Công ty đa cấp Thiên Lộc đã đưa nông dân vào bẫy lừa như thế nào?

21/11/2018 - 08:00
Sau khi dụ khách hàng tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp bằng việc đặt mua số tiền gần 1 tỉ đồng, để tạo tin tưởng, công ty Thiên Lộc đã “linh hoạt xử lý” cho khách ứng trước hoa hồng với số tiền lên tới cả trăm triệu đồng. Với thủ đoạn này, hàng nghìn người đã sập bẫy.

Chưa nhận hàng đã có…hoa hồng

Như PNVN đã đưa tin, ngày 18/11 cơ quan CSĐT công an thành phố Hà Nội đã có quyết định khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại công ty cổ phần nhượng quyền Thiên Lộc. Thiên Lộc là công ty bán hàng đa cấp từng nổi đình đám thời điểm cuối 2015 đầu 2016, thu hút hàng nghìn người tham gia, nhưng hầu hết trong số đó đều trở thành nạn nhân của trò lừa đảo. Sau khi đăng tải, chúng tôi đã nhận được nhiều phản hồi của độc giả, trong đó có cả nạn nhân của công ty này.

Từ hồ sơ, tài liệu mà bạn đọc cung cấp, quá trình dụ người dân tham gia mạng lưới, nộp cả tỉ đồng vào công ty này để “mua hàng trên giấy” đã hé mở. Một thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt đã đưa hàng trăm người nông dân vào bẫy lừa đảo.

thien-loc.jpg
Những nạn nhân của công ty đa cấp Thiên Lộc chia sẻ quá trình bị dụ vào bẫy của công ty.

 

Cách đây hơn 2 năm, qua chia sẻ của một người họ hàng, bà Vũ Thị Q. (SN 1954, quê Bình Giang, Hải Dương) đã được đưa lên Hà Nội để tham gia các buổi hội thảo của công ty đa cấp Thiên Lộc. Mặc dù là nông dân chân chất, chưa mấy khi rời quê đi xa nhưng vì tin tưởng người họ hàng và cũng muốn có thêm thu nhập, bà đã theo chân họ. Ngay sau chương trình hội thảo, bà đã được bà Lương Thị M. (là tuyến trên của mình ở công ty Thiên Lộc) chào đón, vẽ ra những lợi nhuận khổng lồ mà cả đời nông dân của bà chưa khi nào dám nghĩ đến.

Cùng đi với bà Q. còn có anh Đỗ Xuân Q. (SN 1972, trú tại Bình Giang, Hải Dương). Sau khi nghe tuyến trên của mình chia sẻ lợi nhuận, vẽ ra tương lai tươi sáng, hai người dân nông này đã quyết định tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp của công ty. Bà Q. kể, để trở thành cộng tác viên bán hàng của công ty thì phải mua một số mã hàng, mỗi mã trị giá 9.600.000 đồng/mã. Vì không đủ tiền, bà với ông Q. đi vay mượn cùng dồn lại được 650 triệu đồng. “Họ “khuyến khích, động viên” chúng tôi cố gắng đặt mua cho đủ 100 mã hàng, mỗi mã hàng có giá trị là 9.600.00 đồng, tổng giá trị 100 mã hàng là 960.000.000 đồng (chín trăm sáu mươi triệu đồng). Do chúng tôi không có đủ tiền để nộp, nên chúng tôi đã phải vay tiền hoa hồng của chị Lương Thị M. (người tuyến trên của chúng tôi) và chị Trịnh Thúy N. để nộp”, bà Q. kể lại.

Để “con mồi” tin tưởng vào chính sách tưởng thưởng của công ty và khoản lợi nhuận “bánh vẽ”, công ty Thiên Lộc đã “linh hoạt xử lý” để bà Q. và ông Q. lĩnh trước hoa hồng với số tiền là 161.246.945 đồng.

Tuy nhiên, theo bà Vũ Thị Q. cả bà với ông Đỗ Xuân Q. đều chưa hề được cầm số tiền hoa hồng này. Số tiền này đã được 2 người ký nhận nhưng lại quay vòng vào công ty bằng việc mua mã hàng.

Bỏ tiền tỉ mua hàng trên giấy

Theo tài liệu chúng tôi có được, sau khi ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp và nộp số tiền gần 1 tỉ đồng với công ty Thiên Lộc, những cộng tác viên như ông Đỗ Xuân Q. và bà Vũ Thị Q. không hề nhận được sản phẩm hàng hóa nào. Thứ họ nhận được chỉ là những tờ giấy.

Theo đơn trình báo của bà Q., sau khi ký hợp đồng, tuyến trên của bà là Lương Thị M. đã yêu cầu tuyến dưới của mình phải ký “Phiếu đặt hàng”. Chưa nhận được hàng đặt nhưng khách hàng lại được người tuyến trên hướng dẫn, yêu cầu ký luôn “Phiếu gửi hàng” để gửi toàn bộ số hàng đã đặt vào kho hàng để công ty Thiên Lộc “quản lý giúp”.

hd.jpg
Cơ quan điều tra xác định có khoảng 1.300 người đã trở thành nạn nhân của công ty với số tiền bị lừa lên tới 500 tỷ đồng. Trong ảnh là hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp với Thiên Lộc mà ông Q., bà Q. đã ký với công ty này sau khi nộp vào gần 1 tỉ đồng.

 

Khi những người này thắc mắc, phía công ty giải thích là hiện chưa đủ hàng để giao cho nên cứ ký gửi ở công ty. Sau này hàng về thì sẽ giao để cho các nhà phân phối về địa bàn mình phân phối lại cho người khác. Thế nhưng, sau nhiều năm tham gia, số tiền gần cả tỉ đồng đã ra đi, nhưng họ vẫn chưa biết sản phẩm mình phân phối là cái gì.

Theo tìm hiểu của phóng viên, thực tế thời điểm đó công ty Thiên Lộc không hề có hàng hóa như việc họ quảng cáo với khách hàng, nên mới bắt nhà phân phối như bà Q., ông Q. ký vào phiếu gửi hàng. Mục đích của việc ký gửi hàng hóa này nhằm để qua 30 ngày sau, khách hàng sẽ mất quyền trả lại hàng nếu như hủy hợp đồng, không tham gia mạng lưới nữa.

1_2588609.jpg
Văn phòng chi nhánh công ty Thiên Lộc ở Hà Nội khi còn hoạt động.

 

Sự thực diễn biến sau đó đã chứng minh cho mục đích trên của công ty Thiên Lộc. Sau một thời gian chờ đợi trong vô vọng, bà Q., ông Q. và nhiều khách hàng khác không thấy động thái trả hàng từ công ty Thiên Lộc thế nên đã lên công ty thắc mắc và yêu cầu chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, phía công ty đã tìm mọi cách thoái thác, né tránh và thậm chí còn đòi phạt bằng việc khấu trừ tới 40% giá trị hợp đồng mà người dân đã nộp về.

Cả tháng trời dắt díu nhau từ Hải Dương lên Hà Nội để đòi tiền nhưng không có kết quả, trong khi số tiền vay lãi ở quê ngày một tăng lên, không còn cách nào khác, bà Q., ông Q. và nhiều nạn nhân khác của công ty Thiên Lộc đã nộp đơn tố cáo gửi đến các cơ quan chức năng.

Trao đổi với PV về vụ việc này, một luật sư từng tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng của công ty Thiên Lộc cho rằng, việc cơ quan CSĐT công an thành phố Hà Nội khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra ở công ty Thiên Lộc là cần thiết, bởi dấu hiệu vi phạm pháp luật đã quá rõ. Tuy nhiên, cơ quan điều tra lẽ ra nên khởi tố vụ án sớm hơn để ngăn ngừa thiệt hại cho nạn nhân của công ty này.

PNVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm