Con hụt trường tốt vì “tiền án” từ tiểu học

15/06/2017 - 14:34
Bộ GD&ĐT chủ trương không gây áp lực cho học sinh (HS) tiểu học nhưng thực tế, nhiều HS và gia đình chưa từng được “giảm tải” học tập. Nguyên nhân là do cách tuyển sinh của một số trường THCS vẫn dựa trên thành tích HS từ bậc tiểu học.
 Một số học sinh tiểu học hụt cơ hội vào trường tốt vì từng là học sinh... tiên tiến. Ảnh minh họa

Loại từ "vòng… gửi xe"

Không ít chuyện dở khóc dở cười đã xảy ra từ thực tế này. Những ngày gần đây, nhiều phụ huynh (PH) HS ở Hà Nội đổ dồn sự chú ý về trường THCS Thanh Xuân (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) tuyển sinh năm đầu tiên.

Trong thông báo dán công khai, trường THCS Thanh Xuân khẳng định: Tuyển HS từ lớp 6 đến lớp 9 (tổng số 245 HS) theo hai hình thức xét tuyển thẳng và xét tuyển.

Trong đó, đợt 1 trường xét tuyển thẳng lớp 6 với các tiêu chí: Lớp 1, 2 học lực giỏi, hạnh kiểm khá; lớp 3, 4, 5 điểm kiểm tra định kỳ cuối năm môn Toán, Tiếng Việt đạt từ 9 điểm trở lên… và đạt giải quốc tế, quốc gia, thành phố; đợt 2 trường xét tuyển HS với các tiêu chí: Đối tượng xét tuyển (đợt 1) HS “không có giải” nhưng vẫn phải đảm bảo các tiêu chí khác. Lớp 7, 8, 9 phải đảm bảo các tiêu chí kết quả xết loại học lực, hạnh kiểm ở các cáp THCS của các năm học trước đều phải đạt học lực Giỏi, hạnh kiểm Tốt.

Do đây là ngôi trường vừa được hoàn tất việc xây dựng với cơ sở vật chất khang trang, được cho là sẽ được Quận tập trung giáo viên giỏi để thực hiện mô hình chất lượng cao, trong khi học phí vẫn thu kiểu “công lập” nên nhiều PHHS khát khao được gửi con vào trường.

Con trai và con dâu bận đi làm, bác Trần Thị Bích, nhà ở đường Nguyễn Trãi (Q.Thanh Xuân, Hà Nội), xếp hàng từ sớm mới đến lượt được nộp hồ sơ. Song, đến phút chót, bác Bích mới phát hiện cháu mình bị “dính” một điểm 8 thi học kỳ môn Toán năm lớp 3, cũng có nghĩa cháu không đủ điều kiện để nộp hồ sơ chứ đừng nói là trong diện chờ được xét tuyển. Bác Bích bùi ngùi tâm sự: “Cháu tôi trót học “kém” năm lớp 3, nhưng 2 năm sau đều cố gắng vươn lên, vậy mà vẫn không được ghi nhận”.

Nhiều PHHS còn truyền tai nhau có cháu A, cháu B, chỉ vì “bị” HS tiên tiến năm lớp 1 nên dù 4 năm sau đều giỏi mà còn… “bị loại từ vòng gửi xe”. Kết luận cuối cùng là: “Vẫn biết không ai nắm tay được từ tối đến sáng, nhưng, khi con đã đi học thì tuyệt đối không được phép sơ sẩy. Nếu không sau này cánh cửa trường "hot" sẽ vĩnh viễn đóng lại”.

Tuyển sinh bằng điểm ở THCS dẫn đến nguy cơ "chạy" để làm đẹp học bạ tiểu học. Ảnh minh họa.

Trượt vì “tiền án” từ tiểu học

Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam cũng chính thức công bố tuyển 200 chỉ tiêu vào lớp 6 năm học 2017-2018. Đối tượng tuyển sinh là HS có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội; đạt học lực giỏi từ lớp 1, 2; hoàn thành các môn học lớp 3, 4, 5 và được đánh giá là HS xuất sắc. Ngoài ra, các năm học từ lớp 1 đến lớp 5, tổng điểm bài kiểm tra định kỳ cuối năm 2 môn tiếng Việt và toán phải đạt từ 19 trở lên.

Căn cứ xét tuyển là kết quả học tập của từng năm học, điểm kiểm tra định kỳ cuối năm môn toán, tiếng Việt ở cả 5 năm tiểu học và điểm kiểm tra định kỳ cuối năm lớp 4, 5 môn khoa học, lịch sử, địa lý; điểm ưu tiên (dành cho diện chính sách); điểm khuyến khích dành cho HS được tặng bằng khen cấp TP, Bộ GD&ĐT, nhà nước và HS đạt thành tích cá nhân, đồng đội theo quy định của Sở GD-ĐT Hà Nội trong các cuộc thi, Olympic dành cho HS phổ thông.

Để giảm tải cho HS tiểu học, tránh cho các em phải chạy theo điểm số, cách đây nhiều năm, Bộ GD&ĐT đã thay đổi cách đánh giá, xếp loại HS tiểu học. Theo đó, Bộ bỏ xếp loại HS tiểu học theo các mức “Giỏi”, “Khá” và thay chấm điểm bằng nhận xét, dựa trên thế mạnh của HS.

Dù “Bộ GD&ĐT không đánh giá bằng điểm số nhưng các trường THCS vẫn nhìn vào điểm số để tuyển chọn HS. Như vậy, các gia đình vẫn phải bon chen, cho con đi học thêm, vào lò luyện để đi thi giành điểm giỏi trong kỳ kiểm tra cuối năm”, chị Hoàng Thị Loan, một PHHS ở Q.Đống Đa (Hà Nội), chia sẻ.

Vì thế, nhiều PHHS cho rằng, đằng nào áp lực dồn lên HS tiểu học cũng không giảm nên thà rằng Bộ GD&ĐT cứ để các trường có lượng cầu vượt cung được trở lại cách “thi tuyển” đầu vào như xưa.

“Như vậy, các gia đình sẽ cảm thấy công bằng. Cháu nào đỗ thì vui nhưng cháu trượt cũng không ấm ức. Xét tuyển như thế này, HS nào có “tiền án” ở bậc tiểu học sẽ không thể “làm lại cuộc đời được nữa”, bác Bích ví von và chia sẻ thêm: “Cháu tôi bị điểm 8 từ năm lớp 3 không có nghĩa cháu học kém hơn các bạn khác. Thậm chí, năm lớp 5 cháu học rất tốt nhưng cháu không được trao cơ hội để chứng minh”.

Nhiều PHHS còn cho rằng, nếu cứ giữ cách tuyển sinh “qua điểm” như thế này sẽ làm nảy sinh nguy cơ “chạy” để làm đẹp học bạ tiểu học.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm