pnvnonline@phunuvietnam.vn
Covid-19 làm chậm tiến độ sửa Nhà thờ Đức Bà tròn 1 năm sau vụ hỏa hoạn kinh hoàng
Ngay sạu vụ hỏa hoạn Nhà thờ Đức Bà, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cam kết sẽ phục dựng kiệt tác kiến trúc này trong vòng 5 năm. Nguyên thủ Pháp muốn quá trình tái thiết sẽ được hoàn thành đúng vào dịp Paris tổ chức Thế vận hội Olympic 2024. Ý tưởng tốt đẹp là thế nhưng ngay ở thời điểm đó, nhiều chuyên gia về kiến trúc và xây dựng hàng đầu thế giới không tin là nhiệm vụ sẽ được hoàn thành đúng thời gian vì sự phức tạp của kiến trúc Nhà thờ Đức Bà. Giờ đây, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tràn lan khắp nước Pháp cũng như thế giới, mọi hoạt động sửa sang Nhà thờ Đức Bà buộc phải đình chỉ, mục tiêu 5 năm nêu trên càng trở nên xa vời.
Việc xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà ở Paris trước đó đã bị trì hoãn trong nhiều tháng để các cơ quan chức năng tiến hành khử độc chì. Theo kết quả điều tra, lửa đã nung chảy và phân tán thành bụi 460 tấn chì cấu tạo nên phần mái và tháp nhọn của nhà thờ. Mức độ ô nhiễm ở những khu vực gần Nhà thờ Đức Bà và các trường học, trung tâm giữ trẻ cùng các địa điểm khác ở Paris đều lên mức báo động do bụi độc hại. Mật độ bụi chì lắng đọng gần Nhà thờ Đức Bà cao hơn tới 1.300 lần so với mức khuyến cáo an toàn của Pháp.
Bên cạnh đó, kết cấu yếu của Nhà thờ Đức Bà sau vụ hỏa hoạn được cảnh báo là vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, mặc dù nhiều dầm gỗ khổng lồ đã được dựng lên để chống đỡ cho các phần mái vòm và chóp nhọn của nhà thờ. Công tác phục dựng cũng đã buộc phải đình chỉ nhiều lần trong mùa Đông vừa qua, khi sức gió lên tới hơn 40 km/h.
Trong tuần lễ Phục sinh vừa qua, phần lớn những mảnh vỡ trên mái vòm của gian giữa ở Nhà thờ Đức Bà đã được tháo bỏ. Điều này giúp cho Đức Tổng Giám mục Paris Michel Aupetit thực hiện các nghi thức thánh lễ và truyền hình trực tiếp cho các tín hữu theo dõi trong thời gian cách ly Covid-19. Nhưng vẫn còn những mảnh vỡ khác trên mái vòm và 8.000 đường ống bị nhiễm chì cần được làm sạch và đó không phải là công việc một sớm một chiều.
Giới chức Pháp vẫn đang trăn trở với việc nên xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà chính xác theo mẫu kiến trúc, trong đó sử dụng các kỹ thuật và vật liệu truyền thống, hay kết hợp cả các thiết bị và kỹ thuật chuyên môn hiện đại. Tổng thống Macron cho biết, ông ủng hộ việc bổ sung những kỹ thuật và yếu tố hiện đại trong công cuộc tái thiết Nhà thờ Đức Bà, một công trình kiến trúc vốn đã khá hiện đại sau những lần tu bổ của kiến trúc sư Eugene Viollet-le-Duc hồi giữa thế kỷ 19.
Mặc dù vậy, đa phần người Pháp lại không theo ông Macron bởi họ không muốn có sự can thiệp của yếu tố hiện đại trong dự án trùng tu này, trong đó có ông Philippe Villeneuve. Kiến trúc sư trưởng phụ trách công tác tái thiết Nhà thờ Đức Bà xác nhận rằng Nhà thờ Đức Bà sẽ không có thêm tháp thủy tinh, vườn trên sân thượng hoặc bất kỳ đề xuất bổ sung nào khác.
Tính đến nay, hơn 900 triệu euro (gần 1 tỷ USD) đã được khoảng 340.000 công ty và cá nhân trên toàn thế giới tài trợ hoặc cam kết tài trợ cho công cuộc tái thiết Nhà thờ Đức Bà. Nhưng khoản tiền này không thể trợ giúp các nhà hàng, cửa hàng lưu niệm, các doanh nghiệp… phục vụ khách du lịch tham quan Nhà thờ Đức Bà. Kể từ sau khi vụ hỏa hoạn xảy ra, hoạt động kinh doanh của họ đã khốn đốn. Giờ đây, cộng thêm với thảm họa Covid-19, họ càng bết bát.
Ông Patrice Lejeune, Chủ tịch Liên minh kinh doanh Notre-Dame cho biết, trong vòng 1 năm qua, khoảng 2/3 doanh thu của các doanh nghiệp đã bốc hơi. Năm nay, các doanh nghiệp chẳng có lý do gì để kỷ niệm 1 năm vụ hỏa hoạn Nhà thờ Đức Bà. Chính phủ cấm tụ tập để tránh lây nhiễm Covid-19, còn bản thân họ đang phải đối mặt với nguy cơ phá sản. Người dân Pháp thì sao? Với những người thực tế, họ khó có thể tin rằng Nhà thờ Đức Bà sẽ mở cửa trở lại vào năm 2024.