‘Công nhân quá khổ, đang bán kiệt sức lao động của mình!’

24/10/2019 - 08:56
ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) đã nhìn nhận như vậy về tình cảnh của công nhân lao động hiện nay, qua đó không ủng hộ phương án tăng giờ làm thêm. Làm thêm hay không, nếu có thì nên thêm bao nhiêu giờ… đang là những tranh luận trái chiều tại dự thảo Bộ luật Lao động (Sửa đổi).

"Đừng chiều theo doanh nghiệp!"

Mở rộng khung thỏa thuận thời gian làm thêm là nội dung đang nhận nhiều ý kiến khác nhau từ phía các ĐBQH, tại dự thảo Bộ luật Lao Động. Phiên thảo luận hội trường ngày 23/10 dành phần lớn thời gian để bàn về nội dung này, về việc có nên làm thêm giờ hay không, và nếu có theo hai phương án đưa ra thì nên nghiêng về phương án nào, NLĐ và giới chủ sẽ chịu tác động gì từ chính sách này…

Là một trong những người không ủng hộ việc mở rộng thời gian làm thêm từ 300h lên 400h một năm, ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng đừng lấy lý do sức cạnh tranh bị ảnh hưởng nếu không tăng thời gian làm thêm. “Doanh nghiệp đầu tư mà chỉ nghĩ đến tranh thủ công nhân giá rẻ, không đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, chủ doanh nghiệp và NLĐ, sẽ sớm bị đào thải theo cơ chế thị trường. Thay vào đó, hãy biết tận dụng tăng năng suất lao động, sử dụng các yếu tố khoa học kỹ thuật công nghệ chứ không phải tăng trưởng bằng việc sử dụng kiệt sức của NLĐ”.

ĐB Bùi Văn Phương. Ảnh: VPQH 

Cũng theo ông, việc tiếp cận theo cách NLĐ muốn làm thêm và chủ lao động cũng muốn như thế là đi ngược tiến bộ, càng không phải là nhân văn. Cần đặt câu hỏi, vì sao họ muốn làm thêm.

“Tôi nói thật, người công nhân quá khổ, những điều kiện thiết yếu nhất trong cuộc sống không đảm bảo được mà phải bán kiệt sức lao động của mình để giải quyết những vấn đề trước mắt như vấn đề học hành, vấn đề của con cái. Rất nhiều vợ chồng sinh con chuyển về quê cho ông bà trông, 4 đến 5 năm nay chưa về. Chsng ta không thể chiều theo doanh nghiệp” – ông nhìn nhận.

ĐB Nguyễn Thị Xuân (Đăk Lăk) cũng đồng tình khi cho rằng, thời gian làm việc chính thức cộng với giờ làm thêm hiện NLĐ lên 2.620 giờ/năm – cao hơn nhiều nước như Trung Quốc, Hàn Quốc…

Theo bà, tăng thời giờ làm thêm trong điều kiện thanh kiểm tra còn hạn chế sẽ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp lợi dụng việc tăng giờ làm thêm để khai thác sức lao động quá mức, dẫn đến cạn kiệt sức lao động sớm hơn so với tuổi lao động.

“Tôi nhất trí phương án 1 là không mở rộng khung thoả thuận giờ làm thêm tối đa so với quy định hiện hành. Bên cạnh đó, việc nâng khống chế thời gian làm thêm giờ theo tháng từ 30 giờ/tháng lên 40 giờ/tháng cũng cần phải có quy định cụ thể để loại bỏ tình trạng doanh nghiệp dồn thời giờ làm thêm vào một số ngày nhất định trong tháng sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ NLĐ” – bà đề xuất.

Tăng lên 400h là từ nhu cầu của NLĐ?

Tuy nhiên vẫn có một số ĐBQH bảo vệ quan điểm tăng kịch trần mức làm thêm giờ lên 400h (theo phương án 2 của dự luật). ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho rằng phương án này không khống chế thời gian làm thêm giờ theo tháng và nâng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa từ 300 giờ lên 400 giờ cho một số ngành nghề có tính đặc thù.

Theo ĐB Tiến, điều này phần nào đáp ứng nhu cầu làm thêm giờ của đa số NLĐ, đồng thời giải quyết được tình trạng thiếu hụt lao động và không bị gò bó bởi thời gian làm thêm giờ trong tháng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có tính thời vụ.

“Tuy nhiên, Chính phủ cần chuẩn bị danh mục cụ thể các ngành nghề được mở rộng khung làm thêm giờ, từ 300h lên 400h và quy định việc trả lương lũy tiến làm thêm giờ để Quốc hội cho ý kiến” – ông đề xuất.

ĐB Trần Văn Tiến. Ảnh: quochoi.vn 

ĐB Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) cũng đồng tình, bởi theo ông tăng giờ làm thêm là nhu cầu của thực tiễn khách quan là sự cho phép của luật chứ không phải bắt buộc người lao động và doanh nghiệp. Là nhu cầu thực sự và tự nguyện của NLĐ có sức khoẻ, có năng lực phát huy và tăng thêm thu nhập, đồng thời cũng đáp ứng thực tế từ phía những doanh nghiệp có nhu cầu đột xuất, nhu cầu thời vụ…

Ông cũng đề nghị Chính phủ tham mưu cho Quốc hội xem xét, ban hành danh mục cụ thể những ngành nghề được mở rộng khung giờ làm thêm từ 300 giờ lên 400 giờ, một số ngành da giày, thuỷ sản, dệt may, lắp ráp điện tử. Hiện một số nước tiên tiến trên thế giới thời giờ làm thêm vẫn có quy định với mức tương đương như chúng ta, như Nhật Bản là 300 đến 360h, Hàn Quốc tối đa là 1 tuần 12 giờ tương đương khoảng 620h/năm ...

“Vấn đề là chúng ta cần quan tâm đến quy định về chế độ cho người lao động để đáp ứng quyền lợi của họ, chi trả tiền lương cho NLĐ theo hình thức lũy tiến và có quy định rất cụ thể về đăng ký và quản lý theo dõi giờ làm thêm với cơ quan quản lý nhà nước” – ĐB Sơn nói.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm