pnvnonline@phunuvietnam.vn
Con nhiễm tính xấu từ “chuyên gia đổ lỗi”
Ảnh minh họa.
Bố chưa một ngày ngồi kèm con học, cũng không phải đội nắng, đội mưa để làm "xe ôm" chở con đến trường hay đi học thêm như mẹ. Vậy mà kết quả của con không tốt, bố liền trách mẹ. Mẹ và con quá quen với những lời đổ lỗi của bố: "Con học hành chểnh mảng như thế, lỗi là do mẹ. Có mỗi việc để ý xem con có chơi điện tử lúc học không, con có làm bài tập về nhà đầy đủ không mà cũng không xong. Sau này, nó không thi được trường đại học tốt, lỗi là của mẹ hết".
Bố không làm gì nên bố chẳng có lỗi gì. Bố cứ như đứng ngoài cuộc đời của con cái nhưng bố lại cho mình quyền trách mắng người khác. Lúc con ốm, con sốt, con gầy gò, bố chì chiết rằng mẹ không biết nuôi con. Bố so sánh rằng vợ của người này người kia cũng đi làm như mẹ nhưng họ vẫn nuôi con béo tốt, khỏe mạnh. Bố không biết mẹ đã vất vả chăm sóc con thế nào. Những đêm con sốt cao, trong khi mẹ thức cả đêm để hạ sốt cho con thì bố vẫn ngáy khò khò. Con và mẹ thường gọi bố là "chuyên gia đổ lỗi".
Con biết, mẹ bị áp lực từ những lời đổ lỗi của bố rất nhiều. Lúc nào, mẹ cũng cố "nhồi nhét" cho con ăn uống để con đỡ còi. Mẹ luôn nhắc nhở con đi tất, quàng khăn những lúc trời lạnh. Bởi nếu con bị ốm, mẹ nhận ngay "bản án" "mẹ gì mà vụng thế, suốt ngày để con ốm".
Mẹ cũng thường xuyên ép con học, thậm chí nhiều lúc phải nài nỉ để con học thêm chút nữa. Điệp khúc của mẹ là: "Con cố thêm một chút đi. Con mà bị điểm kém, con mà không thi đỗ, bố lại cằn nhằn, đổ lỗi cho mẹ". Mẹ cảm thấy rất mệt mỏi, ức chế vì trong mắt bố, mẹ "không làm được cái gì nên hồn".
Không chỉ đổ lỗi cho vợ con mà bố có thể dễ dàng đổ lỗi cho người ngoài. Điểm Văn của con kém, bố cho rằng cô giáo dạy không hay, cô giáo thiên vị. Thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế của con không đạt mục tiêu, bố đổ lỗi rằng trung tâm tiếng Anh chỉ giỏi "vặt tiền", không có trách nhiệm sát sao tới từng học sinh.
Bố chưa bao giờ nhận lỗi, thậm chí lỗi ấy thuộc về bố. Thế nhưng, nếu con có chút thành tích, bố "vơ" ngay vào mình. Bố đi khoe khắp nơi là con giỏi giang giống bố, nhờ có bố định hướng đúng… Trong khi đó, người có công lớn nhất là mẹ thì không bao giờ bố ghi nhận.
Con và mẹ rất dị ứng với việc đổ lỗi của bố. Tuy nhiên, điều nguy hại hơn, bố cũng đang biến con thành đứa trẻ thích đổ lỗi, không nhận trách nhiệm về mình. Con bị điểm kém, con đổ lỗi rằng tại cô chưa dạy đến phần này, tại cô dạy chỗ này qua loa, tại cô chỉ quan tâm đến vài bạn trong lớp mà không phải con… Con lấy trộm tiền của bạn, con liền đổ lỗi rằng tại bị bạn bè xui khiến, thách thức. Ảnh hưởng từ thói quen của bố, con cũng luôn bào chữa cho sự thiếu trách nhiệm của mình.
Con biết đó là tính xấu, khó chấp nhận được vì con từng khó chịu với tính này của bố. Con biết mình phải thay đổi để hoàn thiện bản thân. Bởi, nếu cứ đổ lỗi cho người khác, con sẽ không bao giờ tiến bộ được. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thành công trong tương lai của con. Thế nên, bố à, bố và con cùng nhau thay đổi. Thay vì đổ lỗi cho người khác, hãy nhìn nhận xem đó có phải là trách nhiệm của mình?