pnvnonline@phunuvietnam.vn
Con gái hỏi về lựa chọn tương lai, người cha trả lời một câu đã khiến cuộc đời con thay đổi hoàn toàn
Bà Dương Giáng khi về già.
Khi con cái đứng trước ngưỡng cửa vào đời, phụ huynh cũng có lắm nỗi băn khoăn, lo lắng. Thực tế không ít trường hợp học sinh chọn ngành theo sở thích, nhưng cha mẹ muốn con chọn nghề… theo ý mình cho có tương lai.
Bà Dương Giáng, một dịch giả, nhà văn nổi tiếng Trung Quốc thời đi học cũng phải đối mặt với vấn đề chọn ngành học, cuối cùng theo chuyên ngành tưởng chừng như "vô dụng".
Lúc đó, Dương Giáng đang học tại một trường đại học (ĐH). Sau khi vào học một năm, trường bắt đầu phân chia chuyên ngành. Bản thân bà không thiên về các môn học nào cụ thể, và giáo viên nghĩ rằng Dương Giáng có thể học khoa học.
Dương Giáng bối rối nên đã hỏi cha mình - một học giả nổi tiếng. Cha của bà nói: "Không có đúng sai, con có thể học thứ con thích nhất". Dương Giáng lại hỏi: "Chỉ sở thích của con thôi sao? Như con thích văn học nên học Văn? Thích đọc tiểu thuyết nên học viết tiểu thuyết?".
Người cha trả lời: "Điều mình thích là sự lựa chọn gần với bản tính của mình nhất, cũng là phù hợp nhất". Chính sự tin tưởng này đã cho phép Dương Giáng đưa ra lựa chọn của riêng mình mà không sợ hãi. Sau đó, Dương Giáng đã không màng đến lời khuyên của giáo viên mà chọn học chuyên ngành Khoa học chính trị, nhưng dành phần lớn thời gian trong thư viện để đọc tác phẩm văn học yêu thích.
Sau này, Dương Giáng cũng đạt được nhiều thành tựu lớn trên con đường văn học. Bà tinh thông các thứ tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, là người đã phiên dịch tác phẩm "Don Quixote de, nhà quý tộc tài ba xứ Mancha" và được độc giả Trung Quốc đánh giá là tác phẩm văn học dịch xuất sắc.
Có thể nói, bí quyết để sống một cuộc đời tốt đẹp, điều quan trọng nhất là khám phá ra những gì bạn thực sự yêu thích và gắn bó với nó, chứ không phải chỉ theo tiêu chuẩn của người khác. Đó là điều mà nữ nhà văn này học được từ cha mình. Không chỉ về chuyện chọn ngành mà quan điểm giáo dục của gia đình cũng ảnh hưởng rất lớn tới nữ nhà văn này, cả cách bà sống và làm mẹ.
Thành công nhờ sự tin tưởng và kiên nhẫn của cha
Bà Dương Giáng từng nói: "Bản thân tôi chịu ảnh hưởng từ bố mẹ, nhất là sự ham học". Mẹ của bà không đi học nhiều, nhưng dần dần bị cha của Dương Giáng "lây nhiễm", khi rảnh rỗi, bà luôn vô cùng thích thú đọc các tác phẩm văn học cổ điển và tiểu thuyết hiện đại.
Dưới sự dạy dỗ của cha và ảnh hưởng của mẹ, Dương Giáng đã noi gương và nhờ cha thu thập sách để đọc. Đây chính là cơ sở để sau này bà có kiến thức sâu rộng và vô cùng thành công.
Khi hầu hết các bậc cha mẹ thời đó hầu hết đều tin rằng "thương cho roi cho vọt", cha của Dương Giáng đã từ bỏ tập tục cổ hủ này và áp dụng quan niệm nuôi dạy con cái thoải mái và tự do hơn. Mặc dù khi còn nhỏ thành tích học tập của Dương Giáng không nổi bật nhưng cha chưa bao giờ trách móc con giá.
Một lần, người cha gọi con gái để giúp sao chép các tài liệu pháp lý. Dương Giáng lúc đầu không thành thạo, luôn mắc một số lỗi chính tả, bôi lem, cả bài nhìn lộn xộn. Dương Giáng nhìn vào bản thảo đã viết và rất sợ hãi, cô đưa nó cho cha mình, nghĩ rằng sẽ bị ăn đòn. Sau khi đưa, cô chạy ra ngoài mà không quay đầu lại, trốn sau cánh cửa để quan sát biểu hiện của cha mình.
Quả nhiên, người cha rất tức giận, cả khuôn mặt đỏ bừng, lông mày nhíu chặt, tay run run. Đột nhiên Dương Giáng nghe thấy "Lại đây" và miễn cưỡng đi đến trước mặt cha mình, chờ bị mắng.
Tuy nhiên, người cha không đánh đập mà chỉ cảnh cáo rằng khi làm việc gì cũng cần ghi chép cẩn thận. Rồi ông cặm cụi ngồi làm, để con gái đứng bên cạnh quan sát.
Sự kiên nhẫn và tin tưởng của người cha khiến Dương Giáng cảm thấy an toàn. Kết quả là, bà đã tạo ra cho mình một tích cách bình tĩnh, ổn định và lạc quan trong tương lai.
Bà Dương Giáng nhận định: "Cha mẹ là giáo viên đầu tiên của trẻ, và gia đình là lớp học thứ hai của trẻ. Với tư cách là "những người thầy tốt nhất", giới luật và hành động của cha mẹ ảnh hưởng một cách tinh vi đến sự trưởng thành của con cái. Nuôi dưỡng hành vi đúng đắn, thói quen tốt, hứng thú đọc sách và hạnh phúc lâu dài cho trẻ là 'sự nghiệp quan trọng nhất trong đời' của cha mẹ".