Cụ bà bị “công an rởm” dọa nạt, lừa mất 145 triệu đồng

Anh Quân
27/07/2023 - 07:10
Cụ bà bị “công an rởm” dọa nạt, lừa mất 145 triệu đồng

Gia danh cơ quan chức năng để lừa đảo là chiêu thức cũ nhưng vẫn có nhiều nạn nhân mắc. Hình minh họa

Nhận được cuộc gọi từ kẻ lừa đảo tự xưng là "cán bộ Công an", bà Q. làm theo chỉ dẫn và bị lừa mất số tiền 145 triệu đồng. Đáng nói, sau đó đối tượng tiếp tục gọi điện dọa nạt khiến nạn nhân hoảng loạn.

Thủ đoạn cũ, nạn nhân mới

Ngày 26/7, chị Trịnh Thị L., cho biết: Gia đình chị đã trình báo công an phường Khương Trung, quận Thanh Xuân (Hà Nội) về việc mẹ chị là bà Nguyễn Thị Q. (76 tuổi) bị đối tượng giả danh Công an lừa mất số tiền 145 triệu đồng.

Theo chị L., khoảng 11h, ngày 24/7 khi bà Q. đang ở nhà với cháu ngoại thì bất ngờ nhận được cuộc gọi từ số máy lạ. Người này tự xưng là "Thượng tá Công an Trần Thanh Sơn". Đối tượng giả danh nói rằng, vừa triệt phá một đường dây ma túy lớn và các đối tượng khai bà Q. có nhận tiền hoa hồng từ tổ chức này.

"Hiện nay các đối tượng trong đường dây đang tìm bà Q. để đòi lại số tiền đã chuyển. Đây là những đối tượng rất nguy hiểm, có thể tính mạng bà đang bị đe dọa. Chúng tôi yêu cầu bà nộp lại số tiền đã nhận, đồng thời để tránh mất tài sản vào tay bọn này, bà phải chuyển tất cả tiền bạc cho Công an để chúng tôi bảo vệ", kẻ giả danh dọa bà Q.

Mặc dù phủ nhận không nhận tiền của ai nhưng bà Q. lúc đó cũng vô cùng hoảng sợ và lo lắng số tiền đang gửi ở ngân hàng sẽ bị chiếm đoạt nên bà đã làm theo những gì "Thượng tá Sơn" hướng dẫn.

Chiều ngày 24/7, bà Q. vội vàng ra ngân hàng rút sổ tiết kiệm 100 triệu đồng và chuyển ngay vào tài khoản có tên Tran Thanh Son. Chưa dừng lại ở đó, bà Q. về nhà bán hết số vàng tích cóp được bấy lâu gửi tiếp 45 triệu đồng nữa. Đối tượng còn hướng dẫn bà Q. ghi rõ "Chuyển cho con rể mượn".

Cụ bà bị “công an rởm” dọa nạt, lừa mất 145 triệu đồng - Ảnh 1.

Phiếu chuyển tiền của bà Q. đến đối tượng lừa đảo

"Tôi đi làm về thấy mẹ khác lạ, nét mặt đầy lo âu mệt mỏi. Bữa cơm tối dọn ra bà chẳng buồn đụng đũa. Tôi vô cùng lo lắng vì nghĩ bà ốm nên động viên bà và dự định sáng hôm sau đưa bà vào viện", chị L. kể.

Cũng theo chị L., suốt cả buổi tối bà Q. cứ ôm khư khư điện thoại đi vào đi ra, biểu hiện rất khác thường. Gặng hỏi mãi, cuối cùng bà Q. mới kéo con gái vào trong nhà vệ sinh, xả nước thật to rồi nói: "Nhà mình bây giờ bị lắp camera theo dõi khắp nơi, máy ghi âm cũng bị đặt mọi chỗ. Nói chuyện nhỏ thôi không bọn xã hội đen biết hết sẽ giết cả nhà".

Chưa hiểu chuyện gì, bà Q. kể tiếp: "Thượng tá Sơn nói bọn buôn bán ma túy đã vây kín nhà mình và theo dõi mọi động tĩnh. Tình hình hiện nay rất nguy cấp. Tiền và vàng mẹ đã chuyển cho Công an bảo vệ nhưng còn tính mạng…". Đến lúc này, chị L. mới biết mẹ mình đã bị sập bẫy của "Công an rởm". 

Vẫn chưa hoàn hồn

Được biết, đối tượng giả danh Công an đã dùng rất nhiều số điện thoại khác nhau để hù dọa bà Q. Sau khi lừa được số tiền lớn, chúng vẫn tiếp tục gọi điện đe dọa. Khi chị L. cầm máy và vạch mặt chúng, đối tượng còn thách thức chị L. đi trình báo cơ quan chức năng.

"Sau 2 ngày xảy ra sự việc, mẹ tôi không bận tâm đến số tiền đã mất mà lúc nào cũng ám ảnh có người đang theo dõi để làm hại mình. Bà không dám bước ra khỏi nhà vì cứ mở cửa là… thấy người theo dõi. Kể từ khi xảy ra sự việc, tôi phải xin nghỉ làm để ở nhà trông chừng và động viên mẹ", chị L. chia sẻ.

Cụ bà bị “công an rởm” dọa nạt, lừa mất 145 triệu đồng - Ảnh 2.

Trước đó một cụ bà ở Hải Dương cũng bị lừa nhưng may mắn được cán bộ công an xã kịp thời phát hiện đối tượng giả danh lừa đảo

Theo Thượng tá, TS Đào Trung Hiếu, chuyên gia nghiên cứu tội phạm, những vụ lừa đảo như trên mặc dù đã có thông tin về số điện thoại và số tài khoản ngân hàng nhưng cơ quan Công an vẫn rất khó tìm được được tung tích của kẻ lừa đảo.

Thượng tá Hiếu nói rằng: "Không có đối tượng nào sử dụng số điện thoại hoặc số tài khoản chính chủ để thực hiện hành vi phạm tội". Ngoài ra, các đối tượng có thể thực hiện qua mạng Internet và các phần mềm giả lập số điện thoại. Với cách thức này, các đối tượng có thể giả lập được bất cứ số điện thoại nào. Tinh vi hơn, các đối tượng còn sử dụng các ứng dụng giả giọng nói để nạn nhân tin tưởng.

Với tài khoản ngân hàng, Thượng tá Hiếu cho hay, hiện nay việc mua bán dữ liệu tài khoản diễn ra khá phổ biến và phức tạp. Nhiều người, bao gồm sinh viên, vì điều kiện kinh tế khó khăn mà sẵn sàng mua sim rác và cầm CMND/CCCD đến ngân hàng để mở nhiều tài khoản đứng tên mình.

Sau khi có các số tài khoản, người sở hữu sẽ rao bán cùng với số sim rác. Các đối tượng tội phạm sẽ lập tức thu mua về để sử dụng cho những hành vi phạm pháp.

"Có những vụ án, chúng tôi đã từng nhiều lần truy theo dòng tiền, tìm ra được chủ tài khoản, nhưng kết quả cho thấy người này không liên quan gì đến vụ án. Họ thừa nhận số tài khoản đó là của mình nhưng đã bán cho người khác từ lâu. Việc mua bán diễn ra qua khâu trung gian nên người bán và người mua không hề biết mặt nhau", Thượng tá Hiếu chia sẻ.

Công an Thành phố Hà Nội đề nghị người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về các thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Thời gian qua, mặc dù đã có rất nhiều cảnh báo về thủ đoạn giả danh cơ quan Công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng vẫn còn có người sập bẫy của các đối tượng. Đa phần đó thường là những người ít cập nhật thông tin xã hội, báo chí.

Cơ quan Công an cũng khẳng định, để làm việc với người dân, cơ quan Công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua Công an địa phương; tuyệt đối không yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm