Con bỏng nặng mẹ tự đắp thuốc lá khiến bé gái nguy kịch

21/06/2017 - 12:53
Trong lúc không ai để ý, bé Phượng đã lao chiếc xe tập đi vào bếp lửa. Sau khi sơ cứu tại trạm y tế, gia đình đưa về để đắp thuốc nam. Tuy nhiên, sau vài ngày tình trạng của bé nguy kịch hơn
Ngày 21/6, bác sĩ Hồ Xuân Hương, Khoa Bỏng trẻ em (Viện Bỏng Quốc gia) cho biết, đang điều trị cho bệnh nhi Hứa Thị Như Phượng (9 tháng tuổi, huyện Bình Gia, Lạng Sơn) bị bỏng lửa. Hiện tại, bệnh nhi được xác định bị bỏng 15%, trong đó 12% độ sâu 3, độ 4 với khu vực bỏng ở đầu, mặt, cổ, thân chi.

Gia đình cho biết, tối ngày 12/6, trong lúc nấu cơm bằng bếp củi thì người chạy ra ngoài. Đúng đó thì mất điện. Bệnh nhi đang ngồi ở chiếc xe tập đi thấy chỗ bếp sáng liền lao xe vào bếp lửa. Phải một lúc sau, mọi người mới phát hiện bé và đưa ra khỏi bếp. Tuy nhiên, lúc này bé đã bị bỏng nặng nên đưa ra trạm y tế xã để sơ cứu.

Một số người thân cho rằng, dùng thuốc nam có thể nhanh khỏi nên gia đình đưa bé về nhà để đắp thuốc nam. Tuy nhiên, vài hôm sau, tình trạng của bé ngày càng nặng nên gia đình chuyển lên BV Đa khoa Lạng Sơn. Do tình trạng bé quá nặng, bé được chuyển lên Viện Bỏng Quốc gia.

Tại đây, bệnh nhi được xác định bị bỏng 15% cơ thể. Trong đó, phần 12% bị bỏng độ sâu 3, độ 4. Khu vực bỏng nặng nhất ở vùng đầu, mặt, cổ, thân chi. Đặc biêt, phần mặt của bé bị ngã vào bếp nên tình trạng vô cùng nguy hiểm.

bien-dang-mat.jpg
Bé Phượng đang được điều trị tại Viện Bỏng Quốc gia

Sau khi được điều trị, vết thương của bệnh nhi đã có chuyển biến tích cực, mắt đã hé được một phần. Tuy nhiên, do vết bỏng sâu thời gian tới bé sẽ trải qua nhiều đợt phẫu thuật, phải điều trị lâu dài.

 
Theo bác sĩ Nguyễn Thống, Trưởng Khoa Bỏng (BV Xanh Pôn) hiện có nhiều phụ huynh khi phát hiện con bị bỏng thay vì đưa đến cơ sở y tế lại dùng thuốc nam đắp vào vết thương. Đây là điều không nên bởi vết bỏng cần phải được làm sạch và vô trùng. Vì vậy, việc đắp lá rất dễ gây nhiễm trùng. Ngoài ra, bệnh nhân còn có biến chứng sốc do đau, sốc do mất dịch, rối loạn nước điện giải, thậm chí nặng có thể dẫn đến tử vong.

Cách sơ cứu khi bị bỏng lửa:

Đầu tiên nên dùng nước hoặc cát, áo khoác, chăn hoặc vải bọc kín … để dập tắt lửa cháy. Đồng thời, xé bỏ phần áo quần đang cháy âm ỉ trên người bệnh nhân.

- Nhanh chóng để vùng bị bỏng ngâm vào chậu nước nguội sạch hoặc đưa vùng bỏng vào dưới vòi nước và xả nước cho vòi chảy nhẹ nhàng trong khoảng 15-20 phút, việc làm này sẽ giúp vết bỏng được dịu bớt đau rát, giảm sưng, giảm độ sâu của vết bỏng và làm sạch vùng bị bỏng tránh các viêm nhiễm.

- Dùng gạc vô khuẩn hoặc miếng vải sạch băng vùng bị bỏng lại, tránh bụi bẩn vào vết bỏng.

- Nếu vết bỏng nhẹ, diện tích da bị bỏng nhỏ, thì sau một thời gian chăm sóc tại nhà da vùng bỏng có thể tự liền lại nhưng nếu vết bỏng ở diện tích rộng, nặng hơn thì sau khi sơ cứu cần nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời.   
     
Lưu ý

Nhiều người cho rằng khi bị bỏng thì nhanh chóng bôi kem đánh răng vào vết bỏng để làm dịu và trị bỏng nhưng đó là suy nghĩ sai lầm, tuyệt đối không được bôi bất cứ thứ gì vào vết bỏng như muối, mỡ trăn, kem đánh răng … điều này sẽ khiến vết bỏng trở nên trầm trọng hơn, dễ bị viêm nhiễm nặng hơn.

Ngoài ra, không dùng đá để làm mát vết bỏng, điều này khiết vết bỏng trở nên trầm trọng hơn, vùng da vừa bị bỏng thì bị lạnh đột ngột tế bào co lại khiến vết bỏng lâu khỏi và dễ bị loét hơn.

Nếu vùng bỏng lớn thì không nên cởi bỏ quần áo khiến bị lột da vùng bỏng, nên nhanh chóng dùng kéo cắt áo quần ra tách khỏi vết bỏng tránh việc áo quần dính chặt vào vết bỏng khiến vết bỏng bị đau rát, dễ viêm nhiễm. Sau đó, nhẹ nhàng tháo bỏ các tư trang cá nhân, vòng lắc hoặc đồng hồ, giày dép … trước khi vết bỏng bị sưng nề.
 
 
 

 

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm