pnvnonline@phunuvietnam.vn
Côn Sơn - Kiếp Bạc: Không gian văn hóa tâm linh hàng trăm năm lịch sử
Vào tối 11/9 vừa qua, tại đền Kiếp Bạc (TP Chí Linh, Hải Dương) đã diễn ra lễ Khai ấn và Ban ấn đền Kiếp Bạc.
Bộ ấn đền Kiếp Bạc là những bảo vật quốc gia, gắn với sinh hoạt văn hóa - tâm linh của nhân dân hơn 7 thế kỷ qua. Việc ban ấn là một trong những nghi lễ thiêng, quan trọng, góp phần làm phong phú và đa dạng các hoạt động văn hóa tại khu Di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc.
Đây cũng là hoạt động nằm trong chuỗi Lễ hội mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2022 diễn ra từ ngày 5/9 - 15/9, tức từ ngày 10/8 đến hết ngày 20/8 Âm lịch.
Hoạt động này càng có ý nghĩa hơn khi mới đây, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương cho biết đang thực hiện hồ sơ khoa học trình Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận Quần thể di tích di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản văn hóa thế giới.
Các chuyên gia của UNESCO đánh giá, khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đáp ứng rất tốt các tiêu chí của di sản thế giới, đề cao tính xác thực, tính toàn vẹn của di tích. Đây là điều kiện thuận lợi để khu di tích này có cơ sở cho hành trình trở thành một di sản thế giới, đáp ứng mong mỏi và niềm tự hào của người dân Việt Nam nói chung.
Hàng trăm năm lịch sử tạo nên không gian văn hóa đặc sắc
Côn Sơn - Kiếp Bạc nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Hải Dương, thuộc thị xã Chí Linh, cách thành phố Hải Dương 35km, cách Hà Nội 75km.
Côn Sơn - Kiếp Bạc hình thành khá sớm ở đất Chí Linh, vào thời Trần đã trở thành một địa danh nổi tiếng. Đặc biệt, với vị trí địa lý vừa có núi cao, sông sâu, đây là nơi nhiều cao nhân đại sĩ các thời đại quy ẩn. Trong đó phải kể đến Tam tổ Trúc Lâm; Thánh võ Hưng Đạo Vương dựng phủ đệ Vạn Kiếp dưỡng nhàn; Thánh văn Chu Văn An lấy Phượng Hoàng làm nơi dạy học; Nguyễn Trãi ẩn tàng ở Côn Sơn Tự...
Là nơi hội tụ nhiều "nhân kiệt" như vậy, trải qua những thăng trầm lịch sử, những di tích tôn giáo, đền miếu lần lượt được xây dựng để tưởng nhớ những nhân tài kiệt xuất của thời đại, từ đó hình thành nên tín ngưỡng dân tộc, bồi đắp cho nền văn hoá Việt Nam qua những năm tháng lịch sử và còn lại cho đến ngày nay. Trong kho tàng di sản văn hoá đó, Côn Sơn - Kiếp Bạc được coi là những trung tâm tín ngưỡng, tôn giáo lớn có giá trị đặc biệt quan trọng.
Đặc biệt trong quần thể di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, chùa Côn Sơn dưới thời Trần đã phát triển và trở thành một trung tâm Phật giáo lớn. Như Giáo sư Hà Văn Tấn từng nói: "Muốn nói đến một dòng thiền độc lập của Việt Nam, chúng ta chỉ có thể nói đến phái Thiền Trúc Lâm đời Trần mà thôi".
Nếu chùa Côn Sơn trở thành một trung tâm Phật giáo bất chấp mọi sự thăng trầm của lịch sử thì đền Kiếp Bạc lại là trung tâm tín ngưỡng của người Việt lúc bấy giờ.
Đền Kiếp Bạc được vua Trần Thánh Tông xây dựng để tưởng nhớ công đức lớn lao trừ được giặc dữ, ngăn được họa lớn cho đất nước của Hưng Đạo Vương. Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, đền được xây dựng ngay tại Phủ đệ của Ngài ở Vạn Kiếp.
Từ hàng trăm năm nay, thờ Đức Thánh Trần đã vượt lên trên tín ngưỡng thông thường, trở thành "Đạo nội" trong tâm thức người Việt, mà đền Kiếp Bạc là thần điện chính lại càng có ý nghĩa to lớn hơn.
Ngoài việc được mệnh danh là vùng đất địa linh nhân kiệt bậc nhất của đồng bằng Bắc bộ, địa thế của Côn Sơn - Kiếp Bạc cũng góp phần vào việc làm phong phú thêm cho không gian văn hoá này với hình sông thế núi trời ban, cảnh quan ngoạn mục với những danh lam thắng cảnh. Nơi đây đã trở thành một khu vực có vị trí chiến lược quan trọng ở vùng Đông Bắc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc suốt hàng trăm năm lịch sử, đặc biệt trong 3 cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông dưới thời Trần.
Cũng chính quá trình đấu tranh xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong hàng trăm năm ấy đã để lại cho vùng đất này mật độ di tích lớn, trong đó có nhiều di tích mang giá trị lịch sử - văn hóa lớn.
Theo Thế giới di sản, có thể hình dung ra diện mạo phân bố di tích ở Côn Sơn - Kiếp Bạc như sau: 3 di tích chính tạo thành một tam giác xương sống của sự phân bố các di tích trong khu vực là Chùa Côn Sơn - Đền Kiếp Bạc - Đền thờ Chu Văn An, Nguyễn Thị Duệ, xung quanh các di tích này là hệ thống các di tích vệ tinh tạo nên 3 cụm di tích trong khu vực: cụm di tích Côn Sơn, cụm di tích Kiếp Bạc, cụm di tích Phượng Hoàng.
Bên cạnh đó, gần khu di tích Côn Sơn có di tích đền Sinh, đền Hóa. Gắn với hệ thống di tích là các lễ hội truyền thống tạo nên sự lan tỏa trong không gian linh thiêng Côn Sơn - Kiếp Bạc.
Sự vẹn nguyên và giàu có về các giá trị văn hóa vật thể hội tụ cùng những giá trị văn hóa phi vật thể đặc sắc thể hiện ở các lễ hội gắn với di tích là lý do nơi đây có sức thu hút đặc biệt.
Trên con đường trở thành Di sản thế giới
Theo Di sản văn hoá, hàng năm, Côn Sơn - Kiếp Bạc có 2 kỳ lễ hội truyền thống mùa Xuân và mùa Thu. Lễ hội mùa Xuân là dịp tưởng niệm ngày viên tịch của thiền sư Huyền Quang (ngày 22 tháng giêng âm lịch). Lễ hội mùa Thu tưởng niệm ngày mất của Đức Thánh Trần Hưng Đạo Đại Vương (ngày 20 tháng 8 âm lịch) và ngày mất của anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi (ngày 16 tháng 8 âm lịch).
Đặc biệt, Lễ hội mùa Thu tưởng niệm ngày mất của Đức Thánh Trần Hưng Đạo Đại Vương vào tháng 8 âm lịch là một trong những lễ hội quan trọng nhất trong năm. Trong đó lễ diễn xướng hầu Thánh (lên đồng, hầu đồng) là nghi lễ đặc trưng nhằm tôn vinh công lao, uy đức của Đức Thánh Trần trong công cuộc đấu tranh, bảo vệ đất nước cũng như sự nghiệp xây dựng, phát triển đạo giáo Việt Nam (Đạo Nội). Trải qua hơn 700 năm, Đạo Nội đã quy tụ, thu hút hàng triệu tín đồ trong và ngoài nuớc.
Lễ hội mùa Xuân cũng đóng vai trò quan trọng không kém trong việc giữ gìn phát huy không gian văn hóa Côn Sơn - Kiếp Bạc khi trong 3 tháng xuân đầu năm, có hàng vạn thiện nam tín nữ và du khách thập phương hành hương chiêm bái. Lễ Phật tổ xong họ về đền Kiếp Bạc lễ Đức Thánh Trần, rồi đi Yên Tử, Quỳnh Lâm.
Đặc biệt, lễ Khai ấn và Ban ấn đền Kiếp Bạc hằng năm cũng đông đúc không kém lễ Khai ấn đền Trần (Nam Định). Hiện đền Kiếp Bạc còn lưu giữ 4 ấn tín bằng đồng của Đức Thánh gồm: Trần Triều Hưng Đạo Đại Vương chi ấn, Quốc pháp Đại Vương, Vạn Dược Linh Phù và Phi thiên thần kiếm linh phù.
Với những "tiềm năng" du lịch như vậy, mỗi năm khu di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc thu hút hàng chục vạn lượt du khách thập phương về tham quan, chiêm bái.
Để nâng tầm giá trị của di tích, hiện nay, tỉnh Hải Dương cùng hai tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang đang khẩn trương phối hợp xây dựng Hồ sơ khoa học “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc” để trình UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Đến tháng 8/2022, việc xây dựng Hồ sơ đã hoàn thành giai đoạn 1. Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mới đây đã thống nhất điều chỉnh lùi tiến độ xây dựng Hồ sơ 12 tháng so với kế hoạch đã được phê duyệt nhằm đảm bảo chất lượng hồ sơ.
Hy vọng rằng Quần thể di tích sẽ sớm được công nhận là di sản thế giới. Đây sẽ là danh hiệu xứng tầm với những giá trị văn hóa - lịch sử của Quần thể di tích nói chung và không gian văn hóa Côn Sơn - Kiếp Bạc nói riêng. Điều này cũng đáp ứng mong mỏi và niềm tự hào của của người dân Việt Nam nói chung và người dân tỉnh Hải Dương nói riêng.
---
Lịch sử đã để lại cho Côn Sơn - Kiếp Bạc một số lượng các di tích lịch sử, văn hóa đồ sộ: chùa Côn Sơn, đền thờ Nguyễn Trãi, giếng Ngọc, Đăng Minh Bảo Tháp, bàn cờ Tiên, đền Kiếp Bạc, Lục Đầu Giang, đền chùa Nam Tào - Bắc Đẩu; các di tích đền thờ và lăng mộ Chu Văn An, điện Lưu Quang, đền thờ và lăng mộ Nguyễn Thị Duệ… Đây chính là thế mạnh những cũng là thách thức đối với những người làm công tác bảo tồn để làm như thế nào quảng bá để giá trị của di tích được ngày càng được lan tỏa.