hà bày tỏ.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho hay, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong phòng, chống đuối nước trẻ em. Hệ thống pháp lý liên quan đến công tác phòng, chống đuối nước trẻ em ngày càng hoàn thiện. Luật trẻ em năm 2016 đã quy định trách nhiệm của Nhà nước đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 234/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020.
Theo bà Hà, nhằm giảm tử vong do đuối nước ở trẻ em, trong thời gian tới Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ: Tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành triển khai có hiệu quả Quyết định số 234/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Phối hợp với 8 Bộ, ngành triển khai kế hoạch liên ngành phòng, chống đuối nước trẻ em; Triển khai dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em và các biện pháp giám sát trẻ, trông trẻ tại gia đình, cộng đồng; phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới và các tổ chức liên quan xây dựng mạng lưới phòng, chống đuối nước trẻ em tại Việt Nam để thúc đẩy hơn nữa sự vào cuộc của toàn xã hội trong công tác phòng, chống đuối nước trẻ em; Nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ phòng, chống đuối nước trẻ em, ưu tiên hỗ trợ việc học bơi và học kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em nghèo và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; Tăng cường giám sát liên ngành và huy động sự tham gia của cộng đồng, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp tham gia phòng, chống đuối nước trẻ em…