Combo bánh gio, rượu nếp cẩm đắt hàng trong ngày Tết Đoan Ngọ

Ngọc Vân
24/06/2020 - 10:22
Combo bánh gio, rượu nếp cẩm đắt hàng trong ngày Tết Đoan Ngọ
Dù chỉ diễn ra trong ngày 5/5 âm lịch (25/6 dương lịch), nhưng thị trường Tết Đoan Ngọ (Tết diệt sâu bọ) vẫn vô cùng sôi động với nhiều sản phẩm, dịch vụ đẹp mắt, ngon miệng, lịch sự phục vụ nhu cầu thưởng thức và biếu tặng của người tiêu dùng.

Ngày 5/5 âm lịch hàng năm là Tết diệt sâu bọ - Tết Đoan Ngọ. Trong ngày Tết này, các gia đình thường chuẩn bị mâm lễ vật gồm các loại trái cây như dưa lê, vải, mận; cơm rượu nếp; bánh gio...

Combo thực phẩm mừng Tết Đoan Ngọ chiếm ưu thế

Tại cac chợ truyền thống, siêu thị hay các cửa hàng thực phẩm sạch, shop bán hàng online, các sản phẩm phục vụ cho ngày giết sâu bọ sôi động từ nhiều ngày trước đó. Thay vì bán lẻ từng mặt hàng riêng biệt như trái cây, rượu nếp, các món bánh… năm nay, các nhà cung cấp có xu hướng sắp đặt các món đặc trưng trong dịp tết Đoan Ngọ thành từng combo, với giá tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng để khách hàng lựa chọn.

Combo bánh gio, rượu nếp cẩm đắt hàng trong ngày Tết Đoan Ngọ - Ảnh 1.

Nhiều combo Tết Đoan Ngọ với các món bánh khác nhau và rượu nếp, trái cây để người tiêu dùng lựa chọn

Ví dụ, nếu thích trái cây, bạn có thể lựa chọn combo 2kg chôm chôm, 2kg xoài, 2kg vải thiều, được bán với giá 100.000 đồng. Tại hệ thống siêu thị MM Mega market, trong ngày Tết Đoan Ngọ, các loại trái cây như bưởi hồng da xanh, dưa lưới tròn, bơ sáp… được bán đồng giá 29.000 đồng/kg. Set cúng tết Đoan Ngọ của cửa hàng Nương Bắc bao gồm rượu nếp trắng và rượu nếp cẩm, bánh bao đào tiên, bánh gio mật mía, kèm theo tờ văn khấn được bán với giá 280.000 đồng. Mâm cúng của shop Hoa quả Ưu Đàm gồm bánh gio gù, hoa quả, 2 loại rượu nếp trọng lượng 0,5kg có giá 250.000 đồng. Combo bánh chưng mini, bánh gio, bột bánh trôi, 1 cặp bánh gấc, 1 hộp rượu nếp cẩm tại Tạp hóa xanh có giá 200.000 đồng.

Combo bánh gio, rượu nếp cẩm đắt hàng trong ngày Tết Đoan Ngọ - Ảnh 2.

Các combo đuợc đóng gói lịch sự, phục vụ nhu cầu thưởng thức, biếu, tặng

Chọn một mâm lễ gồm các món bánh gio, bánh nếp, rượu nếp, hoa quả tại một cửa hàng thực phẩm sạch tại Q. Hoàn Kiếm (Hà Nội), chị Tuyết Lan (phố Lê Duẩn) chia sẻ: Các món đồ lễ được chuẩn bị theo set giúp người nội trợ tiết kiệm thời gian, công sức mua sắm và hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Đặc biệt, Tết Đoan Ngọ năm nay đúng dịp nắng nóng đỉnh điểm, nên những combo thực phẩm được giao đến tận nhà rất tiện dụng. 

Ngoài các combo chuẩn bị sẵn, người nội trợ còn có thể mua lẻ từng món như bánh nếp, bánh bao đào tiên, bánh gio, bánh gấc từ 9.000 - 15.000 đồng/chiếc; cơm rượu nếp từ 50.000 đồng/300g; mận hậu từ 90.000 - 150.000 đồng/kg…

"Giết sâu bọ" - ưu tiên đảm bảo sức khỏe

Theo truyền thống, những món thực phẩm dùng trong ngày 5/5 thường có đủ vị cay, nóng, ngọt, chua, đắng đủ để "giết sâu bọ". Người xưa còn cho rằng, ăn những món như quả vải, quả mận, đặc biệt là rượu nếp ngay vào buổi sáng sớm, khi bụng đói sẽ làm cho các chú sâu trong bụng dễ "say" để diệt sâu bọ. Tuy nhiên, trong những ngày nắng nóng đang vào giai đoạn đỉnh điểm như dịp này, dùng nhiều thực phẩm có tính nóng có thể làm cho cơ thể nhiệt, nóng, gây mụn nhọt, mẩm ngứa, nổi mề đay…

Rượu nếp (cơm rượu) là món ăn không thể thiếu trong ngày giết sâu bọ 

Đặc biệt theo các nghiên cứu Đông y, rượu nếp có vị ngọt, tính ấm do đó không nên sử dụng cho người có thể trạng nóng. Rượu nếp là một món ăn ngon, hấp dẫn nhưng cần ăn đúng để không gây hại cho sức khỏe. 

Một số lưu ý khi ăn rượu nếp:

- Nên ăn rượu nếp nhà làm hoặc chỉ mua ở những cơ sở uy tín, có chất lượng

- Chỉ nên ăn loại rượu nếp được lên men trong vòng 3-4 ngày. Tránh để lâu, cơm rượu lên men quá mức.

- Nên ăn sau bữa ăn như một món tráng miệng, tránh ăn lúc đói vì không tốt cho dạ dày.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm