pnvnonline@phunuvietnam.vn
Con trai tuổi dậy thì trượt dốc vì bố mẹ chưa biết cách yêu thương
Ảnh minh họa
Không ân hận sao được khi Quân là con trai một của vợ chồng chị Oanh. Chị Oanh luôn nghĩ, chị và chồng đi làm xa nhà cũng chỉ với mục đích mang lại cho con điều kiện tốt nhất. Con sẽ có một cuộc sống vật chất không kém bạn kém bè, con sẽ không tự ti, mặc cảm vì hoàn cảnh kinh tế gia đình thiếu thốn.
Chính vì vậy mà từ khi con mới 1 tuổi, chị Oanh quyết định cai sữa cho con và vào Sài Gòn lập nghiệp. Quân được để lại cho bà nội nuôi nấng, chăm bẵm. Những năm đầu, phải vất vả tìm việc, vất vả mưu sinh nên dù rất nhớ con, chị Oanh cũng không có điều kiện về thăm con. Mỗi năm, cố gắng lắm, chị và chồng mới về thăm con vào dịp Tết. Mọi việc chăm sóc, nuôi dạy con, chị đều nhờ đến bà nội của con.
Quân vô cùng nhớ bố mẹ. Đứa trẻ như cậu lúc nào cũng mong có mẹ ở bên để được mè nheo mẹ. Ngày nào Quân cũng mong mẹ về. Những dịp gần Tết, cậu đếm từng ngày để chờ mẹ. Mong chờ bố mẹ về bao nhiêu thì khi bố mẹ về, Quân lại thất vọng bấy nhiêu. Trong thời gian ngắn ngủi ở bên bố mẹ, ngoài niềm vui nhận những món quà là bộ quần áo mới, bộ đồ chơi đẹp thì cậu chẳng có niềm vui gì khác.
Cậu mong được bố mẹ chơi đùa cùng, mong được bố mẹ đưa đi chơi, mong được bố mẹ nói chuyện, hỏi han. Thế nhưng, những mong ước đơn giản ấy chỉ được bố mẹ làm hời hợt. Phần lớn thời gian ngắn ngủi ở cùng bố mẹ, Quân được bố mẹ tranh thủ giáo dục. Giáo dục ở đây là liên tục chỉ ra chỗ này Quân chưa ổn, chỗ kia chưa làm được, bảo cậu nên làm thế này, không được làm thế kia.
Mỗi năm, thời gian ở cùng bố mẹ chỉ khoảng 10 ngày, Quân và bố mẹ chưa kịp gần gũi thì bố mẹ cậu lại phải đi làm xa. Trong ký ức của cậu, thời gian bên bố mẹ là khoảng thời gian họ liên tục "bới lông tìm vết". Thế nhưng, dù có như vậy thì cậu vẫn luôn khao khát được ở cùng bố mẹ. Tuổi thơ của cậu lúc nào cũng đượm nỗi nhớ, đượm nỗi chờ mong bố mẹ.
Trong một lần, vì bị bà nội mắng, vì quá cô đơn, Quân đã bỏ nhà đi tìm bố mẹ. Suốt hai ngày lạc đường, Quân đã được công an đưa về nhà. Không những bị bà nội đánh đòn, Quân còn bị bố mẹ gọi điện giáo huấn cho một trận. Điều khiến Quân thất vọng là bố mẹ không hề hỏi Quân 2 ngày qua ăn uống thế nào, ngủ ở đâu, có bị ai bắt nạt không. Cậu cảm thấy rất tủi thân khi bố mẹ không hề tỏ ý xót xa khi con trai bị đi lạc như vậy.
Bước vào tuổi dậy thì, Quân cao hẳn lên. Thay vì khen con nhanh lớn, chững chạc, bố mẹ Quân lại nói: Nhìn cứ lòng khòng, sao để lưng gù thế kia. Những ngày sau đó, ngày nào Quân cũng được bố mẹ giáo huấn phải đi thẳng lưng ra sao, phải nhìn về phía trước thế nào. Rồi tiếp tục là những "bài học" muôn thuở: Phải học giỏi, phải chơi với người bạn này, không được chơi với người bạn kia... Điều Quân mong đợi là bố mẹ hiểu tâm lý của con, bố mẹ thể hiện tình yêu thương với con. Nhưng những điều cậu nhận được chỉ là sự khó chịu của bố mẹ. Quân cảm nhận mình chẳng có vị trí gì trong mắt họ.
Quân cảm thấy buồn, thất vọng, cô đơn vì không có ai hiểu và yêu thương mình. Cậu bắt đầu bất cần, bỏ học, đi chơi với các bạn để tìm sự đồng cảm. Dần dần, cậu trượt dài vào những sa ngã.