Để không đánh thức “con hổ nhỏ” trong mỗi đứa trẻ

BS Anh Nguyễn
09/06/2022 - 14:30
Để không đánh thức “con hổ nhỏ” trong mỗi đứa trẻ

Ảnh minh họa

Trong một số gia đình, những đứa trẻ lớn thường bị bố mẹ quát: “Sao lại đánh em!”. Cha mẹ có bao giờ thắc mắc, tại sao những đứa trẻ lớn hơn thường chọc ghẹo em, thậm chí đánh, cấu hay cắn em mình khi không có mặt bố mẹ?

Sự tranh cãi hay đánh nhau của những đứa trẻ trong gia đình là một phần của kết quả tiến hóa. Nó lưu trữ trong não bộ của mỗi đứa trẻ khi vừa sinh ra vì dù gì chúng ta cũng là 1 nhánh tiến hóa của động vật bậc cao. Tuy nhiên, khác động vật, xã hội con người bắt đầu phân tầng sâu sắc các mối quan hệ và yêu thương. Điều này đã làm một phần của tự nhiên "tạm ngủ yên". Giai đoạn nhỏ là 1 giai đoạn quan trọng, vì bản chất hoang dã của "con hổ nhỏ" vẫn bộc lộ, nó rất nhạy cảm với môi trường nuôi dưỡng ở giai đoạn này để đến 1 trong 2 quyết định là "ngủ yên" hay là "thức dậy".

Một điều thú vị rằng, cách giáo dục trong gia đình (từ chính cha và mẹ) là quyết định trong việc làm "con hổ nhỏ ngủ yên" mãi mãi trong tình yêu thương.

Nhiều cha mẹ vô tình dạy sai: Đã tạo ra sự chia rẽ ở con trẻ. Mỗi đứa trẻ sinh ra đều có 1 "con hổ" nhỏ gọi là "ích kỷ". Điều này chỉ để chúng đảm bảo có được sự yêu thương, chăm sóc để phát triển. Bằng chứng khoa học đã cho thấy rằng: Cách đáp ứng của cha mẹ trong gia đình là rất quan trọng và quyết định liệu "con hổ nhỏ" này thức dậy hay sẽ ngủ yên.

Dẫu rằng với đứa con nào cha mẹ cũng đều yêu thương bằng nhau nhưng đôi lúc cách dạy, cách ứng xử của cha mẹ lại tạo sự chia rẽ giữa chúng. Đặc biệt, nó thường đến từ các vấn đề cơ bản của cuộc sống như ngủ, chơi, ăn, yêu thương

Đây là một số ví dụ về cách ứng xử "tạo sự chia rẽ"

1. Ăn: Cha mẹ thường nói "Tin ăn ngoan không, chả khóc gì, chị Na ăn hư quá!".

2. Ngủ: "Ngủ đi chứ, lăn lộn hoài để em ngủ nữa chứ". Người mẹ vô tình lấy đứa em làm lý do để bắt đứa lớn hơn ngủ. Vô tình đưa lợi ích của đứa này làm điều kiện cho bất lợi của đứa khác.

3. Chơi: Người bà vỗ về đứa nhỏ "Ngoan ngoan nào!" và quát đứa lớn "Na đưa con gấu cho em!" dù đó là đến lượt chơi của chị Na.

4. Yêu thương: Những câu nói đùa vô hại nhưng là chia rẽ lớn tình yêu thương. Ví dụ: "Ngoan ngoan, mẹ thương hơn chị Na nhé" hoặc người bà thường hay nói đùa "Mẹ mày đâu? Thế nó bỏ rơi mày rồi, lại với bà nè!".

Các câu nói đùa trên không hề có ác ý gì nhưng tâm hồn trẻ con nghĩ nhiều hơn chúng ta nghĩ. Trẻ con trong tuổi học và hiểu sẽ hiểu nhiều chiều hơn cách hiểu chúng ta. Hãy thận trọng đưa ra sự so sánh, điều kiện lợi ích, bên nặng bên khinh... Đến lúc cha mẹ nhận ra hậu quả thì có thể đã muộn màng.

Dạy con yêu thương và hợp tác

TS. Feinberg, ĐH Bang Penn (Mỹ), từng nói rằng: Cách làm giảm các xung đột xảy ra giữa những "con hổ nhỏ" là hãy dạy chúng hợp tác cùng nhau trong vui chơi, giải quyết vấn đề, quan trọng là giải quyết xung đột xảy ra phải công bằng và lắng nghe trẻ, cho chúng nhận xét lỗi sai-đúng của bé còn lại.

Khi hợp tác vui chơi cùng nhau hoặc vì 1 kết quả chung, những "con hổ nhỏ" sẽ tự biến mất, nhường chỗ cho tinh thần hợp tác và đối mặt thử thách. Ví dụ, 2 bé có thể cùng chơi một trò chơi, trong đó quy định luật chơi, phạt - thưởng công bằng dù ai lớn ai nhỏ.

Khi gặp các vấn đề về ăn uống, ngủ nghỉ, trẻ lớn thường làm ồn bé nhỏ ngủ. Trong tình huống này, cha mẹ được khuyên như sau: Thứ nhất, đặt bé lớn ra khỏi nơi bé nhỏ ngủ vì lý do giường là để ngủ, chứ không để chơi. Lý do cha mẹ đưa ra phải là sự thật, không phải để đem lại lợi ích cho ai. Thứ hai, cho bé lớn biết đây là giờ ngủ, em con và cha mẹ cần ngủ, và con cũng phải ngủ để có sức khỏe đi học ngày mai. Thứ ba, đưa luật ngủ của gia đình - hãy tạo luật ngủ sớm nhất có thể khi trẻ bước sang 1 tuổi để trẻ hiểu ban ngày là chơi, ban đêm là cần ngủ.

Cách bố mẹ cho con lý do đúng và tránh mang "lợi ích" hay "đe dọa" là cách tiếp cận nên làm vì trẻ tự biết đánh giá mình và sẽ ngoan hơn.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm