pnvnonline@phunuvietnam.vn
Con của Ronaldo bị bạo hành nhưng không đánh trả, bài học cha mẹ nên dạy con
Thời gian gần đây cộng đồng mạng xôn xao trước thông tin các con của Ronaldo đang bị bạo hành ở trường. Theo thông tin trên trang Archyde, Georgina Rodriguez - bạn gái Ronaldo đã tiết lộ rằng các con thường xuyên bị bạo hành ở trường học, chúng còn khóc khi về nhà nhưng tuyệt đối không đánh trả.
Georgina Rodriguez cũng nói thêm: “Tôi luôn dạy các con không dùng bạo lực để trị bạo lực, vì thế chúng không xô xát với bạn bè sau khi bị đánh. Hãy dạy con bạn nói không với bạo lực trong mọi trường hợp”.
Sau khi tin tức được lan truyền, số đông người dùng mạng bày tỏ sự ngưỡng mộ cách dạy con của bạn gái Ronaldo. Bà mẹ 9x này vừa dạy con tránh xa bạo lực, vừa muốn chúng có những thói quen tích cực như không lãng phí đồ ăn.
Ronaldo dù là 1 ông bố bận rộn nhưng vẫn luôn dành thời gian ở bên cạnh chăm sóc, quan tâm con cái. “Chân sút” Bồ Đào Nha hạn chế cho con ăn đồ ăn nhanh, uống nước ngọt và không để con tiếp xúc với điện thoại từ sớm. Khi nhóc tỳ đầu lòng ngỏ ý muốn dùng điện thoại ở tuổi 12, Ronaldo vẫn không đáp ứng vì lo con sẽ bị ám ảnh công nghệ.
Trên thực tế, không phải ông bố bà mẹ nào cũng có cách dạy con phù hợp để trẻ có được nhận thức đúng đắn về cuộc sống. Đặc biệt, khi con bị bạn bè bạo hành càng ít phụ huynh có thể bình tĩnh và xử lý vấn đề 1 cách thông minh. Thậm chí có trẻ còn sẵn sàng gây gổ, đánh trả bạn sau khi bị đánh.
Dưới đây là những lưu ý bố mẹ nên ghi nhớ nếu như không muốn con mình tồi tệ hơn khi bị bắt nạt.
1. Cho con hiểu rõ về bạo lực học đường
Đầu tiên, nếu muốn trẻ có cách cư xử đúng mực hãy cho chúng hiểu rõ về bạo lực học đường. Bố mẹ cần cảnh báo cho con biết bạo lực học đường có thể xuất hiện bất cứ lúc nào để có thể né tránh, tự bảo vệ mình.
2. Dạy con tự vệ
Một trong những kỹ năng quan trọng bạn nên trang bị cho con từ khi còn nhỏ chính là khả năng tự vệ. Có thể cho con học võ từ nhỏ là 1 trong những cách tốt nhất để con bảo vệ chính mình nếu bạo lực xảy ra.
Tuy nhiên bạn cần cho con hiểu rõ học võ là để tự vệ chứ không phải để bắt nạt kẻ khác. Tự vệ cũng không có nghĩa là sẽ đánh trả lại bạn nếu như bạn có lỡ bắt nạt mình. Các bậc phụ huynh cần theo sát giáo dục con cái không để chúng có nhận thức, hành vi sai lệch. Cha mẹ thông minh ắt hẳn sẽ dạy con cư xử, hành động có chừng mực để không tự rước họa vào thân.
3. Khuyến khích con chia sẻ
Dù con ở độ tuổi nào các cha mẹ cũng nên cố gắng làm bạn với con. Khi con tâm sự, chia sẻ những vấn đề chúng đang gặp phải bạn sẽ dễ đồng hành và giải quyết cùng con hơn.
Để trẻ nói ra suy nghĩ của mình ngay cả khi con bị bắt nạt tại trường là điều cần thiết để bảo vệ con. Đừng để chúng sợ hãi, bị đe dọa mà tự chịu đựng từng ngày, không tiết lộ với bố mẹ.
4. Gia đình là tấm gương tốt nhất
Khi 1 đứa trẻ phải chứng kiến bạo lực trong chính gia đình mình, chúng sẽ dễ bị ảnh hưởng tâm lý và nhận thức. Trẻ sẽ lớn lên với suy nghĩ dùng nắm đấm có thể giải quyết mọi vấn đề và điều này dẫn tới hậu quả khó lường. Vì vậy cha mẹ cần nói không với bạo lực gia đình để không ảnh hưởng tới con trẻ. Gia đình hãy trở thành tấm gương sáng cho con trẻ học hỏi theo.