Con hay cáu gắt la hét, mẹ không vội trách mà tự kiểm điểm

Minh Nhật
16/01/2023 - 20:09
Con hay cáu gắt la hét, mẹ không vội trách mà tự kiểm điểm
Theo chị Thủy, nguyên nhân khiến trẻ hay cáu gắt la hét một phần là do cha mẹ. Vì vậy, trước khi muốn dạy con, cha mẹ cần kiểm điểm chính mình.

Theo các nhà tâm lý học, có đến 87% trẻ trong giai đoạn 1-2 tuổi có những biểu hiện cáu gắt, khó chịu. Tỉ lệ này tăng lên đến 91% khi trẻ ở giai đoạn 2,5 - 3 tuổi, và giảm dần xuống khi con ở giai đoạn từ 3,5 đến 5 tuổi. Khi con hay cáu gắt, tức giận thường kèm theo những hành động như gào khóc, gồng cứng tay chân, ưỡn cong người, đá lung tung, ném đồ, lăn xuống nền đất ăn vạ... Có nhiều trường hợp trẻ khóc đến tím tái cả mặt.

Khi con cáu gắt, hầu hết cha mẹ đều trách mắng trẻ đầu tiên. Nhưng chị Thủy (30 tuổi, TP HCM) lại có phương châm rất khác. Mẹ trẻ cho rằng trước khi trách mắng con, bản thân cha mẹ phải kiểm điểm lại mình.

Con hay cáu gắt la hét, mẹ không vội trách bé mà tự kiểm điểm chính mình - Ảnh 1.

Chị Thủy và con trai của mình

Mẹ trẻ cho hay: "Thật ra việc con cáu gắt nóng giận có rất là nhiều nguyên nhân và tùy thuộc vào độ tuổi của con. Với những em bé nhỏ con có thể khóc lóc, la hét chỉ đơn giản vì con đói, con mệt, con cần hoặc muốn làm điều gì đó nhưng chưa đủ khả năng ngôn ngữ để diễn tả cho ba mẹ hiểu. Ở giai đoạn lớn hơn một chút bé dễ cáu gắt, giận dữ khi bước vào giai đoạn khủng hoảng lên 2, lên 3 - độ tuổi thay đổi tâm lý, mong muốn thể hiện bản thân, muốn tự lập/tự chủ trong mọi việc nhưng lại chưa thể kiểm soát cảm xúc của mình.

Hơn nữa, tính cách của con trẻ được tạo thành từ môi trường sống xung quanh. Đứa trẻ sẽ là tấm gương phản chiếu tính cách của chính bố mẹ. Nếu một đứa trẻ được sống trong tình yêu thương của bố mẹ, được lắng nghe - thấu hiểu thì lớn lên con cũng sẽ trở thành một người bình tĩnh, nhẹ nhàng, tình cảm. Ngược lại, nếu sống trong một gia đình suốt ngày cãi vã thì hiển nhiên bé cũng sẽ trở thành một con người hung hăng, hay cáu gắt, sống khép kín... ".

Cha mẹ cần làm gì khi con hay cáu gắt la hét, ném đồ...

Theo chị Thủy, thông thường khi thấy con nóng giận la hét các ông bố bà mẹ thường chia làm hai phe. Một bên là quát nạt lại con, bắt con im lặng. Một bên là cố nịnh nọt bằng cách đáp ứng nhu cầu của con hoặc dùng bánh kẹo, đồ chơi ra dụ dỗ con.

Mẹ trẻ cho rằng, cả hai cách trên đều không mang lại hiệu quả khi dạy con cáu gắt, nóng giận. Nếu phụ huynh cứ thấy con la hét lại bắt con "nín ngay" - thì vô hình chung lại đang bắt con kiềm chế cảm xúc. Lâu dần con sẽ hiểu rằng bố mẹ không quan tâm đến cảm xúc của con. Và dần dần con không còn muốn nói ra cảm xúc/suy nghĩ của mình nữa. Con sẽ dễ trở thành một người sống khép kín, xa cách cha mẹ, không biết cách bày tỏ cảm xúc, tình yêu thương với mọi người xung quanh. Con bị tổn thương về tinh thần, hình thành tâm lý phản kháng, chống đối...

Còn cách nịnh nọt dụ dỗ con để bé nín thì về lâu dài sẽ khiến con ỷ lại, hay ăn vạ, đòi hỏi.

"Theo mình, khi trẻ đang ở giai đoạn khủng hoảng lên 2, lên 3 tuổi, việc la hét cáu giận là do con chưa tự làm chủ được cảm xúc. Vì thế trẻ cáu giận, ném đồ... cũng dễ hiểu. Tuy nhiên cách chúng ta - những bậc cha mẹ, ứng xử như thế nào lại rất quan trọng. Mình chọn cách cho con được thể hiện cảm xúc (la hét, quăng ném...) sau đó đợi con bình tĩnh thì mới giải thích cho con hiểu việc con làm vừa rồi là chưa đúng, dạy con gọi tên, thể hiện và diễn đạt cảm xúc... Mình thấy việc dành nhiều thời gian cùng con đọc sách, chơi và trò chuyện cũng là một cách rất hiệu quả để con cảm thấy được bố mẹ tôn trọng, lắng nghe, được thấu hiểu - góp phần rất lớn trong việc giúp con giữ bình tĩnh và hạn chế sự la hét, nóng giận của con" - chị Thủy cho hay.

Ngoài ra, mẹ trẻ cũng cho rằng, cha mẹ không nên cãi vã to tiếng, xích mích với nhau trước mặt con. Vợ chồng chị từng mắc sai lầm khi để con chứng kiến nhiều lần bố mẹ bất hòa. Nhưng trong một lần con của chị hét lên: "Ba mẹ stop lại, không được la hét!". Lúc bấy giờ hai người mới hiểu được mình đã sai rồi và tự hứa sẽ không lặp lại sai lầm đó nữa. Dù có chuyện gì đi chăng nữa thì cũng cố gắng giữ bình tĩnh và nói chuyện nhẹ nhàng với nhau.

Mẹ đảm bộc bạch: "Đứa trẻ nào cũng nhạy cảm cả, nhất là trong độ tuổi 1 đến 5 tuổi là khoảng thời gian trẻ đang hình thành tính cánh và quan sát rất tỉ mỉ nên đây cũng gọi là khoảng thời gian ba mẹ nên chú ý hơn từng hành động, lời nói của mình vì nó rất dễ ảnh hưởng đến con".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm