Con có thể bị bắt nạt ngay khi ở bên cạnh cha mẹ

N.M
11/08/2022 - 18:17
Con có thể bị bắt nạt ngay khi ở bên cạnh cha mẹ

Việc trẻ bị bắt nạt trực tuyến khá phổ biến hiện nay - Ảnh minh hoạ

Chị Hoàng Phương Anh (Khương Trung, Hà Nội) rất lo lắng khi con gái xin mẹ được chuyển trường. Tìm hiểu, chị được biết, con không muốn gặp các bạn vì con đang bị bêu riếu trên mạng xã hội.

Thì ra, Minh An (con gái chị Phương Anh) bị một bạn trong lớp rêu rao, nói xấu trên facebook, trên các nhóm ở zalo. Cũng chỉ vì người bạn gái đó ghen với Minh An, cho rằng Minh An là "kẻ thứ 3". Minh An cho biết, chỉ vì thấy người bạn trai và em thường thả tim cho nhau ở những bài viết, hình ảnh trên facebook nên người bạn gái đó cho rằng Minh An "cướp" mất "người trong mộng" của mình. Chính vì vậy, người bạn gái đó nhắn tin cho các bạn trong lớp, trong trường để "vạch mặt" Minh An, rằng em là đứa lẳng lơ, kẻ hai mặt.

Câu chuyện được lan truyền nhanh chóng đến mức nhiều bạn nhắn tin hỏi trực tiếp Minh An về vụ việc. Mới 14 tuổi, nên với Minh An, đây là cú sốc rất lớn, bởi câu chuyện đã được thêu dệt rất nhiều. Em thực sự thấy bế tắc. Em buồn chán và chán ghét mọi thứ, nghi hoặc bản thân mình. Lo sợ vì tất cả bạn bè nhìn em với ánh mắt khác, em chỉ muốn gục ngã.

Minh An vốn là đứa trẻ hay nói, hay cười, thế nhưng từ khi bị bêu riếu trên mạng xã hội, em luôn nghĩ đến những điều tiêu cực. Em luôn tưởng tượng rằng, tất cả bạn bè nhìn em với ánh mắt giễu cợt. Thế nên, em đòi mẹ cho chuyển trường. Em không còn "mặt mũi nào" để gặp các bạn. Em sợ đến lớp, sợ chạm ánh mắt của mọi người.

Con muốn chuyển trường vì bị bêu riếu trên mạng - Ảnh 1.

Bị nói xấu, bêu riếu trên mạng xã hội, nhiều đứa trẻ sợ hãi, lo lắng đến mức trầm cảm - Ảnh minh hoạ

Chuyện bị bắt nạt trực tuyến như Minh An không phải là hiếm trong thời đại công nghệ số lên ngôi. Bị nói xấu, bêu riếu trên mạng xã hội, nhiều đứa trẻ sợ hãi, lo lắng đến mức trầm cảm. Có đứa trẻ đã nghĩ đến chuyện tự tử, có đứa trẻ lại tự hành hạ bản thân để làm đau mình…

Nhiều cha mẹ vẫn nghĩ, việc trêu đùa bằng vài câu bình luận trên mạng chẳng có vấn đề gì với con cái. Thế nhưng, thực tế, những đứa trẻ không đủ mạnh mẽ, bản lĩnh đã bị "giết chết" bởi những trò bắt nạt trực tuyến.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam (ĐH Giáo dục- ĐHQG Hà Nội), không ít học sinh khi được hỏi về bắt nạt trực tuyến cho rằng cảm thấy bị cô lập. Trên mạng, không ai có ý kiến đứng về phía mình, số đông đang theo người bắt nạt như bình luận ác ý, bêu riếu hình ảnh của mình. Người ta sẽ lôi kéo càng nhiều người vào, người ta mong muốn nhiều người ủng hộ họ để công kích người kia, cứ như thế nếu không có người khác ngăn cản.

Theo PGS-TS Trần Thành Nam, các cha mẹ cần nhận thức việc bắt nạt trực tuyến là vô cùng phổ biến. "Con ở nhà, ở trong vòng tay của cha mẹ nhưng nếu cha mẹ không có cảm xúc với con thì con vẫn bị bắt nạt trực tuyến", PGS-TS  Trần Thành Nam khẳng định.

Chia sẻ với các cha mẹ về việc dạy con đối phó với bắt nạt trực tuyến, theo PGS-TS Trần Thành Nam, cha mẹ cần có kiến thức về an toàn trên mạng. Và cha mẹ cần dạy con 4 điều sau:

Thứ nhất, con không nên phản hồi khi nhận được thông tin công kích, chế giễu, bêu xấu mình trên mạng. Bởi thủ phạm sẽ luôn xem phản ứng của nạn nhân để chuẩn bị cho các bước tiếp theo.

Thứ 2, cha mẹ cần dạy con các kỹ năng chặn, báo cáo trên mạng (hướng dẫn chặn ở facebook, gmail, twitter…)

Thứ 3, hướng dẫn con chụp ảnh màn hình để giữ lại mọi bằng chứng. Chúng bao gồm những lời khiêu khích qua tin nhắn, email, bình luận trên facebook, mạng xã hội, tin nhắn thoại…

Cuối cùng, cha mẹ cần giúp con có kỹ năng để báo cho người lớn việc con bị bắt nạt. Trước tiên, con hãy nói với cha mẹ. Trong những trường hợp nghiêm trọng, con có thể trình bày với trường học hoặc cảnh sát.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm