pnvnonline@phunuvietnam.vn
Con trai đột ngột qua đời, cha mẹ phát hiện thứ thuốc mà con đã uống nhầm
Khi Chris Didier mở cửa phòng, ông thấy con trai mình, Zach đang ngủ gục trên bàn. Đầu em tựa vào khuỷu tay trái.
Nhưng, hình như có gì đó bất ổn.
“Khi tôi đứng cách con chưa đến hai bước chân, một cảm giác khác lạ chạy dọc cơ thể, đó là một khoảng trống nặng nề đến mức không thể diễn tả nổi. Khi tôi nhận ra con mình đã chết, cả thế giới quanh tôi sụp đổ”, Chris nghẹn ngào kể lại.
Chris vội kéo con ra khỏi ghế, hô hấp nhân tạo và gọi 911 trong tức khắc.
Khi các nhân viên y tế đến nơi, nhân viên vội vàng cho biết đã quá muộn để cứu Zach. Chris từ chối chấp nhận sự thật, bằng tất cả nỗ lực của người cha, ông hét lên tuyệt vọng: “Không, đừng bỏ cuộc, hãy cứu con trai tôi”. Mọi người kéo anh ra khỏi cơ thể lạnh ngắt của Zach, Chris gục ngã vì cảm giác bất lực trước sự ra đi của con.
Mọi người bắt đầu kiểm tra phòng ngủ của Zach để thu thập manh mối điều tra. Mẹ của Zach, Laura Didier, đứng bên ngoài, loáng thoáng nghe ai đó nói rằng cái chết của con trai bà là do fentanyl.
Laura cũng xoay vòng trong những câu hỏi giống như chồng. “Đó là thuốc gì? Làm sao con tôi mua được? Tôi không hiểu bất kỳ điều gì mọi người đang nói”.
Truy dấu manh mối
Mới 2 ngày trước khi Zach qua đời, cậu đã vui vẻ đón Giáng sinh cùng gia đình. Zach chưa từng có tiền sử dùng chất kích thích hay ma túy. Ở trường, cậu là học sinh năng động, từ hướng đạo sinh, bóng đá đến các lớp nhạc kịch trong trường, Zach đều tham gia. Thật khó để kết luận một học sinh vui vẻ, hòa đồng và đạt được nhiều thành tích đáng tự hào này lại tìm đến chất kích thích.
Năm 2020, có gần 93.655 người Mỹ qua đời do dùng thuốc quá liều. Và cậu bé 17 tuổi trở thành một trong những người cuối cùng trong danh sách. Rất nhiều ca tử vong trong số đó do dùng thuốc kê đơn giả có chứa fentanyl, một loại opioid (thuốc giảm đau) tổng hợp rất mạnh. Chúng có thể tác động đến hệ hô hấp của con người và gây tử vong.
Năm 2021, ghi dấu kỷ lục khi số ca tử vong do dùng thuốc quá liều ở Mỹ được ghi nhận là 107.622 ca, nhiều gấp đôi so với 2015. Giới chức Mỹ cho hay tình trạng thuốc kê theo toa giả (chứa fentanyl) đang tăng lên, làm đẩy tỉ lệ tử vong do dùng thuốc quá liều lên mức kỷ lục. Các quan chức hiện đang thực hiện chiến dịch “One Pill Can Kill” (Một viên thuốc đổi một sinh mạng) nhằm cảnh báo về đường dây cung cấp ma túy bất hợp pháp.
Hiện các viên thuốc chứa fentanyl gây chết người được sản xuất theo dạng viên thuốc tròn, nhìn có vẻ giống thuốc theo toa, đôi khi còn được “phù phép” thành những viên thuốc sắc màu, với vẻ ngoài vô hại. Nhiều trường hợp, thuốc có thể dễ được mua trên mạng xã hội như Facebook hoặc Snapchat.
“Đây không phải là thuốc thật mà mọi người đang mua. Nhiều người không biết họ đang dùng fentanyl và phải bỏ mạng”, Anne Milgram, người đứng đầu Cơ quan phòng chống ma túy Hoa Kỳ DEA (Drug Enforcement Administration) cho biết.
Sau cái chết của Zach, cha mẹ họ hoang mang và cố gắng để lý giải cho sự ra đi đột ngột này. Sở cảnh sát địa phương đã rà soát ngôi nhà, ban đầu điều tra viên không coi đây là một vụ án hình sự. Không có chất kích thích trong phòng cậu. Trong cuộc sống hằng ngày, Zach cũng chưa bao giờ thể hiện mình quan tâm đến chất kích thích. Tuy nhiên, khi hỏi kỹ bạn của Zach, người ta phát hiện một số manh mối nhỏ nhưng có giá trị.
Một người bạn trong đội bóng nhớ lại, Zach từng nói về thuốc Percocet – một loại thuốc giảm đau theo toa có chứa oxycodone và acetaminophen và thường được kê đơn cho cơn đau vừa phải, chẳng hạn như sau khi phẫu thuật nha khoa.
Sau khi chuyển thông tin đó đến văn phòng công tố địa phương, một điều tra viên ma túy đã đến thăm gia đình. Điều tra viên chỉ mất chưa đầy 90 giây để tìm kẻ buôn thuốc trên điện thoại của Zach. Trang cá nhân của kẻ này có một video quay các chất kích thích, thuốc phiện. “Chúng ta đã có manh mối về kẻ đứng đằng sau, và tôi sẽ giữ điện thoại để điều tra kỹ hơn”, Chris tường thuật lại lời nói của điều tra viên.
Mạng xã hội hay cạm bẫy chết người
Theo điều tra, các giao dịch được dàn xếp trên Snapchat. Người buôn thuốc, Virgil Bordner, đã bán cho Zach hai, ba viên thuốc trông giống thuốc giảm đau Percocet. Viên thuốc đã giết chết cậu là viên thứ hai. Nhiều tuần sau, kết quả xét nghiệm độc tính đã xác nhận: Zach qua đời vì dùng quá liều fentanyl, không tìm thấy bất cứ thành phần thuốc Percocet nào trong cơ thể.
Cha cậu nhận định, dường như đang có nhiều người vô tình tiêu thụ fentanyl vì nghĩ rằng mình đang dùng một sản phẩm vô hại. Zach Didier đã đặt mua hai viên Percocet trên Snapchat, tin rằng đó là thuốc thật trong khi thực tế không phải vậy, đó là fentanyl và chất làm đầy (filler).
Milgram cho biết Snapchat và các trang mạng xã hội khác đã trở thành “xa lộ ma túy” bởi những nguy hiểm rình rập. “Chúng ta thấy điều này diễn ra rất thường xuyên. Người dùng mạng sẽ lập các nhóm chat để bàn về sở thích, về các buổi hòa nhạc hoặc các chủ đề khác, lúc này kẻ buôn sẽ trà trộn và cố làm thân với mọi người”.
Milgram cũng nói thêm rằng người quản lý các trang mạng xã hội có quyền truy cập vào dữ liệu cá nhân, nhưng vẫn chưa siết chặt các điều khoản để ngăn chặn đường dây buôn bán chất kích thích online. Đồng thời, những tay buôn trên Snapchat thường tận dụng tính năng xóa cuộc trò chuyện sau 24 giờ của ứng dụng để che giấu bằng chứng. Milgram bất lực: “Chúng tôi không thể nào ngăn chặn những thứ đang âm thầm diễn ra”.
Jennifer Stout, Phó Chủ tịch của Snap Inc., công ty đằng sau Snapchat cho biết công ty đang nỗ lực để xóa bỏ những kẻ buôn ra khỏi nền tảng. “Chúng tôi đã triển khai công nghệ tiên tiến để nhanh chóng phát hiện và loại bỏ kẻ buôn bán ma túy ra khỏi nền tảng, đồng thời làm việc với chuyên gia để giáo dục cộng đồng về sự nguy hiểm của thuốc giả chứa fentanyl. Việc chấm dứt những cái chết do fentanyl sẽ đòi hỏi nỗ lực bền vững và sự hợp tác giữa các ngành, chính phủ, và chúng tôi sẽ cố hết sức để giải quyết cuộc khủng hoảng quốc gia này”, Jennifer tuyên bố.
Khi công ty tìm thấy một kẻ buôn bán ma túy sử dụng Snapchat, họ sẽ xóa khỏi tài khoản khỏi nền tảng và ngăn không kẻ đó lập tài khoản mới. Snapchat cũng hỗ trợ cơ quan thực thi pháp luật trong các cuộc điều tra về ma túy liên quan đến ứng dụng, như cách họ đã làm trong trường hợp của Zach Didier. Luật sư quận Morgan Gire, người xử lý vụ Didier, cho biết ông đánh giá cao nỗ lực của Snapchat trong công cuộc điều tra, nhưng ông cũng coi đó là nghĩa vụ của họ.
Từ tháng 5 đến tháng 9 năm nay, DEA đã tiến hành 390 cuộc điều tra về ngộ độc thuốc. Trong số đó, 129 người có sử dụng mạng xã hội để tìm thuốc. Các quan chức cho biết, nhiều kẻ buôn rất khôn ngoan, chúng chia nhỏ các bước trong một giao dịch ra và thực hiện mỗi bước trên các nền tảng khác nhau, khiến các nhà điều tra khó truy vết và tổng hợp dữ kiện.
Từ nạn nhân trở thành người vận động xã hội
Vào tháng 9, Bordner, kẻ bán thuốc cho Zach, đã bị kết án 17 năm tù sau khi không nhận tội ngộ sát và bán fentanyl bất hợp pháp.
Về phía gia đình nạn nhân, trong suốt hơn một năm sau cái chết của Zach, cha mẹ cậu vẫn giữ nguyên vị trí của đồ đạc trong phòng con. Thỉnh thoảng họ ôn nhau lại kỷ niệm, lật giở những tờ lịch cũ và hồi tưởng từ lúc con sinh ra cho đến khi con qua đời.
Laura nói: “Căn phòng vẫn y như vậy suốt 15 tháng. Thật khó để bước vào và ngắm bàn học của con. Tôi vẫn cảm giác linh hồn của con vẫn chưa rời đi”.
Cha mẹ của Zach tham gia vào các chiến dịch nâng cao nhận thức về ma túy. Họ dùng câu chuyện của chính gia đình và bản án của Bordner như một lời cảnh báo cho các bậc phụ huynh, để họ có thể cởi mở nói chuyện với con mình về vấn nạn thuốc giả. Chris nói, “sự nguy hiểm có thể ở ngay gần kề mà ta không hề hay biết”.