pnvnonline@phunuvietnam.vn
Công nghệ hiện đại: Trợ thủ đắc lực tái định hình nền nông nghiệp Việt

Công nghệ không chỉ giúp tăng sản lượng cây trồng hay giảm chi phí
Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp không còn là điều xa lạ. Trong vài năm trở lại đây, nhiều địa phương đã chứng kiến sự chuyển mình rõ nét khi nông dân tiếp cận và làm chủ các thiết bị thông minh, phần mềm theo dõi mùa vụ và thậm chí cả robot trang trại.
Theo các chuyên gia, việc áp dụng công nghệ hiện đại giúp nâng cao năng suất cây trồng, giảm chi phí sản xuất và tối ưu hóa các quy trình canh tác từ khâu gieo trồng đến thu hoạch. Quan trọng hơn, nó giúp giải quyết bài toán về nhân lực và thời tiết, hai yếu tố vốn luôn gây nhiều bất ổn cho sản xuất nông nghiệp.
Việt Nam có thể áp dụng những "trợ thủ" công nghệ hiện đại trong phát triển nông nghiệp:
1. Cảm biến đất - đo lường chính xác từng tấc đất
Thay vì phải "nhìn đất đoán bệnh", ngày nay người nông dân có thể sử dụng cảm biến đất để biết chính xác tình trạng của đất ngay lập tức. Những thiết bị nhỏ gọn này được cắm trực tiếp xuống đất và có thể đo được độ ẩm, nhiệt độ, độ pH, hàm lượng dinh dưỡng... Dữ liệu sau đó được gửi về điện thoại hoặc máy tính, giúp người làm nông biết được cây trồng đang cần gì, thiếu nước, cần thêm đạm hay cần nghỉ dưỡng.
Việc này giúp người nông dân không phải tưới nước hay bón phân theo cảm tính, mà có thể điều chỉnh theo đúng nhu cầu của cây trồng, tránh lãng phí và nâng cao năng suất.
2. Công nghệ GPS - chính xác đến từng mét đất
GPS (Hệ thống định vị toàn cầu) đã thay đổi cách người nông dân làm việc. Với công nghệ này, họ có thể biết chính xác từng ranh giới cánh đồng, từng đường đi của máy cày, máy gặt, hay vị trí nên bón phân, phun thuốc.
Công nghệ này đặc biệt hữu ích trong canh tác chính xác mô hình nông nghiệp tối ưu từng mét vuông đất, từng giọt nước, từng hạt giống. Nhờ đó, người nông dân tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường và tăng hiệu quả sản xuất.

Mọi thứ được đồng bộ hóa và người nông dân có thể quản lý toàn bộ trang trại từ xa
3. Theo dõi thời tiết - biết trước để chủ động ứng phó
Thời tiết luôn là yếu tố khó lường nhất trong sản xuất nông nghiệp. Nhưng giờ đây, với các ứng dụng thời tiết thông minh hoặc trạm thời tiết mini đặt ngay trên ruộng, người nông dân có thể theo dõi thông tin theo thời gian thực: Trời sắp mưa hay nắng, gió lớn, độ ẩm không khí...
Việc này giúp họ quyết định thời điểm gieo hạt, phun thuốc, thu hoạch... một cách khoa học, giảm rủi ro do thiên tai gây ra.
4. Tự động hoá máy móc trong nông nghiệp
Ở nhiều trang trại hiện đại, việc gieo hạt, tưới nước, thu hoạch... giờ đây không cần hàng chục công nhân như trước. Hệ thống máy móc tự động đảm nhiệm các công việc này với tốc độ và độ chính xác cao.
Ví dụ, một máy gieo hạt tự động có thể gieo hạt đúng khoảng cách, độ sâu và hướng, đảm bảo cây nảy mầm đều. Hay hệ thống tưới nhỏ giọt tự động sẽ bật/tắt theo cảm biến độ ẩm, giúp tiết kiệm nước tối đa.
5. Robot nông nghiệp - người làm vườn không còn mệt mỏi
Ngày nay, các robot có thể vắt sữa bò, cắt lúa, thu hoạch hoa quả, cắt cỏ… thậm chí kiểm tra sâu bệnh trên từng cây.
Điểm mạnh của robot là có thể làm việc không nghỉ, chính xác và không bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Với các trang trại lớn, robot giúp giảm đáng kể chi phí lao động, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm.
6. Flying Camera (máy bay không người lái) - "mắt thần" trên cánh đồng
Máy bay không người lái đang trở thành công cụ không thể thiếu của nông dân hiện đại. Được trang bị camera và cảm biến, chúng có thể bay qua các cánh đồng để lập bản đồ, kiểm tra độ xanh của cây, phát hiện sâu bệnh hoặc khu vực thiếu nước.
Ngoài ra, máy bay không người lái còn có thể phun thuốc trừ sâu hoặc phân bón một cách chính xác, nhanh chóng, và ít ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Thiết bị còn đặc biệt quan trọng trong những vùng trồng lúa hay cây ăn trái rộng lớn.
7. Hình ảnh vệ tinh - quan sát từ không gian
Thông qua các nền tảng công nghệ, ảnh vệ tinh giúp quan sát sự phát triển của cây trồng theo thời gian, theo dõi sức khoẻ mùa màng, xác định khu vực nào cần tưới thêm, nơi nào có nguy cơ hạn hán...
Với những thông tin này, người nông dân có thể lên kế hoạch sản xuất, thu hoạch và dự báo sản lượng một cách chính xác.
8. Cảm biến IoT - mạng lưới nông nghiệp thông minh
IoT (Internet of Things), các thiết bị hoặc hệ thống cảm biến được kết nối vào mạng Internet để thu thập thông tin và dữ liệu từ môi trường xung quanh, sau đó truyền thông tin này đến các máy chủ hoặc thiết bị khác để xử lý và theo dõi từ xa. Trong nông nghiệp, cảm biến IoT đóng vai trò như một "hệ thần kinh" kết nối mọi thiết bị trong trang trại.
Ví dụ: Cảm biến đo độ ẩm đất có thể gửi tín hiệu đến hệ thống tưới nước để bật/tắt tự động; hay camera theo dõi vật nuôi sẽ báo động nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe.
Mọi thứ được đồng bộ hóa và người nông dân có thể quản lý toàn bộ trang trại từ xa, chỉ bằng một chiếc điện thoại thông minh.
Công nghệ không chỉ giúp tăng sản lượng cây trồng hay giảm chi phí mà còn góp phần quan trọng trong việc cải thiện an ninh lương thực, giúp nhiều người tiếp cận thực phẩm bổ dưỡng với giá thành hợp lý hơn.
Việc hiện đại hóa nông nghiệp cũng góp phần tạo ra việc làm mới, nâng cao thu nhập và cải thiện chất lượng sống tại các vùng nông thôn.
Từ một nền nông nghiệp dựa vào nắng mưa và kinh nghiệm cha truyền con nối, Việt Nam đang dần bước vào thời kỳ nông nghiệp số - nơi mà mỗi hạt giống gieo xuống là kết tinh của tri thức, dữ liệu và công nghệ.