UNESCO đánh giá cao nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long

Cẩm Tú
08/09/2022 - 21:48
UNESCO đánh giá cao nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long

Hoàng thành Thăng Long.

Những nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long được UNESCO đánh giá cao trong Hội thảo khoa học quốc tế “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội”.

Sự ủng hộ toàn diện của UNESCO với di sản nghìn năm tuổi

Ngày 8/9/2022, Hội thảo khoa học quốc tế 20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội đã được khai mạc tại Hà Nội. Hội thảo do UBND TP Hà Nội phối hợp Văn phòng UNESCO Hà Nội và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện Công ước Di sản Thế giới (1972-2022) và 20 năm nghiên cứu, khai quật, phát lộ Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội (2002-2022).

Tại Hội thảo, ông Christian Manhart - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam đánh giá: Hoàng thành Thăng Long minh chứng cho hơn 10 thế kỷ giao lưu và ảnh hưởng văn hóa khắp châu Á. Ngày nay, các tầng văn hóa khảo cổ phản ánh những bước phát triển nối tiếp nhau của các triều đại đã trị vì. Hiếm có di sản nào trên thế giới thể hiện tính liên tục lâu dài như Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

"Vẫn còn nhiều lớp khảo cổ chưa được khám phá dưới lòng đất. Tôi muốn nhấn mạnh rằng nghiên cứu và bảo tồn di sản là một quá trình rất lâu dài đòi hỏi phải có kế hoạch và thực hiện một cách chiến lược. Đồng thời, các ưu tiên và lĩnh vực trọng tâm trong nghiên cứu cần được xác định rõ ràng", ông Christian Manhart nhấn mạnh.

Ông Christian Manhart - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam

Ông Christian Manhart - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam

Theo ông Christian Manhart: "Hoàng thành Thăng Long là khu di sản duy nhất ở Việt Nam có Hội đồng tư vấn khoa học cụ thể, các thành viên có mặt hôm nay đang đưa ra lời khuyên cho tất cả các quyết định về di sản".

Kết quả và khuyến nghị của Hội thảo sẽ là cơ sở khoa học để Hoàng thành Thăng Long xây dựng kế hoạch trùng tu lâu dài cho di sản kiến trúc. Điều quan trọng là phải xem xét các tài liệu hiện có và tư vấn các giải pháp khoa học về cách thức khai quật, bảo quản và trùng tu những gì còn lại của Điện Kính Thiên và Chính điện, đồng thời bảo tồn tòa nhà Cục tác chiến.

Hình mẫu sự phối hợp giữa các cơ quan nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản

Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Phạm Vinh Quang hoan nghênh những nỗ lực trong 20 năm qua của thành phố Hà Nội nói chung và Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội nói riêng trong công tác trùng tu, gìn giữ khu di sản. Đó là yếu tố quan trọng để Hoàng thành Thăng Long được xem như một hình mẫu về sự phối hợp giữa thành phố, ban quản lý với các chuyên gia, nhà khoa học trong công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Hội thảo mang tầm quốc tế bởi không chỉ thu hút được sự quan tâm của các chuyên gia học giả hàng đầu của Việt Nam mà còn của các chuyên gia hàng đầu quốc tế đến từ nhiều quốc gia và các tổ chức UNESCO, ICOMOS, ICOM… Hội thảo cũng là một sự kiện quan trọng trong chuỗi các sự kiện mà Việt Nam tổ chức cùng kỷ niệm 50 năm Công ước Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới".

Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Phạm Vinh Quang

Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Phạm Vinh Quang

Bên cạnh đó, công tác quản lý Di sản thế giới Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, theo ông Phạm Vinh Quang, cũng còn gặp một số khó khăn trong việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, nhất là việc bảo tồn và phát huy các di tích khảo cổ nằm sâu dưới lòng đất.

"Kết quả của Hội thảo sẽ là cơ sở để Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đưa ra các chính sách và biện pháp phù hợp, nhất là các giải pháp khảo cổ, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ để phát huy giá trị của di sản thế giới; mở rộng hợp tác quốc tế, tham khảo các bộ công cụ giám sát của UNESCO và các nước trên thế giới phù hợp với bối cảnh và điều kiện của Việt Nam", ông Phạm Vinh Quang khẳng định.

Góp thêm tiếng nói trong công tác bảo tồn di sản của Việt Nam và thế giới

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương nhận định: Trong số 3 "cố đô" của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới (Cố đô Hoa Lư, Cố đô Huế và Hoàng thành Thăng Long) thì Hoàng thành Thăng Long có nét độc đáo riêng, thể hiện sự nối tiếp, liên tục trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc Việt Nam. Đây được coi là trung tâm chính trị quan trọng bậc nhất trong hệ thống các kinh đô của Việt Nam - nơi hội tụ các giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc ta qua hàng ngàn năm lịch sử.

Trải qua hơn 20 năm nghiên cứu, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản, Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến nay, về cơ bản các khuyến nghị của UNESCO đã và đang tiếp tục được các cơ quan quản lý di sản của thành phố Hà Nội thực hiện đầy đủ, từ việc củng cố bộ máy tổ chức và tăng cường vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đến việc bổ sung nguồn nhân lực, đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý di sản; Xây dựng và ban hành các quy chế bảo vệ di sản; Xây dựng và thực thi các kế hoạch quản lý, Quy hoạch và đầu tư nguồn lực tài chính để triển khai các dự án bảo vệ, bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di sản, ngăn chặn các nguy cơ tác động, ảnh hưởng xấu tới di sản, tăng cường công tác nghiên cứu khoa học...

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác quản lý Di sản thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội vẫn còn đặt ra nhiều khó khăn, thách thức. Điều đó đòi hỏi các nhà quản lý, nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu và giải quyết từ nhiều góc độ khác nhau.

Hội thảo khoa học quốc tế 20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội sẽ tiếp tục diễn ra vào ngày 9/9/2022. Trong phiên thảo luận này, các chuyên gia sẽ tập trung vào phát huy giá trị di sản, thực tiễn kinh nghiệm, định hướng nghiên cứu, phục dựng một số công trình kiến trúc tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long, trong đó trọng tâm là Điện Kính Thiên và Chính điện Kính Thiên.

Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long - Đông Kinh và tỉnh thành Hà Nội bắt đầu từ thời kỳ tiền Thăng Long, qua thời Đinh - Tiền Lê, phát triển mạnh dưới thời Lý, Trần, Lê và thành Hà Nội dưới triều Nguyễn. Đây là công trình kiến trúc đồ sộ, được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành một trong những di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam.

Vào lúc 20h30 ngày 31/7/2010 theo giờ địa phương tại Brasil, tức 6h30 ngày 1/8/2010 theo giờ Việt Nam, Ủy ban Di sản thế giới thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã thông qua nghị quyết công nhận khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là Di sản văn hóa thế giới. Những giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản này được ghi nhận bởi 3 đặc điểm nổi bật: chiều dài lịch sử văn hóa suốt 13 thế kỷ; tính liên tục của di sản với tư cách là một trung tâm quyền lực, và các tầng di tích di vật đa dạng, phong phú, sinh động.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm