Con bị 8 điểm, mẹ không ngừng chì chiết

16/01/2018 - 19:49
Các bài thi khác con đều được điểm 10, duy chỉ có bài thi Toán được điểm 8 khiến chị Hoàng Tuyết Mai (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) chì chiết, bêu riếu con hết ngày này sang ngày khác.
chi-chiet-con.jpg
Nhiều bố mẹ chì chiết con khi điểm thi không như kỳ vọng. Ảnh minh họa

Bé Bông (lớp 4, con chị Mai) học không giỏi, kết quả 3 năm đầu tiên con vô cùng lẹt đẹt. Thế nhưng, chị Mai không chấp nhận việc con học kém nên thời gian gần đây chị tập trung dạy con rất nhiều. Đúng là, với sự sát sao của mẹ, bé Bông có những tiến bộ vượt bậc. Đặc biệt, điểm thi giữa kỳ I con đạt 9,5 và 10 môn Toán và Tiếng Việt khiến chị đặt rất nhiều hy vọng vào con.

Tuy nhiên, dạy con nên chị thừa biết, nếu buông mẹ ra, con không có kết quả ấy. Con vẫn cần đến sự hỗ trợ của mẹ. Con vẫn đầu hàng trước những bài toán khó nên tối nào chị cũng phải kèm con học để xử lý những bài tập đòi hỏi tư duy.

Đợt thi học kỳ I vừa qua, chị dành nhiều thời gian để ôn tập cho con. Thế nên, khi con rón rén báo điểm thi học kỳ I với mẹ, chị vô cùng thất vọng và không ngừng chì chiết: "Trời ơi, sao mẹ ôn kỹ cho con thế mà con chỉ được có 8 điểm?", "Sao bài toán đơn giản thế này mà con lại viết sai số?", "Con khiến mẹ buồn quá, lẽ ra con phải được điểm cao hơn chứ"…

Chưa dừng lại ở đó, gặp ai, trước mặt con, chị cũng “kể tội”: Không hiểu nó nghĩ gì mà lẽ ra làm đúng thì lại viết số sai. Đầu óc nó cứ để đi đâu ấy…

Bị mẹ “lải nhải” vụ điểm số liên tục như vậy, không ít lần bé Bông ấm ức, òa khóc: Mẹ ơi, đợt tới con sẽ cố gắng! Con sẽ không làm mẹ buồn nữa!...

chi-chiet-3.jpg
Tâm lý của trẻ rất muốn được khuyến khích và cổ vũ. Ảnh minh họa

Giống như chị Mai, không ít các bố mẹ luôn nhìn vào điểm số để đánh giá con. Lẽ ra, bố mẹ nên quan tâm đến quá trình học tập hàng ngày, điều đó mới phản ánh trung thực nhất thái độ học tập của con. Đặc biệt, bố mẹ cần nghiêm túc phân tích tình hình thi cử của con để so sánh và cảm nhận sự tiến bộ của con.

Tâm lý của trẻ rất muốn được khuyến khích và cổ vũ. Vì thế, bố mẹ cần nhìn ra những tiến bộ của con để kịp thời biểu dương khen ngợi, xây dựng niềm tin cho con, để con biết rằng "Mình có thể làm được!".

Hơn nữa, bố mẹ không nên phê bình, nói xấu con trước mặt người khác, mà cần khen ngợi, nói ra những ưu điểm của con.

Cho dù bố mẹ có phát hiện thành tích học tâp của con sút kém cũng không nên trách mắng mà nên bình tĩnh cùng con phân tích nguyên nhân. Nếu trẻ lơ là học tập dẫn đến thành tích sút kém thì nên kịp thời chỉnh đốn.

Nếu sự thay đổi môi trường khách quan của gia đình ảnh hưởng đến trẻ thì cha mẹ nên kịp thời điều chỉnh. Nếu trẻ thiếu hụt kiến thức thì cần liên hệ với giáo viên, nhờ thầy cô giúp đỡ...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm