Cộng đồng lên tiếng và ủng hộ là động lực để đấu tranh chống lại nạn bạo hành, xâm hại

Linh An
10/07/2023 - 15:40
Cộng đồng lên tiếng và ủng hộ là động lực để đấu tranh chống lại nạn bạo hành, xâm hại

Ảnh minh họa

Phụ nữ và trẻ em luôn là đối tượng yếu thế, được nhà nước và xã hội quan tâm bảo vệ. Trong những năm gần đây, dù pháp luật đã quy định chặt chẽ hơn các chế định về chống xâm hại, bạo hành phụ nữ và trẻ em, nhưng thực trạng này vẫn diễn ra phức tạp.

Sự lên tiếng và ủng hộ của cộng đồng sẽ là động lực để nạn nhân tìm đến sự hỗ trợ và dũng cảm đứng lên để đấu tranh chống lại nạn bạo hành, xâm hại.

Cộng đồng lên tiếng và ủng hộ là động lực để đấu tranh chống lại nạn bạo hành, xâm hại - Ảnh 1.

Luật sư Vũ Thị Thu Hường - Công ty Luật TNHH An Ninh

Luật sư Vũ Thị Thu Hường - Công ty Luật TNHH An Ninh đã có những thông tin về vấn đề này.

Việc xử lý hành vi bạo hành, xâm hại phụ nữ, trẻ em cụ thể như thế nào. Thưa Luật sư?

Hiện nay, các vụ việc bạo hành, xâm hại xảy ra ở nhiều môi trường khác nhau: Gia đình, trường học, nơi làm việc… ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe thể chất và tâm lý của nạn nhân, gây mất trật tự an ninh xã hội. Pháp luật hiện hành đã có nhiều quy định xử lý các hành vi bạo hành, xâm hại. Một vài các quy định xử phạt tiêu biểu như sau:

- Xử phạt vi phạm hành chính: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự (khoản 5 Điều 7); Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với các hành vi xâm hại, bạo lực gia đình (từ Điều 52 đến Điều 65).

- Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động: Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự (khoản 3 Điều 11); Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động, hoặc dùng vũ lực đối với người lao động là người giúp việc gia đình nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự (khoản 4 Điều 30).

- Hiện nay, Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định rất nhiều các tội danh liên quan đến việc xâm hại, bạo hành phụ nữ và trẻ em. Tùy từng cấu thành tội phạm, tính chất, mức độ của hành vi mà người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi mà họ thực hiện. Một số tội danh có thể liệt kê như: Tội làm nhục người khác (Điều 155) với mức hình phạt lên đến 5 năm tù; Tội hành hạ người khác (Điều 140) với mức hình phạt lên đến 3 năm tù; Các tội danh về hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô, giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi với mức hình phạt lên đến chung thân hoặc tử hình; Tội phạm về mua bán người với mức hình phạt lên đến 20 năm hoặc tù chung thân; Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình (Điều 185) với mức hình phạt lên đến 5 năm tù.

Về trình tự, thủ tục khai báo cần những gì thưa Luật sư?

Khi bị xâm hại, bạo hành hoặc nhận biết được các dấu hiệu đối tượng đang có các hành vi quấy rối, ngay lập tức, nạn nhân cần phải lên tiếng khiếu nại, tố cáo, thông báo với các cơ quan, đơn vị kịp thời. 

Như trường hợp xảy ra quấy rối tình dục tại nơi làm việc, người lao động cần phản ánh, khiếu nại hành vi đến người sử dụng lao động, cơ quan công đoàn cơ sở. Hay như các vụ việc bạo lực gia đình, nạn nhân cần báo sự việc đến tổ dân phố, hội phụ nữ để phối hợp cùng với ủy ban nhân dân, công an cơ sở ngặn chặn và xử lý kịp thời. Tại trường học, phụ huynh khi nhận thấy các dấu hiệu con em bị xâm hại, bạo hành cần thông báo đến phía giáo viên, nhà trường để kịp thời xử lý các tình huống đảm bảo sức khỏe thể chất và tâm thần của trẻ em.

Đối với trường hợp khai báo trực tiếp đến cơ quan công an, nạn nhận có thể đến công an phường, xã nơi mình cư trú hoặc nơi đặt trụ sở cơ quan, trường học để tố giác hành vi xâm hại. Người khác phát hiện hành vi xâm hại cũng có thể đến các cơ quan này để khai báo hành vi. Việc tố giác có thể bằng văn bản hoặc trình bày trực tiếp. Sau khi tiếp nhận phản ánh, tố giác, cơ quan công an sẽ xác minh, điều tra, tùy từng trường hợp sẽ xử phạt hành chính hoặc khởi tố truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, còn có các biện pháp ngặn chặn tình trạng này?

Đến thời điểm hiện tại, nhà nước ta đã và đang xây dựng nhiều mô hình để ngăn chặn và bảo vệ các nạn nhân bị bạo hành, xâm hại như thành lập các "Nơi tạm lánh" là địa điểm để bảo đảm an toàn cho người bị bạo lực gia đình; bố trí các "Địa chỉ tin cây"; "Cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình"...

Đồng thời, nhà nước và xã hội cũng đang đẩy mạnh tư vấn, truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cá nhân, gia đình, cộng đồng về bình đẳng giới, từng bước xóa bỏ định kiến giới, tránh việc đổ lỗi cho nạn nhân. Người dân cần hiểu hành vi bạo lực là vi phạm pháp luật, cần phải công khai lên án và người gây bạo lực, xâm hại phải bị xử lý nghiêm minh. Bên cạnh đó, khi nhận được phản ánh, tố giác, các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng cần nhanh chóng vào cuộc, điều tra đảm bảo người thực hiện hành vi phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, tạo cho người dân niềm tin công lý và pháp luật luôn được thực thi, răn đe những kẻ có ý đồ xấu.

Cảm ơn Luật sư đã chia sẻ! 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm