pnvnonline@phunuvietnam.vn
Công tác dân vận 6 tháng đầu năm của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội đạt được những kết quả tốt
Ông Phạm Tất Thắng - Ủy viên TƯ Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Dân vận Trung ương phát biểu tại hội nghị.
Chủ trì hội nghị có ông Phạm Tất Thắng - Ủy viên TƯ Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương. Tham gia Hội nghị có đại diện lãnh đạo Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, TƯ Hội LHPN Việt Nam, TƯ Hội Nông dân Việt Nam, TƯ Hội Cựu Chiến binh Việt Nam và TƯ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Báo cáo tóm tắt kết quả công tác dân vận của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội ở TƯ 6 tháng đầu năm 2023, ông Vy Tư Liệu - Vụ trưởng Vụ đoàn thể nhân dân, Ban Dân vận Trung ương – cho biết, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự quản lý, điều hành năng động, quyết liệt của Nhà nước, các hoạt động kinh tế - xã hội trong nước phục hồi. Nhân dân đồng tình, ủng hộ những chủ trương, quyết sách quan trọng của Đảng, Nhà nước trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; vui mừng phấn khởi với kết quả quan trọng của công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng nhất là công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Mặc dù trước tình hình chính trị thế giới phức tạp, khó lường, kinh tế - xã hội nước ta còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, chịu tác động đan xen nhiều mặt, các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn vì đơn hàng bị cắt giảm làm cho việc làm, thu nhập đời sống của một bộ phận người lao động gặp nhiều khó khăn, song nhân dân cũng đánh giá cao sự nỗ lực, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong điều hành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước sâu sát thực tiễn, thành lập nhiều tổ công tác để tháo gỡ khó khăn trong phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch Covid -19, "không để ai bị bỏ lại phía sau".
Với bối cảnh đó, trong 6 tháng đầu năm 2023, công tác dân vận của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương đã đạt được một số kết quả tốt. Trong Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, cụ thể hóa, triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế, kết luận của Đảng liên quan đến công tác dân vận, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền, cụ thể hóa và tích cực triển khai các văn bản về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, các ngày lễ lớn, sự kiện kỷ niệm quan trọng của quốc gia; triển khai xây dựng và ban hành các kế hoạch sơ kết, tổng kết chỉ thị, nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và các văn bản của Đảng liên quan đến công tác dân vận; triển khai xây dựng và ban hành các kế hoạch, chuyên đề của Đảng đoàn, Ban Thường trực triển khai các chỉ thị và các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương cũng vận động đoàn viên, hội viên tích cực hưởng ứng, thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh của đất nước.
Trong công tác giám sát, phản biện xã hội theo quy định, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở TƯ luôn chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra các cấp; quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác kiểm tra. Qua quá trình kiểm tra, giám sát, các cấp lãnh đạo đã kịp thời giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc mà hội viên gặp phải, góp phần xây dựng tổ chức ngày càng phát triển bền vững.
Nhiều mô hình, điển hình "Dân vận khéo" tiếp tục được nhân rộng, lan tỏa tích cực trong xã hội góp phần quan trọng trong việc phát huy dân chủ, tăng cường phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước.
Đặc biệt, công tác vận động đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào theo tôn giáo, đồng bào Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục được quan tâm. Việc phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, người có uy tín ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào theo tôn giáo, các hội, đoàn người Việt Nam ở nước ngoài, công tác đối ngoại nhân dân ngày càng hiệu quả.
Trong thời gian tới, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở TƯ sẽ Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp, phát triển đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân góp phần củng cố, tăng cường và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đối với hoạt động của hệ thống Hội LHPN Việt Nam 6 tháng đầu năm, Trung ương Hội tích cực triển khai phong trào thi đua "Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới" gắn với việc thực hiện 4 tiêu chí: có tri thức, có đạo đức, có sức khỏe, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội ở tất cả các cấp Hội. Tiếp tục vận động phụ nữ rèn luyện phẩm chất đạo đức "Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang; cụ thể hóa chủ đề của năm "Tập trung xây dựng cơ sở Hội, trọng tâm là nâng cao năng lực cán bộ Hội cơ sở"; tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới bằng cuộc vận động xây dựng gia đình "5 không, 3 sạch", "gia đình 5 có 3 sạch" gắn với phong trào thi đua "Dân vận khéo" năm 2023; thực hiện Đề án "Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027".
Nhiều hoạt động được Hội LHPN các cấp tổ chức nhằm hưởng ứng "Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình", "Tháng hành động vì trẻ em, "Tháng hành động vì môi trường" và "Ngày môi trường Thế giới 5/6" và "Ngày Gia đình Việt Nam 28/6". Hội cũng tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các Chương trình Mục tiêu quốc gia, các Đề án của Chính phủ và các chương trình do Hội phát động. Tiếp tục triển khai Đề án "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030" (Đề án 01) và Đề án "Hỗ trợ Phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025" (Đề án 939)…
Các cấp Hội cũng tăng cường củng cố tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phù hợp với tình hình hiện nay; tập trung đổi mới công tác tuyên truyền, làm tốt chức năng chăm lo, đại diện quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên...
Cũng tại Hội nghị, thay mặt Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Đỗ Thị Thu Thảo nêu lên một số kiến nghị như: MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội hiện không nằm trong nhóm các cơ quan thực hiện Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia. Vì vậy, nguồn lực cho hoạt động này vẫn còn hạn chế, chưa đảm bảo mục tiêu "số hóa" như nhiệm vụ đề ra. Phó Chủ tịch Đỗ Thị Thu Thảo cũng mong muốn Ban Dân vận có những đề xuất, kiến nghị với Chính phủ để hình thành cơ chế cho việc tập hợp phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài thành tổ chức chính thống, để Hội LHPN Việt Nam có thể thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Hội trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho tất cả các phụ nữ và trẻ em gái là người Việt Nam trên toàn cầu.
Các ý kiến phát biểu ý kiến tại Hội nghị cơ bản nhất trí với báo cáo do Ban dân vận đưa ra.
Kết luận Hội nghị, ông Phạm Tất Thắng - Ủy viên TƯ Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham gia; chỉ đạo các bộ phận tiếp thu những ý kiến xác đáng từ phía các đại biểu tham dự hội nghị để hoàn thiện báo cáo. Phó Trưởng ban thường trực Ban Dân vận Trung ương đề nghị MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở TƯ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, quán triệt, nâng cao công tác tuyên truyền, vận động cán bộ và các tầng lớp nhân dân tiếp tục thực hiện nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023.