Review sản phẩm dịch vụ: Đến đâu thì không phạm luật?

Bài, ảnh: An Khê
15/04/2023 - 08:22
Review sản phẩm dịch vụ: Đến đâu thì không phạm luật?

Luật sư Đặng Thành Chung, Giám đốc Công ty Luật TNHH An Ninh (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội)

Hiện nay, các cá nhân live (phát trực tuyến) hoặc phát lại những clip nhận xét, bình phẩm về các cơ sở kinh doanh trên các mạng xã hội như tiktok đang diễn ra phổ biến. Đây đôi khi còn là một phương thức để tạo ra thu nhập cho họ và điều này đã gây bức xúc cho dư luận.

Báo PNVN đã có cuộc trao đổi với Luật sư Đặng Thành Chung, Giám đốc Công ty Luật TNHH An Ninh (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), về vấn đề này.

Ranh giới thực hiện quyền live và phát lại những clip nhận xét, bình phẩm về các sản phẩm của các cơ sở kinh doanh trên mạng xã hội theo quy định pháp luật như thế nào?

Điều 25 Hiến pháp năm 2013 quy định rõ: "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin...".

Theo đó, công dân có quyền được tự do có quan điểm cũng như được tự do tìm kiếm và tiếp nhận, chia sẻ thông tin nhưng phải nằm trong giới hạn mà pháp luật quy định, phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, không phải tùy tiện, vu khống, bôi nhọ, lừa bịp, xâm hại đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội, quyền tự do, kinh doanh của cá nhân, tổ chức. Cá nhân, tổ chức phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành vi, ứng xử trên mạng xã hội; phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý hành vi, nội dung thông tin vi phạm pháp luật.

Khi thực hiện live và nhận xét, bình phẩm về các cơ sở kinh doanh trên mạng xã hội, các cá nhân nên thận trọng, chú ý những lời nhận xét, chỉ nên dừng lại là những cảm nhận của bản thân, góp ý tích cực và tốt hơn hết là không đưa ra những lời lẽ mang tính xúc phạm, bịa đặt, vu khống, bởi những lời lẽ như này có thể đưa câu chuyện đi xa hơn, vượt quá quyền luật định thậm chí là vi phạm pháp luật.

Thực tế từ khi mạng xã hội được ứng dụng rộng rãi có tình trạng nhiều người tự cho mình những quyền được bình phẩm, nhận xét, đánh giá một cách khá tùy tiện, thiếu căn cứ. Với tốc độ lan truyền nhanh chóng và dễ dàng, trong nhiều trường hợp những đánh giá này làm tổn hại không nhỏ đến những cơ sở kinh doanh. Nga cả trong trường hợp "thanh minh" được thì hậu quả mà nó để lại vẫn rất lớn, khó khắc phục. Bên bị hại cũng gặp nhiều khó khăn trong việc yêu cầu cơ quan chức năng bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Ranh giới quyền live và nhận xét, bình phẩm trên mạng xã hội - Ảnh 1.

Như câu nói "vẽ đường cho hươu chạy", thay vì cấm đoán thì hãy tính đến các biện pháp xây dựng phương án để hướng các hành vi này trở nên văn minh hơn - Luật sư Chung nói

Việc xử lý vi phạm pháp luật sẽ được thực hiện như thế nào?

Cá nhân đưa ra những lời nhận xét, bình phẩm xúc phạm uy tín, bịa đặt, vu khống thông tin thất thiệt về các cơ sở kinh doanh có thể bị xử phạt vi pham hành chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, quy định như sau: "Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau: Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân...".

Ngoài ra, người thực hiện hành vi nếu có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm quy định tại Bộ luật hình sự thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo Điều 288 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 với mức phạt cao nhất lên đến 7 năm tù. Mặt khác, nếu gây thiệt hại thì cơ sở kinh doanh có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại. 

Thực tế tỷ lệ những vụ vi phạm bị xử lý có thể nói là chỉ tính trên đầu ngón tay, trong khi các live, clip bình phẩm thì tràn lan trên mạng. Điều đó cho thấy việc phát hiện, xử lý là không đơn giản. Chưa kể ranh giới giữa việc vi phạm và không vi phạm không phải lúc nào cũng dễ xác định.

Chúng ta có biện pháp ngăn chặn hành vi này không?

Như đã nói, hành vi này cũng có mặt tích cực nên không thể cấm cá nhân thực hiện các hành vi nhận xét, bình phẩm về các cơ sở kinh doanh cũng như cấm các trang mạng xã hội có tính năng live tại Việt Nam.

Thay vì cấm đoán thì hãy tính đến các biện pháp xây dựng phương án để hướng các hành vi này trở nên văn minh hơn, vừa thực hiện quyền của mình nhưng cũng đảm bảo không xâm phạm quyền của cá nhân, tổ chức khác, không vi phạm pháp luật.

Thời gian trước, Bộ thông tin và truyền thông đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, trong đó quy định rất rõ quy tắc ứng xử của người dùng mạng xã hội như: Chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy; Có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam; Không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo; Không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mĩ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép... gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.

Cùng với đó là sự phối hợp của cơ quan nhà nước, các bên liên quan tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động diễn ra trên không gian mạng, nhanh chóng, kịp thời xử lý nghiêm minh theo thẩm quyền được giao… Hơn hết, chính những người khác tham gia mạng xã hội, xem live cũng cần thống nhất quan điểm báo cáo vi phạm, bỏ theo dõi, đăng ký; cùng chung tay loại trừ những tài khoản sử dụng có hành vi, lời nói vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền của cá nhân, tổ chức khác, vì biết đâu sau này chính mình cũng có thể là nạn nhân. Về phía các cá nhân, tổ chức bị ảnh hưởng cũng cần mạnh dạn lên tiếng tố cáo, khởi kiện, thực hiện các biện pháp bảo vệ theo quy định pháp luật để bảo vệ chính mình.

Như vậy, vấn đề nào cũng có 2 mặt. Khi thực hiện đúng quyền của mình theo quy định của pháp luật thì việc này sẽ mang lại kiến thức trải nghiệm, tính giải trí… cho người xem và cơ hội thu nhập cho người làm video. Tuy nhiên, nếu vượt quá phạm vi quyền mà luật định thì đây là hành vi vi phạm pháp luật, cần phải bị ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh để đảm bảo tính đúng đắn, tích cực, phát triển của các hoạt động trên không gian mạng; đảm bảo hoạt động, quyền lợi chính đáng của các cơ sở kinh doanh.

Xin cảm ơn luật sư!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm