Công nhân mất việc “nuôi” hy vọng được truy hồi 10% thuế thu nhập cá nhân

Hưng Long
22/09/2020 - 20:26
Công nhân mất việc “nuôi” hy vọng được truy hồi 10% thuế thu nhập cá nhân

Công nhân công ty PouYuen Việt Nam. Ảnh minh họa: Nam Dương

Hàng triệu lao động trên cả nước lại tiếp tục “thắp lên” hy vọng được truy hồi 10% thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) đối với khoản tiền doanh nghiệp hỗ trợ người lao động nghỉ việc, mất việc làm do Covid-19.

Mới đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết đang đề nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét chỉ đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế không thu 10% thuế TNCN đối với khoản tiền doanh nghiệp hỗ trợ người lao động nghỉ việc, mất việc làm do Covid-19. Người lao động "nuôi" hy vọng nhận lại số tiền thuế bị khấu trừ được doanh nghiệp hỗ trợ do nghỉ việc vì dịch Covid-19.

Thấp thỏm hy vọng được truy thu thuế TNCN

Như Báo PNVN từng đề cập, hàng loạt lao động của Công ty Pouyuen bị mất việc từ đầu năm 2020 do dịch Covid-19. Doanh nghiệp không mong muốn sa thải công nhân và công nhân không mong muốn bị nghỉ việc.

Đơn cử chị Trần Thị Phượng Quyên (SN 1976, ngụ huyện Cần Đước, tỉnh Long An) bắt đầu nghỉ việc ở Công ty Pouyuen từ lúc có dịch bệnh Covid-19. Chị Quyên nằm trong danh sách bị cho nghỉ việc nên được công ty chi trả với số tiền 96 triệu đồng. Các khoản tiền bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm xã hội chưa tính đến. Nếu chị Quyên không bị tính vào thuế TNCN thì sẽ được hoàn trả gần 10 triệu đồng.

Không còn làm trực tiếp ở công ty, chị Quyên phải nhận may gia công và may quần áo ở nhà để kiếm thêm thu nhập. Dù công việc mang tính không phụ thuộc vào doanh nghiệp nhưng các khoản phúc lợi xã hội thì không được hưởng như trước. Chị Quyên cho biết, thông tin có thể nhận được số tiền trên khiến chị và gia đình mừng rơi nước mắt trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Chị Nguyễn Thị Thanh Tú (SN 1994, ngụ quận Bình Tân, TPHCM) cũng là trường hợp Báo PNVN từng đề cập. Chị Tú kể, bị nghỉ việc, mất việc phải tự "bơi" để chạy ăn từng bữa qua ngày. Cuộc sống của những người lao động ngành dệt may mất việc không dễ "một sớm một chiều" tìm kiếm lại công việc mới để ổn định cuộc sống.

Trong thời gian nghỉ do mất việc, chị Tú có thể chăm sóc được đứa con hơn 12 tháng tuổi. Chị đang dự tính cố sống chật vật thêm vài tháng nữa rồi sẽ đi tìm việc vào thời điểm cận Tết Nguyên đán. Chị Tú nhẩm tính, nếu được truy thu tiền thuế TNCN trong khoảng 10 năm cống hiến ở Công ty PouYuen thì chị sẽ có thêm hơn 10 triệu đồng để trang trải chi tiêu cho gia đình. Chị Tú là một trong số những công nhân có mức trợ cấp thất nghiệp tại Công ty Pouyen lên đến hơn 100 triệu đồng.

Công nhân mất việc “nuôi” hy vọng được truy hồi 10% thuế thu nhập cá nhân - Ảnh 1.

Công nhân công ty PouYuen Việt Nam. Ảnh minh họa: NLĐ

Chính sách nhân văn nếu được thực thi

Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân đánh giá, việc hoàn trả cho người lao động số tiền 10% Thuế TNCN nếu được thực thi là chính sách nhân đạo cả về lý thuyết lẫn thực tế. Trước hết, cần phải nhìn nhận rằng, số tiền trợ cấp thất nghiệp đó là tiền mồ hôi nước mắt của người lao động sau hàng chục năm tích lũy chứ không phải ngẫu nhiên mà có được.

Thông thường, các khoản thuế TNCN được "đánh" vào người dân là những khoản lợi nhuận từ các hoạt động kinh doanh, các khoản tiền đột xuất như: Trúng vé số, tiền thưởng, các khoản tiền ngoài lương không phải qua tích cóp...

Do đó, tiền trợ cấp mất việc, nghỉ việc nhất là trong hoàn cảnh khó khăn mà còn bị đánh thuế thì không hợp cả về mặt pháp lý lẫn về thuận tình của đại bộ phận người lao động. Mặc khác, việc đánh thuế là một chính sách, là công cụ quản lý của cơ quan chức năng nên việc sử dụng công cụ hợp lòng dân thì mới có thể xây dựng được xã hội phồn thịnh.

Ở trong nước, nhiều loại hàng hóa được sản xuất ra đã rơi vào tình trạng tồn kho, dồn ứ do tình hình dịch bệnh, người dân không có thu nhập và hạn chế chi tiêu. Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân cho rằng, người lao động được truy hồi tiền và không thu thuế TNCN có tác động kép đến nền kinh tế. Người lao động có tiền bằng chính mồ hôi nước mắt của mình sẽ chi tiêu "mạnh tay" hơn và hàng hóa trong nước sẽ được lưu thông.

Với những phân tích như trên, Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân hy vọng Chính phủ và Quốc hội sẽ xem xét thấu đáo về khoản thuế TNCN của người lao động trong bối cảnh mất việc trong thời điểm hiện nay.

* Trao đổi với PV Báo PNVN, ông Củ Phát Nghiệp - Chủ tịch Công đoàn PouYuen Việt Nam - xác nhận, tính đến hết tháng 8/2020, công ty đã chi trả cho gần 3.000 công nhân phải chấm dứt hợp đồng lao động do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trường hợp có những công nhân nhận số tiền trợ cấp thất nghiệp của Công ty PouYuen lên đến gần 300 triệu đồng.

Số tiền trên công ty chi trả không tính đến tiền bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm xã hội. Số tiền trợ cấp công ty chi trả vẫn phải bị trừ 10% thuế TNCN theo quy định hiện hành.

* Theo tính toán sơ bộ của Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tính đến hết tháng 6/2020, có khoảng 7,8 triệu lao động bị mất việc làm hoặc phải nghỉ luân phiên, giãn việc. Lao động ở khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng tiêu cực lớn nhất với 72%; tiếp đến là 67% khu vực công nghiệp; 25,1% khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, người lao động đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng 32% so với cùng kỳ năm 2019 (tương đương 565.000 người). Số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp lên đến gần 7.000 tỉ đồng, tăng 40% so với năm 2019.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm