Con gái cố nhạc sĩ Hoàng Vân mong âm nhạc của cha mình là di sản sống động

Minh Minh (thực hiện)
24/07/2025 - 17:28
Con gái cố nhạc sĩ Hoàng Vân mong âm nhạc của cha mình là di sản sống động

Nhạc sĩ Hoàng Vân (1930-2018)

“Tôi mong khán giả, đặc biệt là thế hệ trẻ, cảm nhận được rằng âm nhạc của Hoàng Vân và các nhạc sĩ cùng thời với ông không chỉ là sản phẩm của một thời kỳ lịch sử, mà là di sản sống động, vẫn còn nguyên giá trị hôm nay”, TS Lê Y Linh, con gái nhạc sĩ Hoàng Vân, chia sẻ.

Trong 2 đêm 24 và 25/7/2025, tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội) sẽ diễn ra chương trình hòa nhạc "Cho muôn đời sau" tôn vinh âm nhạc của cố nhạc sĩ Hoàng Vân. Lễ đón Bằng Di sản tư liệu thế giới của UNESCO dành cho bộ sưu tập của nhạc sĩ cũng sẽ được tổ chức trong khuôn khổ chương trình vào tối 24/7, đúng vào sinh nhật lần thứ 95 của ông.

TS Lê Y Linh, đồng tác giả kịch bản âm nhạc của chương trình (cùng với em trai là nhạc trưởng Lê Phi Phi), chia sẻ hòa nhạc và di sản âm nhạc mà cha mình lại.

Tái hiện những dấu ấn riêng của nhạc sĩ Hoàng Vân

+ Cảm xúc của chị ra sao khi nhận lời viết kịch bản âm nhạc cho chương trình tôn vinh các tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Vân - vừa là nhà sáng tác lớn của âm nhạc Việt Nam đương đại, vừa là cha mình?

Khi nhận lời từ đơn vị tổ chức là Nhà hát Hồ Gươm, tôi thấy vừa vinh dự và vừa lo lắng. Âm nhạc của cha tôi có chiều sâu tư tưởng, gắn bó với tâm thức dân tộc, lại đóng vai trò then chốt trong nhiều giai đoạn phát triển của âm nhạc Việt Nam. Viết kịch bản không chỉ là xếp tác phẩm theo thứ tự biểu diễn, đó là kể một câu chuyện âm nhạc song hành cùng lịch sử đất nước, từ những năm chiến tranh gian khó đến thời kỳ đổi mới. Được trở lại với kho tác phẩm đồ sộ của ông để chọn, sắp xếp và kết nối thành một dòng chảy xuyên suốt, tôi xúc động vô cùng nhưng cũng rất nhiều trăn trở.

TS Lê Y Linh

TS Lê Y Linh

+ Vì sao chương trình được đặt tên là "Cho muôn đời sau"?

Tên chương trình lấy cảm hứng từ câu hát Cho ngày nay, cho ngày mai, cho muôn đời sau trong tổ khúc "Bài ca xây dựng" mà cha tôi viết năm 1973. Với chúng tôi, câu hát ấy không chỉ là chất liệu ngôn ngữ mà còn phản chiếu tầm vóc, sức sống lâu bền của âm nhạc Hoàng Vân, từ ký ức quá khứ đến hôm nay và hướng về tương lai.

+ Đâu là điểm nhấn nào làm bật lên "tinh thần Hoàng Vân" trong hòa nhạc, thưa chị?

Chúng tôi chú trọng làm nổi bật chất Việt qua lời ca, âm hưởng dân ca, nhạc khí truyền thống, nhưng quan trọng nhất vẫn là cảm xúc con người. Ngay giữa đề tài chiến tranh cũng luôn có chỗ cho nước mắt và nụ cười.

Kịch bản thiết kế theo dạng liên hoàn: Chất sử thi đan xen các "câu chuyện nhỏ" trong từng tác phẩm. Nhiều tiết mục khai thác sự giao thoa giữa chất liệu dân gian và nghệ thuật giao hưởng hàn lâm vốn là dấu ấn rất riêng của Hoàng Vân. Chất liệu văn hóa Việt trong âm nhạc Hoàng Vân luôn hiện hữu từ thơ ca đến âm hưởng dân ca vùng miền như hò, lượn, chất liệu Tây Nguyên…

Chúng tôi cũng tạo các "đối thoại" giữa những mảng đối lập: Tâm tình người thủy thủ trữ tình - lãng mạn đặt cạnh Việt Nam muôn năm hào khí; từ tình mẫu tử trong Hát ru trong đêm pháo hoa dẫn vào Bài ca xây dựng tràn lạc quan viết sau Hiệp định Paris - cột mốc chuyển mình từ chiến tranh sang kiến thiết đất nước hơn nửa thế kỷ trước.

Bộ sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân đã chính thức được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới vào ngày 10/4/2025. Đây là lần đầu tiên một bộ sưu tập âm nhạc của Việt Nam được ghi danh vào Danh mục Ký ức Thế giới của UNESCO. Bộ sưu tập này bao gồm hơn 700 tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Vân, sáng tác từ năm 1951 đến 2010, phản ánh những giai đoạn lịch sử và đời sống tinh thần của Việt Nam qua các thời kỳ.

+ Trong quá trình biên tập, khó khăn lớn nhất của chị là gì?

Khó nhất là chọn lọc trong một kho tác phẩm quá đồ sộ. Nhiều ca khúc gắn với ký ức cả một thế hệ, nhiều tác phẩm giao hưởng, hợp xướng có chiều sâu tư tưởng và cấu trúc phức tạp. Có cả những bản phối, phiên bản hiếm khi được công bố rộng rãi. Chúng tôi phải cân nhắc giữa tính đại diện và khả năng chạm tới cảm xúc khán giả hôm nay để tạo ra dòng chảy mạch lạc, phản chiếu sự chuyển mình của đất nước qua âm nhạc Hoàng Vân.

Một thách thức khác là giữ tinh thần nguyên bản mà vẫn làm mới cách thể hiện cho phù hợp không gian sân khấu hiện đại và gu thưởng thức đa dạng. Bên cạnh đó là quá trình trao đổi với ê-kíp, các cố vấn nghệ thuật - đặc biệt là nhạc trưởng Lê Phi Phi, em tôi - để thống nhất giải pháp nghệ thuật và kỹ thuật tối ưu cho sân khấu Nhà hát Hồ Gươm, vốn đòi hỏi tiêu chuẩn chuyên nghiệp cao.

Viết về đất nước, tình yêu, con người… bằng cả trái tim

+ Với chị, tác phẩm nào đặc biệt nhất trong sự nghiệp âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Vân?

Rất khó chọn, nhưng nếu buộc phải chọn, tôi xin nhắc đến Hát ru trong đêm pháo hoa được cha tôi sáng tác năm 1975. Khi giai đoạn tráng ca - hùng ca đi qua và đất nước thống nhất, cha tôi viết một chùm hát ru như lời tri ân những người mẹ đã hy sinh trong chiến tranh. Hòa bình về rồi, người mẹ có thể hát ru con dưới bầu trời pháo hoa, không còn lo ngày mai các con phải ra trận.

Nhạc sĩ Hoàng Vân chỉ huy dàn nhạc đài đầu những năm 1960

Nhạc sĩ Hoàng Vân chỉ huy dàn nhạc đài đầu những năm 1960

+ Trên phương diện nghiên cứu, chị nhìn nhận di sản âm nhạc Hoàng Vân trong dòng chảy âm nhạc Việt Nam hiện đại ra sao? Nét đặc biệt nhất là gì?

Nhạc sĩ Hoàng Vân, cùng thế hệ đồng môn, là lớp tác giả góp phần quan trọng vào quá trình hàn lâm hóa âm nhạc Việt Nam, đưa yếu tố dân tộc vào cấu trúc âm nhạc bác học, kết nối truyền thống với hiện đại, nghệ thuật với đời sống. Một điểm tôi luôn trân trọng là khả năng vận dụng ngôn ngữ hàn lâm mà vẫn giữ cảm xúc gần gũi với cộng đồng. Chẳng hạn câu đầy xúc cảm trong bản tráng ca Chào anh giải phóng quân, chào mùa xuân đại thắng (sáng tác mùa xuân 1968) rất đời, rất người: "Trong khóe mắt tuổi xanh, bao nụ cười rơi lệ"Chất liệu dân ca và âm nhạc truyền thống trong tác phẩm của ông không phải sao chép hình thức mà là tái tạo, tái sinh, và một số ví dụ tiêu biểu sẽ vang lên trong chương trình.

+ Chị kỳ vọng công chúng, nhất là thế hệ trẻ, sẽ đón nhận âm nhạc Hoàng Vân như thế nào?

Tôi mong khán giả, đặc biệt là thế hệ trẻ, cảm nhận được rằng âm nhạc của Hoàng Vân và các nhạc sĩ cùng thời với ông không chỉ là sản phẩm của một thời kỳ lịch sử, mà là di sản sống động, vẫn còn nguyên giá trị hôm nay. Ông viết về con người, đất nước, tình yêu, nghề nghiệp… bằng tất cả trái tim. Mỗi ca khúc là một chương ký ức tập thể, một lát cắt tinh tế của lịch sử. Ngoài những ký ức về thời kỳ chiến tranh và khó khăn, tôi muốn khán thính giả lưu lại vẻ đẹp của âm nhạc, khát vọng, nhân văn. Mong thế hệ mới tiếp cận di sản với con mắt cởi mở và trân trọng, hiểu biết và yêu thích hơn một giai đoạn là nền tảng của âm nhạc Việt Nam đương đại.

Tôi cũng rất mong công chúng sẽ đánh giá cao, và từ đó sẽ có nhiều dịp hơn để có dịp có các chương trình âm nhạc hàn lâm của các tác giả Việt Nam khác cùng thời với cha chúng tôi.

+ Xin cảm ơn chị!

Nhạc sĩ Hoàng Vân tên thật là Lê Văn Ngọ, sinh năm 1930, mất năm 2018. Các bài hát tiêu biểu của ông gồm: Bài ca xây dựng, Hò kéo pháo, Người chiến sĩ ấy, Tôi là người thợ lò, Quảng Bình quê ta ơi, Nối trống lên rừng núi ơi, Hát về cây lúa hôm nay… Ông cũng là tác giả của giao hưởng Thành đồng Tổ quốc, nhạc kịch Chị Sứ, nhiều tác phẩm viết cho hợp xướng, đại hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng; hàng chục tác phẩm cho nhạc thính phòng, nhạc phim, nhạc kịch, kịch… Ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2000

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm