pnvnonline@phunuvietnam.vn
Khi con là nạn nhân của bạo lực học đường: Cha mẹ nên tập trung chăm sóc và giải tỏa cho con
Ảnh minh họa
TS. Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho biết, cha mẹ có thể tránh việc con bị bạo lực học đường bằng một số cách. "Thứ nhất, cha mẹ cần cho con đi học võ. Ở nhà, cha mẹ cần luyện cho con các tình huống bị đánh để học cách phản ứng tự vệ. Thứ hai, cha mẹ cần giúp con tự tạo cho mình một cộng đồng bạn thân đông đảo, có nhiều hoạt động sôi nổi và hào hứng. Khi con có nhiều bạn bè, con sẽ dễ dàng tự vệ khi bị bắt nạt. Thứ ba, khi xảy ra chuyện, con cần biết phải tự vệ. Nếu nghiêm trọng, con cần thuộc và gọi số điện thoại cứu hộ, không phải của trường. Con có thể gọi 113 hoặc Tổng đài bảo vệ trẻ em 111".
Trong trường hợp khi con bị bạo hành, theo TS. Vũ Thu Hương, cha mẹ cần bình tĩnh xử lý vấn đề sức khỏe và tâm lý cho con trước khi làm các việc khác. Nếu tâm lý con bất ổn thì cha mẹ nên tập trung vào việc chăm sóc và giải tỏa cho con. Sau đó, để các con an tâm và khỏe mạnh, cha mẹ cần tính đến các phương án xử lý lâu dài như chuyển trường cho con nếu không phù hợp.
Trước khi nghĩ đến những ức chế với nhà trường, cha mẹ cần quan tâm đến con đầu tiên. Con cũng sẽ không thoải mái nếu bố mẹ can thiệp quá sâu vào việc tại trường lớp. Vì thế, cha mẹ nên lựa chọn cách giải quyết nhẹ nhàng và phù hợp với con nhất.
Với các vụ việc bạo lực học đường, vai trò của gia đình là rất quan trọng. Theo nhà báo Hoàng Anh Tú, các phụ huynh có thể ngồi lại cùng nhau, trở nên thân thiết hơn với nhau để lũ trẻ nhận ra giá trị của hòa bình và giá trị của thân thiện.
"Chính các phụ huynh là người dẫn dắt con em của mình về việc nói không với bạo lực. Cao hơn, các phụ huynh trở thành tấm gương cho các con thấy bạo lực chưa bao giờ và không bao giờ là giải pháp. Khi chúng ta, các phụ huynh, xích lại gần nhau hơn, lũ trẻ cũng sẽ vì thế mà xích lại gần nhau hơn. Chính các phụ huynh trở thành cầu nối, xúc tác giúp trẻ xây dựng tình bạn với nhau. Rộng hơn thì đó là toàn khối, toàn trường. Ký cam kết nói không với bạo lực học đường phải có cả chữ ký của cha mẹ. Kỹ hơn thì chính các cha mẹ phải nhận thức được việc họ đồng hành cùng nhà trường chứ không phải phó mặc cho nhà trường", nhà báo Hoàng Anh Tú cho biết.
Nhà báo Hoàng Anh Tú cũng khẳng định, chính các em mới là chủ thể quan trọng nhất trong việc nói không với bạo lực học đường. "Đó là gia tăng kỹ năng mềm mà trong đó điều vô cùng quan trọng là học cách kiểm soát cảm xúc, học cách giải quyết mâu thuẫn bằng nhiều cách, không phải bằng bạo lực. Trẻ cần được học ngay từ mẫu giáo với việc tay là để ôm, không phải để đánh bạn, với việc quản lý cảm xúc của mình thay vì để nó phát tiết, với việc cho trẻ nhận thức về bình đẳng. Trẻ học cách tôn trọng sự khác biệt, trân trọng bạn bè. Lớn hơn thì học cách giải quyết mâu thuẫn. Lớn hơn nữa thì học cách tuân thủ pháp luật, kỷ luật, nội quy".
Dạy con ứng xử khi bị bạo lực, nhà báo Hoàng Anh Tú tư vấn thêm, con có thể gặp riêng thầy cô mà con tin cậy hoặc có thể về nói với bố mẹ. "Chúng ta sẽ không dùng bạo lực để giải quyết bạo lực. Chúng ta sẽ cùng nhau làm điều tốt đẹp hơn. Bởi người bạn đã đánh con không phải là một bạn xấu. Chỉ là vì bạn đó cũng đang phải trải qua rất nhiều vấn đề về tâm lý. Hoặc bạn đang nghĩ sai, làm sai. Chúng ta có thể giúp đỡ bạn ấy cư xử đúng hoặc chữa trị về tâm lý. Hãy nghĩ về những đứa trẻ thay vì chỉ nghĩ đến những tổn thương của riêng con mình. Chúng ta hãy cùng nhau sửa chữa chứ đừng chỉ phán xét hay tấn công trở lại".