Ngày 1/7, trao đổi với PNVN, chị Triệu Thị Khách (xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn) cho biết, chỉ vì chút sơ sẩy của gia đình, bé Triệu Thị Hà (2 tuổi) con gái đầu của gia đình đã bị bỏng nặng.
Chị Khách cho biết, sáng ngày 29/6, vợ chồng chị đi làm nên gửi bé ở nhà nhờ ông nội trông.
Ở nhà, ông nội nấu nước sôi rồi rót vào bình để lên bàn chờ nguội. Trong lúc ông không chý ý, bé đã kéo chiếc bình làm nước sôi đổ vào người gây bỏng mặt, lưng, ngực, bụng và 2 tay.
Phát hiện sự việc, gia đình đưa bé đến BV huyện rồi chuyển lên BV Đa khoa Lạng Sơn. Tại đây, các bác sĩ xác định tổng diện tích bỏng 30% diện tích da với độ II và I. Đây là mức khá nặng với một cháu bé 2 tuổi.
Ngoài ra, vết thương của bé chảy nhiều dịch và tình trạng ngày càng nặng lên. BV đã quyết định chuyển lên Viện Bỏng Quốc gia.
Tuy nhiên, khi được thông báo chuyển lên tuyến trên, vợ chồng chị Khách đều “nằng nặc” xin ở lại vì không có tiền. Chị Khách cho biết, gia đình thuộc hộ nghèo, thu nhập chỉ trông vào vài sào ruộng. Hiện tại, gia đình chỉ có 1 triệu đồng trong người, nếu chuyển con lên tuyến trên thì không biết ăn uống sinh hoạt và tiền thuốc men cho con như thế nào.
Trước tình hình đó, BV Đa khoa Lạng Sơn đã quyết định hỗ trợ cháu bé 5 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. BV cũng ghi trong giấy chuyển viện và trực tiếp thông báo với Viện Bỏng Quốc gia về hoàn cảnh khó khăn của cháu bé để được tiếp tục giúp đỡ.
Hiện tại, bệnh nhi đã được chuyển lên Viện Bỏng Quốc gia để tiếp tục điều trị.
Theo Bác sĩ Ngô Anh Vĩnh (BV Nhi TƯ) đối với trẻ em, các loại bỏng đều gây nguy cơ tử vong rất cao, do cơ thể của các em còn non nớt, sức đề kháng kém. Da của các em rất dễ bị hoại tử dẫn đến nhiễm trùng máu, cho dù các em chỉ bị bỏng nước sôi độ 1, độ 2, nhưng chỉ cần khoảng 25% cơ thể đã nguy hiểm đến tính mạng.
Để hạn chế tai nạn bỏng ở trẻ, phụ huynh phải luôn trông chừng bé. Ngoài ra, gia đình cần phải để các vật dụng có khả năng gây bỏng tránh xa tầm tay của trẻ em; Bố trí bếp và nơi đun nấu xa tầm với của trẻ và sắp xếp gọn gàng; không nên ăn thức ăn nóng khi đang bế trẻ, chơi đùa với trẻ. Khi đun nấu cần để các cán xoong chảo quay vào trong, tránh vô tình va phải gây bỏng.