Con gái dậy thì đừng lo lắng khi kỳ kinh kéo dài tận 8 ngày

06/05/2018 - 19:26
Bước vào tuổi dậy thì, con gái mẹ bắt đầu có kinh nguyệt. Đặc biệt, mỗi khi đến kỳ kinh nguyệt, con lại âu sầu, buồn bã vì chu kì “đèn đỏ” quá lâu, những 8 ngày.
Ban đầu, mẹ cho rằng dần dần mọi thứ sẽ ổn. Tuy nhiên, nửa năm nay, tình trạng vẫn tiếp diễn khiến con mệt mỏi, căng thẳng. Vào những ngày có kinh, con thay tới 5-6 chiếc băng vệ sinh/ngày, luôn ở tình trạng đã đầy băng. Bà ngoại con nói cháu gái giống bà, rằng dậy thì một hai năm sẽ ổn định.
 
Thế rồi, cô gái của mẹ vẫn chẳng thể vui tươi được. Con bắt đầu lo lắng và tìm hiểu nhiều thông tin từ khắp nơi. Con sợ hãi hỏi: “Hay là con bị bệnh hả mẹ, các bạn con không ai bị như con cả”. Mẹ vẫn an ủi con là không sao đâu, tùy cơ địa mỗi người nhưng trong lòng mẹ cũng rất lo lắng.
 
10a.jpg
Ảnh minh họa

 

Cô Loan, bạn của mẹ là bác sĩ sản khoa nói, lượng máu kinh mất đi mỗi chu kỳ kinh nguyệt khoảng từ 80-120ml. Trong khoảng thời gian này, thông thường bạn gái sẽ xuất hiện triệu chứng đau bụng dưới, đau lưng, cơ thể mệt mỏi.
 
Tuy nhiên sau khoảng từ 3-5 ngày, lượng máu kinh sẽ giảm dần và chấm dứt, rồi hoàn toàn không gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Trong giai đoạn dậy thì, cơ thể bạn gái sẽ có vòng chu kỳ không đều, số ngày trong chu kỳ thất thường, đôi khi mất, chậm kinh nhưng mọi thứ sẽ dần ổn định.
 
Tuy nhiên, kinh nguyệt ra nhiều vượt quá 150ml hoặc thời gian chu kỳ kinh nguyệt kéo dài quá 7 ngày, có thể là dấu hiệu bị u xơ tử cung - một dạng khối u lành tính, khiến kỳ kinh nguyệt dễ thay đổi, ra nhiều và có nhiều cục máu đông.
 
“Đèn đỏ” kéo dài còn có thể do nội tiết tố thay đổi, dẫn đến sự phát triển của lớp niêm mạc tử cung quá dày, khiến kinh nguyệt ra nhiều, có thể kèm cục máu đông. Còn có một nguyên nhân nữa là do mất cân bằng dinh dưỡng, lối sống không lành mạnh.
 
Nếu kéo dài tình trạng trên, có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như thiếu máu, thường xuyên có cảm giác mệt mỏi, lo lắng, buồn, thở dốc. Lượng máu kinh ra nhiều nếu như không được vệ sinh sạch sẽ, dễ dẫn đến viêm nhiễm, thậm chí dẫn đến vô sinh, hiếm muộn nếu không được điều trị kịp thời.
 
Theo gợi ý của cô Loan, mẹ sẽ giúp con thay đổi chế độ dinh dưỡng với các thực phẩm giàu sắt, bổ sung thêm vitamin C từ thực phẩm như cá, trứng, các loại rau và trái cây. Đồng thời, nhóm ngũ cốc nguyên hạt là nguồn cung cấp dồi dào chất xơ, protein và vitamin B - những dưỡng chất giúp cân bằng hormone và giảm các triệu chứng kinh nguyệt bất thường.
 
Bên cạnh đó, mẹ cũng sẽ lên kế hoạch để con đi ngủ sớm, cùng con sắp xếp lại thời gian biểu, giúp con tham gia một số hoạt động thể thao.
 
Sau 2-3 tháng mà chu kỳ của con vẫn bất thường thì mẹ sẽ đưa con đến gặp bác sĩ nhé! Con đừng lo lắng quá, có mẹ đây rồi!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm