pnvnonline@phunuvietnam.vn
Công nghệ thực tế ảo "đổ bộ" viện dưỡng lão
Sáng thứ Tư hằng tuần, những người cao tuổi tại cộng đồng hưu trí Citrus Place (ở California, Mỹ) dành ra 30 phút để tham gia hoạt động trong thực tế ảo (VR - Virtual Reality). Đây là hoạt động tùy chọn nhưng được đông đảo cư dân tham gia. Khoảng 12 người cao tuổi ngồi trên ghế sofa thành vòng tròn, sau đó đeo kính VR.
Lịch trình ảo của họ rất phong phú, với những hoạt động như đi khinh khí cầu, đi săn và thậm chí là đến cửa hàng tạp hóa. Trong quá trình trải nghiệm, người cao tuổi ở đây bày tỏ sự vui mừng hoặc ngạc nhiên, như Debbie Townsend, 65 tuổi, vô tình va vào chậu cây khi đang lấy một quả táo ảo, khiến bà thốt lên "Ôi trời!".
"Ống ấy không bao giờ ra ngoài tham gia hoạt động. Nhưng rất thích đến VR", Maribel Echeverria, Giám đốc chương trình sức khỏe của Citrus Place, nghiêng đầu về phía một người đàn ông ngồi trên xe lăn, nói. Echeverria cho biết, người này đã tham gia quân đội Mỹ và VR là phương tiện thiết thực nhất giúp ông đi du lịch quanh thế giới.
Mặc dù không nhận được nhiều quan tâm của người tiêu dùng Mỹ nhưng công nghệ VR đang thu hút sự chú ý ở các cơ sở chăm sóc người cao tuổi trên khắp đất nước này. Nghiên cứu cho thấy, VR tạo ra lợi ích trị liệu, bao gồm cả việc giảm chứng mất trí nhớ, cải thiện tâm trạng và chống lại cảm giác cô đơn. Với giao diện tương đối trực quan, VR đã trở thành yếu tố nổi bật trên thị trường chăm sóc người cao tuổi đầy cạnh tranh. Các công ty như Rendever đã thu hút được hơn 500 tổ chức đối tác. Tại các cơ sở như Citrus Place, ít nhất VR cũng đã chứng minh tiềm năng của mình. "Tôi chưa bao giờ đến Tây Ban Nha, tôi muốn xem ở đó có gì. Nó giống như đi mà không đi vậy", Townsend nói.
Công nghệ đưa người cao tuổi "đi khắp nơi"
Trước đại dịch Covid-19, cứ 4 người trong độ tuổi từ 50 đến 80 ở Mỹ thì có 1 người cảm thấy bị cô lập. Đến tháng 6 năm 2020, thời kỳ siết chặt các hạn chế đi lại do đại dịch, tỷ lệ đó đã tăng lên 56% và hiện ở mức 34%. Cô đơn là một nguy cơ sức khỏe ở người cao tuổi và các yếu tố như khả năng di chuyển hạn chế, giảm thính lực khiến mọi việc với người cao tuổi trở nên khó khăn hơn.
Với những người cao tuổi của Citrus Place, ngày đầu tiên trải nghiệm VR giống như việc bước vào căn-tin ở trường trung học, với nhiều khuôn mặt lạ lẫm và không có bạn bè. Nhân viên chăm sóc cố gắng kéo những người trầm tính ra khỏi vỏ bọc và tìm cơ hội kết nối họ, chẳng hạn qua một bài hát hoặc một câu chuyện trong quá khứ.
Ban đầu, họ hoài nghi về mức độ khả quan của việc triển khai chương trình VR, sau đó, Echeverria đã bị thuyết phục bởi phản ứng tích cực của mọi người. Ngay cả những người có xu hướng cô lập bản thân cũng bắt đầu tham gia các hoạt động VR như mô phỏng chuyến bay và thiền định bên bờ biển. Tính năng bản đồ VR, tương tự "Chế độ xem phố" (Street View) của Google, giúp các cư dân lớn tuổi "đi du lịch ảo" đến những nơi như Nhật Bản hoặc ngôi nhà thuở thơ ấu. Echeverria thậm chí còn đưa họ đến ngôi nhà ảo của cô trên một ngọn núi.
Những trải nghiệm thực tế ảo khác phục vụ người lớn tuổi bao gồm chuyến đi 10 chặng dọc theo "con đường huyền thoại" Route 66, đi bộ quanh Grand Canyon, lặn biển và chèo thuyền gondola qua kênh Venice… Rendever, công ty VR hợp tác với Citrus Place, đưa ra các bản cập nhật hàng tuần cho hệ thống.
Một nghiên cứu năm 2018 do AgeLab của Viện Công nghệ Massachusetts thực hiện cho thấy, những người lớn tuổi tham gia các trải nghiệm của Rendever đã giảm cảm giác chán nản và cô lập so với nhóm xem ti-vi. Theo Echeverria, thành công của chương trình cũng phụ thuộc vào sự kiên nhẫn của người chăm sóc và cho đến nay những nỗ lực đó đều rất đáng. "Có thể một người nào đó đang đeo kính VR, họ là người cực kỳ trầm lặng hoặc hầu như không nói chuyện… nhưng đột nhiên lại nói với bạn những điều bạn chưa từng biết vì họ đang nhìn thấy chúng ngay trước mắt", cô nói.
Tương lai của ngành chăm sóc người cao tuổi
Theo nghiên cứu từ Đại học Stanford, khoảng một nửa số người lớn tuổi và người chăm sóc nhận thấy việc sử dụng công nghệ VR rất có lợi cho mối quan hệ của họ. Tuy nhiên, khi dân số già tăng lên, tình trạng thiếu nhân viên chăm sóc người cao tuổi cũng ngày càng nghiêm trọng. Giám đốc điều hành công ty Mynd Immersive, Chris Brickler gợi ý rằng VR và chatbot có thể hữu ích khi nhân viên không có mặt.
VR có thể kết nối người cao tuổi với những người thân ở nơi xa, cho phép họ thực hiện các hoạt động ảo như cùng nhau đi tản bộ. Walter Greenleaf, nhà khoa học thần kinh trong ban cố vấn của Mynd Immersive, hình dung những hỗ trợ từ các nhân vật được tạo ra trong tương tác VR có thể giúp người cao tuổi cảm thấy bớt cô đơn hơn. "Người cao tuổi hiện nay thường chỉ ngồi xem ti-vi. Công nghệ VR có thể giúp họ giải trí và giải quyết các mối quan tâm nhưng chúng ta có thể làm tốt hơn thế nữa", Greenleaf nói.
Khái niệm "The elderverse", chỉ một không gian ảo chung được thiết kế cho người cao tuổi, vẫn chưa trở thành hiện thực. Tuy nhiên, những người ủng hộ VR đang ngày càng tập trung vào các ứng dụng tiềm năng của nó trong việc chăm sóc người cao tuổi, đồng thời nêu bật sự cần thiết phải sớm thiết lập các tiêu chuẩn và ranh giới, đặc biệt là về an toàn và quyền riêng tư.
Theo Jeremy Bailenson, giám đốc sáng lập Phòng thí nghiệm Tương tác Con người Ảo của Stanford, tính thực tế về chi phí và lợi ích của VR trong việc chăm sóc người cao tuổi cần được chú ý. Bailenson nói: "Chúng tôi không ủng hộ một thế giới trong đó, người cao tuổi phải đeo kính VR hàng giờ liền. Họ đeo kính để có trải nghiệm tuyệt vời, sau đó tháo kính ra và nói về điều đó với bạn bè trong phòng ăn". Ông cũng lưu ý VR sẽ không phù hợp với tất cả người cao tuổi nhưng có thể cách mạng hóa các lĩnh vực như vật lý trị liệu cho người cao tuổi bằng các phiên hoạt động ảo với những hình ảnh hấp dẫn và phản hồi sinh trắc học theo thời gian thực.
Sherri Izzi, cư dân ở Citrus Place, khuyến khích mọi người đón nhận những trải nghiệm mới. "Hãy thử những điều mới. Nếu bạn thất vọng về nó thì hãy bỏ qua. Nhưng trước hết hãy thử cái đã", người phụ nữ 72 tuổi nói sau khi tháo kính VR ra.