Có nhiều phát minh sáng chói của nhân loại ra đời từ những giấc mơ. Bên cạnh đó, không ít công nghệ mới lại có “xuất phát điểm” từ các loài vật.
Hệ thống định vị toàn cầu của loài chim
GPS (Gobal positioning system) là hệ thống định vị toàn cầu, một mạng lưới bao gồm hàng chục vệ tinh quay xung quanh trái đất. GPS định vị dựa trên vị trí của các vệ tinh nhân tạo, do Bộ Quốc phòng Mỹ xây dựng vận hành và quản lý. Nó cho phép mọi người trên thế giới sử dụng một số chức năng của GPS miễn phí, bất kể quốc gia hay dân tộc.
Việc ra đời của GPS có nguồn gốc từ loài chim, theo đó sự di chuyển của chim là cách giúp con người cho ra đời hệ thống định vị này. Từ lâu, khả năng trên của loài chim được xem là một trong những bí ẩn đáng chú ý.
Có người cho rằng loài chim đã biết cách xác định vị trí mặt trời, sử dụng bản đồ của các vì sao, khứu giác, thậm chí còn biết phát hiện từ trường Trái Đất, nhớ các điểm mốc từ các hành trình trước dùng cho di chuyển khi cần.
Công nghệ nhân bản của sao biển
Sự kiện ra đời cừu Dolly đã dấy lên làn sóng tranh cãi về công nghệ nhân bản, nhất là khi nó được áp dụng cho con người và loài vật. Tuy nhiên, trước đó “công nghệ” này đã tồn tại trong các loài vật, tiêu biểu có loài sao biển.
Sao biển sở hữu một số đặc tính rất đặc biệt, nhất là khả năng tái sinh. Sao biển còn có tự nhân bản để sống lâu hơn và có cuộc sống lành mạnh hơn những con sao biển sinh ra từ giao phối. Ngoài ra, nếu một con sao biển bị gãy một chân thì phần thân còn lại sẽ tái sinh và phục hồi khi cần thiết.
Một số loài thậm chí còn có khả năng tạo ra một cơ thể mới từ một phần của một chiếc “cánh sao”. Với việc ứng dụng kỹ thuật nhân bản, con người có thể nhân bản, tái sinh nhiều loài động vật theo ý định chủ quan, mà vẫn bảo tồn các đặc tính sinh học vốn có của nó.
Công nghệ cách âm của loài cú
Để tạo ra môi trường yên tĩnh, đặc biệt là những phòng cách âm, khoa học hiện đại đã sao chép công nghệ giảm âm của loài cú mèo. Động vật này được thiên nhiên phú cho nhiều khả năng tuyệt vời, trong đó có kỹ năng bắt mồi “lặng như tờ”.
Chúng có thể bay lướt qua con mồi với độ chính xác cao mà không gây ra tiếng động nên con mồi dễ bị hạ gục, trong đó có loài chuột, loài gặm nhấm có thính giác cực kỳ nhạy cảm.
Qua nhiều nghiên cứu, giới sinh học phát hiện thấy, để có được khả năng trên, lông của cú mèo có cấu trúc rất đặc biệt: Rất mềm và mượt, giúp cơ thể của cú cân bằng và triệt tiêu âm thanh. Đặc tính này không có bất kỳ loài chim nào sánh được với cú mèo.
Sonar của cá voi và cá heo
Tàu bè, tàu ngầm và các thiết bị đi biển thường được trang bị sonar để điều hướng, tránh chướng ngại vật và theo dõi các mục tiêu dưới nước. Nguyên lý hoạt động của sonar là phát ra âm thanh ở một tần số nhất định, làm cho sóng âm lan vào môi trường xung quanh.
Các sóng âm phản hồi từ những vật thể rắn và quay trở lại thiết bị sonar. Sonar sau đó thu thập thông tin để biết hình dạng, kích thước và khoảng cách của vật thể. Điều này đặc biệt hữu ích cho quân đội, song trong môi trường tự nhiên một số động vật biển như cá voi và cá heo từng “phát minh” hay sở hữu công nghệ độc đáo này.
Nhờ sonar, những con vật trên có thể nhận biết nhanh các vật thể rất nhỏ cách xa 15m.
Các loài cá này còn biết sử dụng sonar để xác định nơi có thức ăn và đồng loại. Từ cơ chế trên, người ta đã cho ra đời các thiết bị sonar dùng cho quân đội giống hệ sonar của cá voi.