pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cứ 5 trẻ em, thanh thiếu niên Việt Nam thì có 1 người bị bắt nạt trên mạng
Ảnh minh họa
Sáng 24/5, Bộ LĐ-TB&XH và UNICEF phối hợp tổ chức Hội thảo "Trẻ em trong thế giới số - Giải quyết rủi ro và thúc đẩy cơ hội". Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết: Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam và cả hệ thống chính trị đã có sự vào cuộc mạnh mẽ để bảo vệ tốt hơn cho trẻ em trên internet. Hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đã được Việt Nam quan tâm xây dựng, tạo cơ sở pháp lý quan trọng.
Nhận định môi trường mạng tác động 2 chiều rất mạnh mẽ tới các con, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho rằng, sự phát triển công nghệ, internet mang lại rất nhiều lợi ích, và trẻ em cũng được hưởng lợi nhưng mặt khác cũng khiến trẻ em đối diện với nhiều hiểm nguy, bị xâm hại, bị rò rỉ thông tin, bị bạo lực mạng, tạo các di chứng nặng nề cho các con. Bảo vệ trẻ em trước các nguy cơ từ môi trường mạng là trách nhiệm của cả xã hội, tổ chức, gia đình; giải quyết tốt hơn các vấn đề mà trẻ có thể gặp phải.
Với chủ đề "Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em", bà Nguyễn Thị Hà kỳ vọng buổi hội thảo đưa ra nhiều giải pháp giảm thiểu nguy cơ với trẻ em trên môi trường mạng, thế giới số cũng như thúc đẩy các cơ hội từ internet cho trẻ em phát triển lành mạnh.
Phát biểu tại hội thảo, bà Lesley Miller, Phó Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam, tái khẳng định cam kết của UNICEF trong hoạt động bảo vệ trẻ em trước các nguy cơ của thế giới số đem lại. Bà Lesley Miller cũng nhấn mạnh lợi ích to lớn của sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, thế giới số. Tuy nhiên, nguy cơ xâm hại, lạm dụng trẻ em vẫn đang diễn ra ngày càng phức tạp trên thế giới số.
Theo báo cáo nghiên cứu của UNICEF, cứ 5 trẻ em và thanh thiếu niên, thì có 1 trẻ em bị bắt nạt trên mạng. Đáng lo ngại, 3/4 trong số đó không biết tìm kiếm sự giúp đỡ ở đâu.
"Theo ước tính trên thế giới, theo bất kỳ thời điểm nào trong ngày thì có khoảng 750 nghìn đàn ông đang tìm kiếm tình dục trực tuyến với trẻ em, con số này bằng 4 lần dân số của quận Ba Đình và hơn 3 triệu tài khoản đang được đăng ký trên 10 trang web lạm dụng tình dục trẻ em nguy hiểm nhất trên các trang web đen. Đây là con số đáng sợ. Do đó cần có hành động khẩn cấp".
Bà Lesley Miller, Phó Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam
Theo đó, đại diện UNICEF đề xuất, cần có hành động ứng phó cấp quốc gia, tạo ra những hành động mang tính tổng thể để bảo vệ trẻ trước tình trạng xâm hại, bóc lột trên internet; đồng thời có khung pháp lý bảo vệ trẻ một cách hiệu quả, có tính răn đe mạnh mẽ với các hành vi xâm hại, gây tổn hại với trẻ em trên môi trường số; đặc biệt là luôn có sự rà soát, cập nhật, bổ sung quy định xử lý các hành vi phạm tội mới trên môi trường số thay đổi nhanh chóng.
Theo ông Nguyễn Ngọc Anh, chuyên gia Chương trình bảo vệ trẻ em UNICEF, qua đại dịch Covid-19, các gia đình và trẻ em phụ thuộc tới internet nhiều hơn để duy trì việc học tập, kết nối với cộng đồng, xã hội. Theo đó thì tình trạng trẻ em bị ảnh hưởng tiêu cực cũng cao hơn.
Trong đó, tình trạng trẻ bị bắt nạt có nhiều thay đổi; khác với bị bắt nạt trực tiếp, bị hành hung thân thể thì trên môi trường mạng, trẻ dễ bị bắt nạt qua mạng bởi những bình luận chế giễu, cợt nhả, chỉ trích, miệt thị hay bình luận ác ý, thậm chí công kích, đe dọa, làm mất mặt hoặc bị xuyên tạc thông tin. Thủ phạm có thể là nhiều người không quen biết, do tính ẩn danh, mạo danh và khả năng phát tán thông tin nhanh tới mức chóng mặt.
Bên cạnh đó, các hành vi xâm hại tình dục qua mạng cũng rất đáng lo ngại. Theo ông Nguyễn Ngọc Anh, "bóc lột tình dục trên mạng" được coi là hành vi hình sự ở một số quốc gia, trong đó trẻ em bị bắt xuất hiện trước webcam để thực hiện hành vi tình dục hoặc bị xâm hại tình dục, đổi lại lấy tiền từ một khách hàng trả tiền để họ có thể xem trực tiếp và/hoặc ra lệnh thực hiện các hành vi mà họ mong muốn.
"Máy ảnh và thiết bị ghi hình ngày càng nhỏ gọn hơn, được tích hợp vào mọi khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta, khiến quá trình sản xuất tài liệu xâm hại tình dục trẻ em và thu thập nội dung từ hành vi xâm hại tình dục không tiếp xúc trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết", ông Ngọc Anh nói.
Tại hội nghị, các đại biểu, chuyên gia đề xuất, cần thống nhất các thuật ngữ về xâm hại trẻ em trên môi trường mạng để thuận tiện cho việc thu thập, cập nhật và cung cấp thông tin, số liệu cho cơ quan quản lý. Trên cơ sở đó rà soát, cập nhật, bổ sung khung pháp luật bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, cũng như xử lý các hành vi phạm tội mới. Chỉnh sửa quy trình hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em có nguy cơ, trẻ em bị xâm hại (Quy trình NĐ56/2017-NĐ-CP) phù hợp đối với trẻ em có nguy cơ hoặc bị xâm hại trên môi trường mạng.
Cùng với đó, giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng bảo vệ trẻ em cho cha mẹ và chính trẻ em tự nhận thức và phòng tránh nguy cơ bị bóc lột, xâm hại trên môi trường mạng.