Trong những năm gần đây, người ta thường phân vân chọn địa táng hay hỏa táng cho người thân khi qua đời. Hiện nay, có thêm lựa chọn thứ ba, đó là mai táng bằng dung dịch kiềm.
Chúng ta thường nghe nói về các kỹ thuật mai táng như địa táng, thiên táng, hỏa hay thủy táng... và hiện nay tại Mỹ, Canada, người ta đang áp dụng kỹ thuật mới - công nghệ thủy phân xác chết (thủy phân kiềm). Hình thức này được cho là "mai táng xanh", bằng cách sử dụng dung dịch kiềm chế từ kali hydroxit.
Công nghệ trên đang được Công ty xe tang nhà đòn Bradshaw (BCLC) ở Stillwater, bang Minnesota, Mỹ, giới thiệu. Theo BCLC, công nghệ thủy phân hạn chế phát tán khí thải, tiết kiệm chi phí như gỗ làm quan tài, bông vải lót, gạch đá, sắt thép xây mộ... và nhiều lợi ích khác.
Theo Jason Bradshaw, Giám đốc BCLC, hiện trên thế giới có khoảng 14 cơ sở hóa thân hoàn vũ bằng công nghệ thủy phân kiềm, BCLC cũng nằm trong số này. BCLC đặt tại khu vực có phong thủy hợp lý, bao bọc xung quanh là đồng cỏ, được thiết kế bởi kiến trúc sư nổi tiếng người Mỹ, Frank Lloyd Wright.
BCLC được khánh thành cách đây 5 năm, riêng công đoạn máy thủy phân kiềm được đặt ở dưới tầng hầm. “Khách hàng” của BCLC, những người không muốn địa táng đã chọn phương án thủy phân kiềm bởi họ thấy đây là phương án hợp lý và thân thiện với môi trường.
Công nghệ thủy phân kiềm diễn ra như thế nào?
Cỗ máy thủy phân kiềm dạng hình chữ nhật, cao 1,8m, rộng 1,2m và sâu 3m, do hãng Resomation Ltd. của Anh chế tạo. Máy có màn hình vi tính ở một mặt, kèm theo các nút bấm như mở khóa, thử... Jason Bradshaw, chuyên gia sinh hóa cho rằng, máy thủy phân hiện đại có thể cân được trọng lượng của cơ thể và tính toán được lượng nước để bổ sung kali hydroxit cho phù hợp.
Ví dụ, người có trọng lượng 30kg thì cho vào 270kg nước. Dung dịch kiềm có độ pH khoảng 14, được làm nóng đến 1520C nhưng do thiết bị phân hủy được tăng áp nên không bị sôi. Nếu địa táng phải mất hàng thập kỷ mới phân hủy hết nhưng bằng thủy phân kiềm, chỉ mất 90 phút.
Sau 3-4 giờ, cánh cửa mở, người ta có thể nhìn thấy xương ướt đang nằm trong khay kim loại cùng với những vật liệu cấy ghép mà người chết từng phẫu thuật khi còn sống. Trong quá trình thủy phân, độ pH của nước thải được kiểm tra, sau đó, chất lỏng được thoát ra ngoài. Đây là một hỗn hợp vô trùng, gồm acid amin và peptide, không có ADN của con người và được xử lý trước khi thải ra môi trường.
Sau bước thủy phân kiềm là bước xử lý xương khô một cách từ từ trong một chiếc tủ đặc biệt hoặc xử lý nhanh trong khay đặt trong một máy sấy. Xương được đưa qua công đoạn có tên cremulateor, tại đây nó được tán thành bột thô. Tính đến tháng 5/2017, BCLC đã mai táng được khoảng 1.100 thi thể, bình quân mỗi ngày 1 người.
Tiết kiệm tài nguyên và chi phí
Theo Tổ chức Nghiên cứu Ứng dụng Hà Lan (NOAR), nơi thực hiện nhiều nghiên cứu về công nghệ mai táng, trung bình mỗi ngày trên thế giới có khoảng 150.000 người chết. Con số này tiếp tục tăng khi dân số thế giới tăng. Vì vậy, không gian cho chôn cất đang dần thu hẹp.
Ngoài đất, việc chôn cất cũng đòi hỏi nhiều nguồn tài nguyên khác. Ví dụ, chỉ riêng xây mộ tại Mỹ, mỗi năm sử dụng hơn 1,6 triệu tấn bê tông và 14.000 tấn thép. Riêng hỏa táng, một lò hóa thân hoàn vũ hỏa thiêu một người sẽ tạo ra khoảng 320kg carbon dioxide. Phần lớn chất độc này đều được thải ra môi trường.
Qua nghiên cứu, NOAR phát hiện thấy, trong số 17 loại hình mai táng, thủy phân kiềm được xem là tối ưu nhất về môi trường và tệ nhất là hỏa táng. Thủy phân kiềm có mức phát thải khí CO2 thấp 7 lần so với hỏa táng.
Về chi phí, địa táng mất 63,66 Euro (tương đương 1,6 triệu đồng) cho mỗi cơ thể, còn thủy phân kiềm chỉ tốn 2,59 Euro (tương đương 65 nghìn đồng). Để giảm chi phí, tại cơ sở của BCLC, người ta có thể thuê quan tài để trưng thi thể người quá cố, nên chi phí giảm được đáng kể mà vẫn duy trì tính trang nghiêm.
Công nghệ thủy phân kiềm đang được áp dụng ở 3 tỉnh của Canada (chiếm 2/3 dân số) và 14 tiểu bang Mỹ. Tới đây, Anh cũng áp dụng kỹ thuật này.