Con biếng ăn, mẹ Hải Phòng tự tay nặn cơm hộp không cần dùng khuôn, bé thích ăn thun thút

Ngọc Lan
04/01/2021 - 12:00
Con biếng ăn, mẹ Hải Phòng tự tay nặn cơm hộp không cần dùng khuôn, bé thích ăn thun thút
Nhờ tài đảm đang, thấu hiểu con mà chị Nguyễn Huệ đã thành công trong việc trị "bệnh" biếng ăn của con trai mình.

Bận bịu công việc riêng nhưng ngày nào chị Nguyễn Huệ (29 tuổi, Hải Phòng) dành những khoảng thời gian rảnh nhất để vào bếp nấu ăn cho gia đình. Chỉ khi nào chồng ở nhà, ông xã sẽ thay chị vào bếp hoặc cả hai vợ chồng 9X sẽ cùng nhau nấu nướng cho tình cảm.

Cũng như nhiều bà mẹ khác, con trai chị Nguyễn Huệ có những giai đoạn biếng ăn, chỉ thưởng thức vài thìa rồi lắc đầu quay đi. Không chịu thua, 9X đảm đang đã quyết tâm làm những hộp cơm riêng cho con để kéo sở thích ăn uống của con trở lại. Do bé mới 15-16 tháng lại chưa đi học nên chị càng có cơ hội để chăm sóc từng bữa cơm như thế này cho con.

Chị chia sẻ, ý tưởng làm hộp cơm được bản thân tham khảo từ các nhân vật trong phim hoạt hình và các hộp cơm bento của những bà nội trợ Nhật Bản. Về phần màu sắc, 9X đều làm hoàn toàn từ các nguyên liệu tự nhiên như màu vàng của bí đỏ, xanh của hoa đậu biếc, màu nâu từ nước kho thịt, hồng của củ dền... Những "phẩm màu" tự nhiên này vô cùng an toàn, giàu vitamin, ăn lại rất vừa miệng.

Vì bé nhà chị Huệ đã ăn thô tương đối tốt rồi nên cơm và thức ăn của bé chị sẽ nấu cùng gia đình luôn và chỉ việc đầu tư vào khâu tạo hình.

"Nếu muốn có cơm màu khác để tạo hình cho con thì khi nấu cơm mình cho gạo vào bát con, cho thêm nước ép bí đỏ, củ dền, hoa đậu biếc... vào bát và đặt vào nồi nấu cơm cùng gia đình như vậy thì sẽ có màu sắc đa dạng tạo hình cơm cho con. Trong khi nấu thức ăn và chờ thức ăn chín thì mình sẽ tranh thủ tạo hình cơm cho con. Mắt mũi của các con vật mình sử dụng phomai và rong biển loại tách muối dành riêng cho bé để tạo hình", chị tâm sự.

Về phần thức ăn, khi nấu, lúc đầu chị sẽ nêm nhạt hơn rồi lấy ra để làm cơm cho bé trước, sau đó mới thêm gia vị cho vừa với khẩu vị của cả nhà sau. Như vậy thì khi nấu cơm cho cả nhà xong thì chị cũng hoàn thành xong cơm của con, hoặc chỉ lâu hơn 10-15 phút đối với những hình khó.

Khi bắt đầu làm cơm bento, chị Huệ cũng gặp đôi chút khó khăn về vấn đề lên ý tưởng cho những hộp cơm. Hộp cơm đầu tiên do chưa quen nên chưa được đẹp và chưa được nhanh. Để giải quyết vấn đề này, buổi tối khi con ngủ chị Huệ sẽ tranh thủ lên mạng xem các phim hoạt hình, tham khảo các hộp cơm bento của những bà nội trợ Nhật Bản để lấy ý tưởng tạo hình cho hộp cơm của con mình. Nhờ đó, dần dần các hộp cơm được chị thực hiện ngày càng thành thục, nhanh và đẹp mắt.

Toàn bộ phần cơm chị Huệ sẽ nặn bằng tay không hề dùng khuôn. Chỉ có một số loại rau củ quả cần tạo hình chị mới dùng khuôn để cắt. Thế nhưng nhìn hộp cơm của chị rất đẹp và sống động. Các nhân vật được tạo hình một cách mềm mại, đáng yêu. Đây chính là điểm hấp dẫn và bắt mắt khiến bé nào cũng phải say mê.

Khi nhìn thấy những hộp cơm đẹp như tranh do mẹ làm, bé nhà chị Huệ vô cùng hào hứng. Nhóc tì bắt đầu chịu ăn và ăn được nhiều hơn so với trước đây. Dù con chưa biết nói nhưng chỉ cần nhìn con ăn một cách say mê là chị đã đủ hiểu mình đã thành công trong việc trị "bệnh" lười ăn của bé rồi.

Chị Huệ cũng cho biết, do bé ở nhà, cơm mới làm xong được cho ăn luôn nên còn nóng, nếu chị em nào muốn làm cho con mang đi học thì có thể sử dụng hộp giữ nhiệt sẽ có thể giữ ấm được lâu hơn. Thời gian đầu làm cơm rất tốn thời gian vì chưa quen khiến nhiều người nản chí thế nhưng khi quen rồi thì cũng sẽ rất nhanh và hiệu quả. "Chỉ cần nhìn con ăn ngon, ăn nhiều là chúng ta thấy đủ vui, hãnh diện, mọi mệt mỏi có thể tiêu tan, vì thế mọi người đừng nản chí nhé", Chị Nguyễn Huệ chia sẻ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm