Bộ GD&ĐT: Đã tính kỹ trước khi công khai
Trao đổi với PNVN sáng 8/7, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, việc công khai thông tin đã được đặt ra và bàn bạc kỹ lưỡng trước khi quyết định.
“Trước đây đúng là Bộ GD&ĐT không công khai điểm, nhưng các cơ quan báo chí, truyền thông yêu cầu phải công khai để minh bạch thông tin. Bộ chưa ghi nhận đây là việc làm vi phạm quyền bảo mật và cũng chưa có cơ quan luật pháp nào lên tiếng phản ánh về điều này!” - Thứ trưởng Ga khẳng định.
Theo ghi nhận, việc điểm thi công khai trên mạng và bất cứ ai cũng có thể xem được đang gây nhiều phản ứng trái chiều. Khá nhiều người trong cuộc cho rằng cần hạn chế việc công khai điểm vì những học sinh có điểm thấp sẽ rất dễ tự ti, mặc cảm, ảnh hưởng tâm lý.
Ngô Thị Uyên, cựu học sinh THPT Chuyên Hà Tĩnh chia sẻ câu chuyện của mình: Cũng chỉ vì một lần bị bạn lấy cắp mật khẩu và số báo danh để tra cứu “trộm” điểm của mình mà bản thân em đã bị bạn bè “tẩy chay”.
“Những bạn học môn Sử giỏi hơn em, và những bạn cho rằng học Sử chăm chỉ hơn em lại có điểm thấp hơn điểm của em nên các bạn cho rằng em đã dùng quan hệ để “mua” điểm. Chỉ vì điều nà mà em bị stress một thời gian dài khi vào đại học” - Uyên chia sẻ.
Chị Lệ Huyền, phụ huynh tại Thanh Xuân, Hà Nội có con gái thi THPT Quốc gia năm nay cũng đồng tình khi cho rằng, không có lý do gì để những người không liên quan biết về điểm thi của cá nhân thí sinh và gây nhiều động cơ tiêu cực.
“Nhiều người tò mò, hiềm khích xem con mình và con bạn ai điểm cao hơn. Một số bạn cùng lớp với con tôi rất bức xúc khi điểm của các cháu bị các diễn đàn mạng đưa lên mổ xẻ, xăm soi và nói xấu” - nữ phụ huynh nêu thực tế.
Theo chị Lệ Huyền, Bộ GD&ĐT nên có cơ chế bảo mật thông tin cá nhân người dự thi nhằm tôn trọng quyền lợi cá nhân của từng em. “Có nhiều cách để chứng minh sự minh bạch của điểm, ngay cả việc trao đổi thông tin cho báo chí cần có cơ chế, cam kết chặt chẽ để thông tin không bị tràn lan trên mạng như hiện nay” - chị Huyền kiến nghị.
Luật nào cho phép?
Ngay sau khi điểm thi THPT Quốc gia được công bố, rất nhiều trang thông tin, báo điện tử nhanh chóng cập nhật điểm thi từ dữ liệu của Bộ GD&ĐT một cách công khai, không qua bất cứ bước bảo mật nào.
Cụ thể, chỉ cần nhấp chuột vào đường link, dữ liệu điểm thi của từng địa phương lập tức hiện lên đầy đủ tất cả các thí sinh. Đây là một trong những điểm khác biệt đã xuất hiện từ năm 2016. Bởi những năm thi trước, thí sinh muốn xem điểm thi phải điền thông tin về số báo danh hoặc những thông tin cá nhân mới có thể xem được điểm.
Điều đáng nói là dư luận lo ngại sự công khai điểm sẽ ảnh hưởng xấu đến tâm lý của thí sinh, nhất là với những em đạt điểm thấp. Thậm chí, điều này còn có dấu hiệu vi phạm quyền riêng tư.
Ngoài ra, do điểm thi dễ dàng được tra cứu trên mạng nên nhiều người lớn đã tra điểm thi của những thí sinh trùng tên với mình rồi đăng lên mạng xã hội để làm trò đùa.
Trên trang Facebook cá nhân của mình, Tiến sĩ Nguyễn Phương Mai (giảng viên Đại học tại Hà Lan, tác giả cuốn "Con đường Hồi giáo") chia sẻ: “Tôi chết đứng người khi biết điểm thi vào trung học của học sinh hoàn toàn công khai thông qua các trang tra cứu. Ai cũng có thể lên mạng gõ tên sẽ ra vùng thi, số báo danh và ̣điểm từng môn của thí sinh. Bạn bè, người quen, con cái đồng nghiệp và hàng xóm, người nổi tiếng, con người nổi tiếng... gõ tìm là ra hết.”
“Tên trẻ con giờ bố mẹ đặt cho rõ là kêu, ít có chuyện cả trăm đứa y chang nhau như ngày xưa, gõ thử tên con gái của bạn tôi trên phạm vi cả nước mà cũng ra. Điểm số hồi chưa công bố đã thấy học sinh tự tử, giờ công bố kiểu này thì sẽ ra sao? ̉̀́́̉̉̀” chị Nguyễn Phương Mai lo ngại.
Về mặt pháp luật, nữ tiến sĩ đặt câu hỏi: “Ai cho phép báo chí và nhà quản lý có quyền xâm phạm nghiêm trọng đến quyền về đời sống riêng tư của công dân như vậy? Luật Trẻ em thậm chí còn nghiêm cấm chia sẻ thông tin mà không có sự đồng ý của trẻ nhỏ trên 7 tuổi, huống chi đây là những bạn trẻ đang ở độ tuổi dễ tổn thương, nhạy cảm nhất với danh tính cá nhân và giá trị bản thân?”.